Ca sỹ Đoan Trường đã chọn vương quốc Brunei là quốc gia thứ 53, để khép lại hành trình khám phá của mình trong những ngày cuối năm 2022. Anh Trường cho biết quốc gia rất giàu có nhưng yên bình này ít được nhắc tới trên bản đồ du lịch toàn cầu, có lẽ vẫn còn hạn chế mở rộng cửa cho khách du lịch trên thế giới. Brunei êm đềm quanh năm, nhất là vào ban đêm, bởi ngay trong tên gọi đầy đủ là “Ngara Brunei Darussalam” đã mang ý nghĩa là “Nơi chốn bình yên”. Còn nữa, cái tên thủ đô của Brunei cũng gây chú ý khi có tận 17 chữ: Bandar Seri Begawan cũng mang một thông điệp rõ ràng là “Nơi trú ẩn của hòa bình”.
5 lý do khiến Đoan Trường chọn Brunei là “Vùng đất để sống chậm và chiêm nghiệm”
Brunei là một vương quốc nhỏ bé nằm trên đảo Borneo có diện tích khiêm tốn chỉ hơn 5,765 km vuông và 400.000 cư dân, được bao bọc toàn bộ bởi lãnh thổ Malaysia, phân chia Brunei thành hai phần. Đó là một vùng đất kì bí của những thánh đường dát vàng nguy nga, những bảo tàng đồ sộ với các bộ sưu tập cực kỳ quý giá, những bãi biển xanh ngát tuyệt đẹp, những khu bảo tồn rừng tự nhiên hoang dã và ngôi làng nổi lớn nhất thế giới nằm lọt thỏm trong lòng thủ đô Bandar Seri Begawan.
Chính sách “3 miễn và 1 đô”
Người dân ở đây từ lúc sinh ra đã không phải lo gì cả vì mọi chi phí đều được nhà nước chu toàn như được cấp nhà miễn phí, đi học miễn phí, chăm lo sức khỏe miễn phí. Đức Vua luôn chăm lo các phúc lợi cho đời sống của người dân. Ai thất nghiệp sẽ được tiền trợ cấp rất cao. Ngay cả việc khám chữa bệnh cũng hoàn toàn miễn phí, chỉ đóng tượng trưng 1 đô la Brunei và cũng được chi trả viện phí nếu không có khả năng chữa trị ở Brunei mà phải chuyển sang một đất nước khác, như Singapare chẳng hạn. Người dân được cấp nhà miễn phí nếu làm việc cho các cơ quan Chính phủ, được cấp đất miễn phí để tự xây nhà nếu làm công việc tư nhân. Họ chỉ cần đăng kí với khoản phí chỉ 1 đô la Brunei.
Do đó, không quá ngạc nhiên khi có đến hơn 95% người dân đều sở hữu nhà riêng. Người dân Brunei nói tiếng Anh rất giỏi vì phải học ngay từ khi còn nhỏ. Ai muốn học Đại học ở nước ngoài sẽ được chính phủ tài trợ học bổng toàn phần tại các quốc gia được chỉ định trong danh sách. Sau khi học xong phải về làm việc cho chính phủ theo đúng số năm du học. Đây cũng là quốc gia có VAT=0% nên giá tiêu dùng khá rẻ, người dân không có văn hóa trả giá mà mua và bán theo giá niêm phong.
Bên cạnh đó, Chính phủ còn ưu tiên thực hiện một số chính sách phúc lợi xã hội cao như công dân không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, ma chay không mất tiền, cho người dân vay tiền với lãi suất rất thấp để kinh doanh, sản xuất hay xây nhà.
Rừng tự nhiên hoang dã và làng nước nổi ngay trung tâm thủ đô
Cảnh sắc nếu không nói là nên thơ thì cũng sẽ khiến choáng ngợp vì sự nguyên vẹn được gìn giữ và bảo tồn có ý thức. Mỗi con đường, mỗi công viên trong thành phố đều như một cánh rừng nhỏ vang lên tiếng thác chảy hay tiếng muông thú hòa ca. Trong đó, cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á và công viên quốc gia Ulu Temburong có lẽ là hành trình trekking thú vị nhất cho du khách.
Buồng phổi xanh Ulu Temburong
Temburong là một trong bốn quận của Brunei, nơi đây nổi tiếng thế giới bởi những khu rừng nguyên sinh hoang dã rộng lớn. Muốn đi đến vườn quốc gia Ulu Temburong bằng đường bộ phải mất 20 phút bằng xe hơi để vượt qua cây cầu Sultan Haji Omar Ali Saifuddien, là cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á 26,3 km bắc qua vịnh Brunei. Đây là dịp để hoà mình vào thiên nhiên trên những dòng sông quanh co, gập ghềnh vượt thác lội sông, len lỏi giữa nhưng rừng cây rậm rạp bằng những chiếc thuyền dài truyền thống của người dân địa phương.
Một thoáng làng nổi Kampong Ayer 600 năm tuổi
Kampong Ayer là làng nổi lớn nhất thế giới, có tuổi đời hơn 600 năm và là một trong những nét văn hóa đặc trưng của Brunei. Đây là quần thể bao gồm 40 ngôi làng nhỏ được kết nối với nhau bằng cả ngàn chiếc cầu gỗ uốn lượn quanh co có chiều dài tổng cộng gần 40 cây số, diện tích 10 km vuông. Dân số hiện tại khoảng 13 ngàn người, làng có đầy đủ trường học, bưu điện, bệnh viện, trạm xăng dầu cũng được xây dựng trên mặt nước. Điều đặc biệt ở ngôi làng này là dù sống trên sông nhưng thiết bị trong các ngôi nhà sàn lại rất hiện đại. Hệ thống chất thải rắn luôn được thu gom và xử lý đúng theo các tiêu chuẩn xanh và sạch.
Đa số người dân sống ở làng nổi cũng đi làm ở thành phố. Vào mỗi buổi sáng, họ sẽ di chuyển từ nhà sàn đến bờ thành phố bằng thuyền máy với giá chỉ 1 đô la Brunei (18.500 đồng), sau đó lái xe hơi đến chỗ làm. Các ngôi nhà gỗ đều được chạm khắc với những đường nét hoa văn độc đáo, sàn nhà trải thảm. Cuộc sống sinh hoạt, mua bán tấp nập không khác gì so với trên đất liền. Dạo chơi trên sông bằng thuyền gỗ, ngắm hoàng hôn buông xuống, bạn sẽ cảm nhận không khí nơi đây thật yên bình, lãng mạn, hệt như phong cảnh hữu tình của sông nước Nam bộ.
Điều làm anh ‘sốc’ nhất là cư dân ở đây vốn rất hiếu khách và thân thiện, nhiệt tình nên mọi ngôi nhà luôn được mở rộng cửa, bày sẵn bánh và trà ở bàn để chào đón khách lạ.
Quốc gia toàn “Vàng”
Là một vương quốc Hồi giáo giàu có nhờ hai nguồn tài nguyên chính là dầu mỏ và khí đốt. Tạp chí Forbes cũng xếp Brunei là quốc gia giàu thứ 5 trên thế giới. Tạp chí tài chính Global Finance Magazine dựa theo kết quả báo cáo tình hình kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF năm 2022 đã đưa Brunei vào danh sách “Các quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người cao ngất ngưỡng” với 77.662 USD/người/năm (tương đương khoảng 1,8 tỷ đồng). Brunei cũng là một trong số ít những quốc gia không có công nợ trên thế giới. Brunei còn là nước sản xuất khí đốt hóa lỏng lớn thứ tư thế giới. Sự giàu sang và thịnh vượng này phải kể đến việc vàng được sử dụng để trang trí hơn 100 thánh đường, cung điện, bảo tàng thậm chí các khách sạn, cửa hàng trang sức cũng được trang hoàng lộng lẫy và xa hoa bậc nhất thế giới, toàn bộ nội thất bên trong được đều được mạ vàng.
Thánh đường Hồi giáo Jame Asr Hassanil Bolikah
Bên ngoài có đỉnh là 29 mái vòm hình chóp dát vàng, còn bên trong thánh đường cũng được dát bởi 5 tấn vàng ròng, cùng những chùm đèn pha lê nặng đến vài tấn và hệ thống điều hòa hiện đại. Xung quanh thánh đường, những đài phun nước và khu vườn xanh mát được xếp đặt xen kẽ nhau một cách khéo léo, tạo nên một khung cảnh bình yên thơ mộng. Đây là nơi linh thiêng thu hút hàng nghìn người đến cầu nguyện mỗi ngày. Công trình này được xây dựng với mục đích vinh danh Quốc vương Hassanal Bolkiah hiện tại.
Cung điện Hoàng gia Istana Nurul Iman
Đây là cung điện Hoàng gia rộng lớn và xa hoa bậc nhất trên thế giới. Nếu đến Brunei vào dịp lễ Hari Raya giữa tháng 9, mọi người sẽ được vào bên trong tham quan cung điện, vì đây là dịp Hoàng gia mở cửa để người dân được diện kiến Quốc vương. Còn vào những ngày thường, cung điện không mở cửa, chỉ có thể chụp hình bên ngoài. Cung điện được Sách kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là cung điện lớn nhất thế giới có diện tích 200 nghìn mét vuông với 1.700 phòng, 257 phòng tắm, 5 hồ bơi, có mái vòm mạ vàng và 110 gara có sức chứa hơn 800 siêu xe của riêng Quốc vương. Tại khu vực chuồng ngựa còn trang bị máy điều hòa cho 200 con ngựa quý hiếm.
Bảo tàng Hoàng gia Royal Regalia
Đây là nơi trưng bày vô số vật phẩm của Quốc vương, được chế tác từ các chất liệu quý giá, chủ yếu bằng vàng và kim cương. Đặc biệt, bảo tàng có lưu giữ rất nhiều hiện vật liên quan đến các vị vua đã từng trị vì. Bảo tàng còn được sử dụng để trưng bày những món quà mà Quốc vương Brunei nhận được từ các chính khách trên thế giới.
Thánh đường Sultan Omar Ali Saifuddin
Đươc bình chọn là một trong những nhà thờ Hồi giáo đẹp nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, do hoàng gia xây dựng được đặt theo tên của vị vua quá cố thứ 28 của Vương quốc Brunei, đồng thời cũng là người khởi xướng xây dựng công trình này. Điểm độc đáo nhất là mái vòm được mạ bởi 5 tấn vàng nguyên chất gồm 3,3 triệu miếng vàng ghép lại trên diện tích 520 m vuông. Trong khuôn viên có một chiếc cầu cẩm thạch uốn cong, nối liền thánh đường với chiếc thuyền rồng đặt ở giữa đầm phá, cùng nhiều đài phun nước và công viên cây xanh được trồng tỉa công phu. Tại mỗi thời điểm trong ngày, thánh đường lại lộ ra vẻ đẹp riêng: nếu ban ngày đẹp rực rỡ dưới ánh nắng chói chang thì buổi chiều, khi các ngọn đèn được bật lên, thánh đường bỗng trở nên lung linh huyền ảo với các chóp tháp vàng rực, đây cũng là thời điểm du khách thích đến đây ngồi quanh hồ để ngắm cảnh mặt trời lặn.
Ít phương tiện công cộng nhất thế giới
Phần lớn người dân đều sở hữu từ 1 đến 2 xe hơi riêng nên taxi và xe buýt rất hiếm. Phải đặt taxi trước ít nhất… một giờ đồng hồ mới có xe, phải dặn kỹ tài xế giờ đến đón và trả khách, chứ không thể ra phố vẫy tay là kiếm được taxi ngay. Đường phố cả ngày vắng lặng, thoáng đãng, sạch sẽ và không bao giờ tắc đường. Giá mỗi xe hơi trung bình chỉ khoảng 200 triệu đồng vì người mua không phải đóng bất kỳ một khoản thuế nào khác. Hệ thống giao thông theo hướng tay lái nghịch. Giá xăng cũng nằm trong top 3 rẻ nhất trên thế giới, chỉ 0.45 đô la Brunei (8.000 đồng/ 1 lít), còn rẻ hơn cả một chai nước khoáng có giá 1 đô la Brunei (18.500 đồng/ 1 lít). Xe buýt thì nửa tiếng mới có một chuyến vì cũng ít ai sử dụng loại phương tiện công cộng này mặc dù được miễn phí, chủ yếu dành cho người nước ngoài đến đây công tác hay làm việc.
Những điều ‘luật’ thú vị chỉ có tại Brunei
Khi tới đây, theo quy định mới, nghiêm cấm nhập thuốc lá, xì gà, dù chỉ 1 điếu với mức tiền phạt 20 đô la Brunei /1 gói. Du khách không cần trình giấy chứng nhận tiêm vaccine vì Chính phủ đã dỡ bỏ các quy định về dịch Covid. Tuy nhiên, du khách cần chuẩn bị sẵn vé khứ hồi vì hải quan sẽ hỏi tới.
Để tránh gặp rắc rối khi đến Brunei, mọi người nên tôn trọng văn hóa và tuân thủ các nguyên tắc của đạo Hồi như không ăn thịt lợn, không sử dụng rượu bia. Về ăn mặc, ở những nơi công cộng không mặc quần áo quá ngắn, nam giới phải mặc quần dài. Nếu là phụ nữ lại càng không nên mặc quần ngắn, váy ngắn. Khi vào nhà thờ Hồi giáo, du khách nữ cần có khăn che đầu, tóc và áo choàng đen dài trùm kín đến gót chân.
Hút thuốc và xả rác nơi công cộng sẽ bị phạt tiền rất nặng. Phải xin phép trước khi chụp ảnh nhưng tốt nhất nên tránh chụp ảnh phụ nữ Hồi giáo để không rắc rối với chính quyền địa phương.
Không ăn bốc bằng tay trái vì quan niệm cho rằng tay trái là không sạch. Không bắt tay với phụ nữ Hồi giáo, chỉ đặt một tay lên trái tim và hơi cúi người để chào hỏi. Đa số các khách sạn đều không cho mang sầu riêng và quả măng cụt vào vì sợ ám mùi.
Một suất cơm gà trung bình có giá 3 đô la Brunei (55 ngàn đồng). Hải sản khá rẻ như cá, tôm, cua, mực. Cá thu có giá 4 đô la (75 ngàn đồng/1 kg). Đặc biệt sầu riêng ruột đỏ là một đặc sản luôn được du khách nếm thử. Đồ ăn chủ đạo hằng ngày là cơm lam, cơm vò ăn với hải sản hay các món nướng như thịt gà, thịt bò và cá nướng với giá khá rẻ.
Cảm nhận thay cho lời kết
Dường như quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có này không mặn mà với ngành công nghiệp không khói – du lịch. Mọi sự tô vẽ để mời gọi mọi người đến và dừng chân đều không được bày biện trên vùng đất huyền bí này. Vì vậy, nếu muốn tìm đến để tận hưởng phồn hoa náo nhiệt hay đắm mình trong những dịch vụ tiện nghi nhất, thì Brunei sẽ dội vào bạn một gáo nước lạnh. Dù có đang ở ngay giữa thủ đô Bandar Seri Begawan hiện đại, nếu không nhanh chân, thì sau 19 giờ đừng mong tìm được một quán ăn nóng sốt. Các trung tâm thương mại hay các quán cà phê chỉ có ở khu trung tâm nhưng tất cả sẽ đóng cửa lúc 22 giờ. Nhịp sống của thành phố này cũng không hiện diện để làm đẹp lòng du khách: Không có những quán ăn tiệc tùng thâu đêm, không có các cửa hàng tiện lợi, không có thức uống có cồn, khó mua thuốc lá. Hoạt động giải trí nghèo nàn, mua sắm vắng vẻ, không có phố đi bộ, phương tiện giao thông công cộng ít ỏi sẽ làm chùn bước chân của đại đa số khách du lịch.
Riêng tôi, tôi cảm thấy khá thú vị về quốc gia này, Brunei “Vùng đất để sống chậm và chiêm nghiệm”, theo một cách nào đó rất nhẹ nhàng, bình yên và trầm lặng đúng như bản tính và phong cách sống của tôi!
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY
Đánh giá 1.8 / 5. Lượt: 5