Điểm đếnMẹo Du LịchThế Giới
Đoan Trường tổng kết 8 quốc gia có văn hóa trả giá và nói thách nhất thế giới
Luật bất thành văn, đã là chợ phải có chuyện người bán nói thách, người mua phải tự tìm đúng giá trị của món hàng. Trả giá là một nét văn hoá ở chợ. Trả giá cũng là cách thức trao đổi, đấu trí, thử thách lòng kiên nhẫn giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, cuộc trả giá không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi, ngắn gọn, thành công và trên thực tế, đa số các “Thượng đế” đều bị hớ nhiều vố đau đớn bởi các chủ hàng nói thách quá cao. Do đó có nhiều người cho rằng, nói thách và mặc cả đều không phải là nét đẹp, không phải là văn minh thương mại.
Giữa 2 luồng ý kiến trái chiều, anh Đoan Trường, một chàng trai Việt đam mê du lịch khám phá, ẩm thực và mua sắm đã bày tỏ quan điểm cá nhân cũng như chia sẻ kinh nghiệm mà anh đã đúc kết được khi có cơ hội đi qua 55 quốc gia và hơn 220 các tỉnh thành, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Cá biệt có nhiều quốc gia, anh đã quay lại từ 2,3 đến 10 lần mà nơi đó, có thói quen nói thách và mặc cả nhiều nhất trên thế giới nhưng lại rất văn minh.
Đoan Trường tổng kết 8 quốc gia có văn hóa trả giá và nói thách nhất thế giới
Phải có mặc cả, trả giá mới là… chợ!
Chợ, tiệm tạp hóa hay cửa hàng nhỏ không chỉ là nơi giao lưu kinh tế mà còn là một nét văn hoá đặc trưng của từng vùng miền ở mỗi quốc gia. Phải có trả giá, có lôi kéo, có đu bám, có lời qua tiếng lại hay thậm chí có cãi nhau mới là… cái chợ!
Điều này có vẻ hơi quá nhưng thực tế là vậy! Nói thách, mặc cả là những kỹ năng giao tiếp, thương lượng, đấu trí giữa hai bên mà bên bán vẫn có lời, còn bên mua ‘tậu’ được món hàng ưa thích với cái giá phải chăng, hợp lý.
Hãy ‘bỏ túi’ vài chiêu trả giá
Khảo giá trước: Khi thích một món đồ nào đó ngưới mua nên dành thời gian khảo sát mặt hàng này ở nhiều siêu thị, cửa hàng, tham khảo bạn bè hay tìm trên mạng, đọc những bình luận người tiêu dùng đã mua sản phẩm trước đó để có sự so sánh.
Mạnh dạn trả giá: Khi mua hàng nên trả giá ‘mạnh miệng’, nếu người bán không đồng ý thì hãy tăng dần tiền lên từ từ, vừa trả giá vừa bỏ đi.
Chú ý cảm xúc: Khi xem hàng đừng tỏ ra quá thích món đồ đó trước mặt người bán hàng mà phải giữ thái độ lạnh lùng. Hãy tỏ ra mình sẵn sàng đi qua cửa hàng bên cạnh để xem hàng.
Tìm vài lỗi: Có thể tìm ra vài lỗi nhỏ để lấy cái cớ được bớt giá. Lúc này, việc giảm giá xuống thấp hơn càng thuận lợi.
Người trong nghề: Món hàng nào cũng đều có hai giá, một cho người trong nghề, hai cho kẻ ngoại đạo. Hãy cố gắng dùng vài từ chuyên môn và kiến thức cơ bản nói với người bán để chứng tỏ sự sành sỏi thì người bán sẽ không dám “múa rìu qua mắt thợ”.
Nói dối lưu loát: Hãy giả vờ như đã mua quen và biết rõ giá, hãy diễn thật tự nhiên với những câu nói đại loại như: “Bữa trước tôi mua chỉ 30 ngàn đồng thôi!”, “Ở chợ bán có 35 ngàn đồng mà tôi vẫn không mua!”, “30 ngàn đồng là cao rồi, mua hoài nên tôi biết giá mà!”
Mua chỗ quen: Khi khám phá ra một chỗ bán hàng với giá phải chăng, hãy trở thành khách hàng thân thiết ở nơi đó. Việc này sẽ khiến người mua không bị hét giá mà đôi khi còn được chủ hàng vui vẻ bớt thêm nữa.
Tạo cảm tình: Dù khách hàng là “Thượng đế” nhưng không người bán nào muốn giao dịch với khách hàng khó tính và nóng nảy. Thực tế, có rất nhiều người bán hàng sẵn sàng giảm giá cho khách hàng nào mà họ có thiện cảm như người quen, người nổi tiếng, ân nhân…
Đừng mặc cả lúc có nhiều khách: Người bán không bao giờ muốn những vị khách khác biết được có người đã trả giá rất sát sao bởi biết đâu sau khi bán cho bạn, họ có thể bán cho khách khác với giá cao hơn. Vì vậy, nên tránh trả giá, kỳ kèo khi có đông khách thì dễ được giá tốt hơn.
Nắm rõ cẩm nang “Nghệ thuật trả giá”
Chọn đúng thời điểm: Việc trả giá thành công có thể phụ thuộc vào thời điểm mua hàng. Nếu là người mua đầu tiên, chắc chắn sẽ khó lòng được giảm giá nhiều. Bởi tâm lý của người bán món hàng đầu tiên là phải “bán đắt” thì mới may mắn. Nếu mua hàng vào thời điểm sắp đóng cửa có thể mua được hàng với giá mềm hơn mà không cần mặc cả nhiều vì tâm lý bán cho nhanh còn dọn hàng về nhà. Một mẹo khác là nên đi mua những ngày trời âm u, mưa gió hay nóng bức bởi vào những ngày này, rất ít người mua hàng nên người bán cũng bị tâm lý báo giá phải chăng để còn bán được hàng.
Cưa đôi mà trả: Đó là câu cửa miệng của các chuyên gia trả giá. Đừng nghĩ đó chỉ là câu nói vui vì thực tế có nhiều chợ nói thách có tiếng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quốc gia nói thách còn hơn mức này rất nhiều nên phải trả từ mức thấp nhất có thể.
Tận dụng lợi thế mua chung: Hãy đi ít nhất 2, 3 người trở lên và cùng nhau trả giá, mỗi người xuống giá một phần đảm bảo sẽ có hiệu quả. Hãy sử dụng chiêu áp đảo tâm lý người bán như kẻ khen người chê, kẻ thử người nếm, kẻ bỏ đi người níu kéo.
Nhiều cửa hàng hiện nay vẫn để bảng “Miễn trả giá”, có thể là họ bán hàng tốt, hàng độc, hoặc bán đúng giá hoặc có thể họ thích để như vậy vì không muốn khách trả giá. Tuy nhiên hãy cứ “mạnh miệng” trả giá vừa vu vơ vừa hài hước, hỏi thăm có mặt hàng nào đang có chương trình khuyến mãi hay giảm giá không? Cuối cùng hãy nhờ người bản xứ hay hướng dẫn viên du lịch địa phương trả giá và mua dùm sẽ không bị “chặt chém” nhiều.
Dưới đây là top 8 quốc gia có thói quen nói thách quá cao không chỉ cho du khách mà còn cho cả cư dân địa phương theo thứ tự là Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Ai Cập, Ý, Dubai và cuối cùng là Việt Nam.
Ấn Độ – Quốc gia đứng đầu danh sách nói thách nhất thế giới
Trả giá nào cũng “dính” tại Ấn Đô vì người bán nói thách gấp 10 lần. Ở bất cứ thành phố nào, du khách cũng dễ dàng bị bao vây bởi cảnh mua bán tấp nập bởinhững quán hàng rong bên vệ đường, chợ tự phát, điểm tham quan, bến xe. Một cái khăn choàng được “hét” với giá 1.000 Rupie nhưng mấy ai dám trả giá xuống tới 100 Rupie là giá thực tế người bán muốn bán. Người dân Ấn hiền hòa, cởi mở trong văn hóa bán hàng, nói thách nên mọi người cứ thoải mái “mạnh miệng” trả giá càng thấp càng tốt.
Trung Quốc – quốc gia nói thách gấp 10 lần
Nếu không có dự định mua sắm, tốt nhất bạn đừng tò mò hỏi giá nếu không muốn bị người bán hang rong bám theo. Mặc cả xuống 10 lần, so sánh kỹ hình ảnh và giá trên menu nhà hàng là những điều cần nhớ. Thông thường, chủ cửa hàng sẽ nói thách giá gấp 10 lần số tiền, nhất là với những người ngoại quốc. Nếu không tự tin có thể nhờ người bản xứ hay hướng dẫn viên mua giúp mình. Kiểm tra kỹ món đồ lúc thanh toán để tránh lấy phải hàng mẫu hay hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, hãy mang theo máy tính hoặc dùng máy tính trên điện thoại để tiện trong quá trình trao đổi giá và cũng lưu ý vấn đề tiền giả, nhất là với tờ mệnh giá lớn như tờ 100 tệ.
Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia chỉ có trai đẹp bán hàng
Hàng hóa ở đây rất đa dạng về mặt hàng, chủng loại, chất lượng và giá cả. Mỗi thành phố lại có một khu mua sắm nổi tiếng với nhiều đặc trưng riêng với mọi loại hàng hóa từ đèn, khăn choàng, thảm, quần áo, giày dép, đồ da, nước hoa, mỹ phẩm đến chợ gia vị, trái cây. Ở mỗi điểm du lịch tại đây đều có rất nhiều những đặc sản, mặt hàng riêng biệt theo từng vùng miền nhưng tựu chung, đàn ông Thổ là các chuyên gia trong lãnh vực bán hàng và chìu khách. Do đó, nếu không tỉnh táo trả giá thì chạy trời cũng … dính. Bạn có thể giảm từ 80 đến 85% số tiền mà họ nói thách.
Indonesia – Phải trả ít nhất 1/3 giá
Ở Indonesia bán gì hầu như cũng nói thách khá cao nên cứ tự tin mà mặc. Ví dụ như 1 bức tượng nhỏ, lúc đầu họ nói 50.000 rupiah / 1 tượng, sau khi mặc cả được xuống 50.000 rupiah / 2 tượng. Những món quà lưu niệm thường được khách du lịch chọn mua là vải truyền thống của người dân Indonesia, hoặc các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo làm từ các loại đá quý, hay bằng các vật liệu thiên nhiên như vỏ ốc, xà cừ, vỏ dừa. Người dân cũng dễ chịu, cứ trả đến khi nào mình đi mà chủ hàng kêu lại thì coi như được giá.
Ai Cập – Văn hóa nói thách ngập tràn khắp nơi
Tới Ai Cập, du khách cần lưu ý khi mua đồ lưu niệm nên trả giá còn 1/4 vì họ nói thách gấp 4 lần, ngay cả trong cửa hàng và có niêm yết giá! Ở các khu chợ thì bị nói thách từ 5 đến …10 lần. Hàng hóa nhiều vô kể, thế nhưng khi mua bán là cả một vấn đề nan giải với đa số du khách. Những người bán hàng Ai Cập nổi tiếng đu bám du khách đến tận cùng. Khi bạn không đồng ý mua và bỏ đi, họ sẽ đuổi theo đồng ý bán cho bạn giá bạn mong muốn, nhưng khi bạn quay lại cửa hàng của họ thì họ lại… đàm phán tiếp. Và thương vụ đó chỉ dừng lại khi bạn chịu thua họ. Các anh chàng bán hàng rất rảnh thời gian nên có thể cò kè với bạn hàng tiếng đồng hồ cho một món hàng bé xíu. Công thức bán hàng của họ là: Nói giá, sau đó bạn chê đắt, họ hỏi bạn muốn mua bao nhiêu, nếu bạn nói thấp thì họ bắt đầu cò kè khoảng giữa và dai dẳng, họ gần như không cho bạn thoát đi. Tôi muamột tượng Pharaoh bằng đá granit (thực ra là đá trộn hồ) bị họ nói giá 2.500 Egyptian Pound (khoảng 7,5 triệu VND). Tôi trả giá xuống 10 lần 250 EP (750 nghìn VND) làm họ gần như tức giận. Cuối cùng họ bán với giá 250 EP, nhưng sau đó tôi mới biết mình bị mua hớ vì người bạn cùng đoàn mua bên gian hàng gần đấy chỉ có giá 150 EP cho cùng 1 bức tượng.
Ý – Du khách ngoại quốc bị phân biệt đối xử
Nhiều du khách cho biết, việc nói thách luôn xảy ra ở các bãi biển, tuyến phố, vỉa hè, khu chợ địa phương, chợ trung tâm hoặc các khu du lịch không được niêm yết giá tại các di tích nổi tiếng. Một số người bán hàng rong khu vực trung tâm luôn nâng giá trị món hàng lên nhiều lần khi khách du lịch nước ngoài hỏi giá. Tùy thuộc vào cuộc thỏa thuận giá cả, món hàng mới về đúng hoặc gần đúng giá trị. Đây là một trong những vấn đề làm du khách không hài lòng. Tuy nhiên, mức độ nói thách tại đây thua xa các quốc gia châu Á. Cách tốt nhất là hãy vào siêu thị mua vì tình trạng này khó xảy ra ở một số quốc gia phương Tây, bởi hệ thống siêu thị, cửa hàng niêm yết giá luôn chiếm đa số.
Dubai – Không có công thức trả giá cụ thể
Đến Dubai một lần, người ta mới biết rằng “thiên đường mua sắm” thực thụ là đây chứ không phải Hong Kong hay Singapore. Nếu bạn đi chợ, hoặc ở nơi tụ tập đông người, bạn sẽ được mời chào cùng loại sản phẩm hoặc dịch vụ từ nhiều chủ hàng khác nhau, nhất là vàng, đá phong thủy hay trang sức, đồng hồ, nước hoa. Hãy hỏi giá và so sánh từ vài chủ hàng, trước khi bạn quyết định chọn mua. Khi trả giá xuống thật thấp mà người bán không đồng ý thì hãy quay đi không mua nữa thì người bán hàng nhất định sẽ gọi bạn quay lại và tiếp tục việc thương lượng. Dubai không có công thức mặc cả như các quốc gia khác mà tùy thuộc vào mặt hàng, quốc tịch du khách, hình thức ăn diện mà người bán quyết định
giá nên bạn cần phải giỏi kĩ năng quan sát, dọ giá và trả giá.
Việt Nam – Khách quốc tế “một đi không trở lại” vì nạn chặt chém
Nhiều tài xế taxi “dù” có một đồng hồ tính giá theo số km trên xe nhưng luôn mặc cả với khách nước ngoài với chiêu trò nói giá tiền Việt nhưng tính bằng giá tiền Đô (50 ngàn và 50 Đô). Chợ Bến Thành tại quận 1, Tp.HM để mua hương liệu. Tiểu thương khu chợ này luôn hét” lên 5 lần giá trị thực của món hàng với lý do là chi phí thuê mặt bằng quá cao. Người bán trái cây đã thay đổi kết cấu quả cân để bán trái cây đắt hơn, kể cả những người bán trong chợ và bán rong trái dừa trên hè phố. Người Việt luôn bắt đầu với mức giá cao gấp 2-3 lần so với giá trị thực. Sau đó, người mua sẽ giảm giá dần dần cho đến khi cả hai “thuận mua vừa bán”. Vì thế, khách nước ngoài thương gặp khó khăn khi trả giá và mất nhiều thơi gian hơn để đi khảo sát rất nhiều nơi, trước khi quyết định mua món hàng nào đó. Dần dần sau này, khách du lịch quốc tế sợ bị “chặt chém” nên họ thường được khuyên mua sắm tại những siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi. Những nơi này giá cả niêm yết rõ ràng, giá bán cho người dân địa phương và khách du lịch hầu như là như nhau, không có sự phân biệt.
Cuối cùng, bật mí cho những ai chưa biết: Những nước không có thói quen nói thách hay mặc cả khi mua bán là Nhật Bản, Hàn quốc, Brunei và Mông Cổ.
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY
Đánh giá 1.4 / 5. Lượt: 8