Theo thuyết minh của hướng dẫn viên thì ngoài đời, theo ghi chép của lịch sử, Bao Công đẹp trai, trắng trẻo, thư sinh, cao ráo chứ không phải “mặt đen sì” như trong phim ảnh. Phủ Khai Phong nằm ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, gắn liền với Bao Thanh Thiên, vị quan nổi tiếng với nhiều thế hệ khán giả khắp nơi trên thế giới qua bộ phim cùng tên.
Phủ Khai Phong hiện tại mà du khách tham quan là một công trình được phục dựng ngay vị trí nền đất cũ ngày xưa nên đã nhận được giải Lỗ Ban, giải thưởng dành cho công trình phục cổ đẹp nhất Trung Quốc vào năm 2007. Anh Đoàn Phước Trường, một travel blogger đã 15 lần du lịch qua các thành phố lớn nhỏ của đất nước Trung Hoa cổ kính thơ mộng vừa có chuyến đi khám phá phủ Khai Phong.
Khách Việt “bật ngửa” với diện mạo thực tế của Bao Công tại Khai Phong Phủ
Phủ Khai Phong là điểm đến thu hút rất nhiều du khách ghé thăm bởi nơi đây gắn liền với tên tuổi của nhân vật huyền thoại Bao Thanh Thiên. Tên thật của ông là Bao Chửng, hay còn được biết đến với tên gọi khác như Bao Hắc Tử, Bao Công. Ông làm quan nhà Bắc Tống, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, có tài xử án công minh và được nhân dân kính trọng, yêu mến. Theo hình tượng trên phim ảnh thì ông có khuôn mặt đen với vầng trăng giữa trán.
Tuy nhiên trên thực tế, Bao Thanh Thiên không hề có gương mật đen. Đây là do ảnh hưởng của nghệ thuật kinh kịch nên các diễn viên phải hóa trang khi đóng phim mà gương mặt đen là biểu tượng cho bậc quân tử, công chính nghiêm minh và nửa vầng trăng trên trán tựa như ánh trăng soi sáng công lý ngay cả ở những nơi tăm tối nhất.
Phủ Khai Phong được phục dựng trên diện tích hơn 4 hecta, gồm sân bãi, hồ nước, vườn cây, thành lầu, nha môn, công đường xử án, nơi làm việc của các quan cấp dưới, nhà nghỉ của quan lại, binh lính. Du khách sẽ mất khoảng 2 giờ đồng hồ để tham quan toàn bộ Khai Phong Phủ.
Phủ Khai Phong còn được gọi là Bao Công Tự, được xây dựng ngay trên nền móng của phủ xưa từ năm 2002 sau 15 tháng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Mỗi năm danh thắng nổi tiếng này đón hơn 1 triệu lượt khách ghé tham quan, trở thành điểm tham quan đạt doanh thu cao nhất tỉnh Hà Nam.
Theo thông lệ hằng ngày vào lúc 9 giờ, Khai Phong Phủ mở cửa đón khách bằng màn trình diễn sống động. Từng đoàn lính hùng dũng diễu hành trước công chúng với cờ phướng, gươm giáo rợp trời. Bao Công cùng các thuộc hạ xuất hiện oai nghiêm trong áo mão cân đai nhưng rất thân thiện, dễ mến. Dưới bốn chữ vàng “quang minh chính đại”, Bao Công mời du khách cùng vào xử án ngay trước sảnh công đường.
Không chỉ là điểm tham quan đơn thuần, mọi nơi trong Phủ Khai Phong đều hấp dẫn bởi các màn biểu diễn xiếc, kungfu hoặc các trích đoạn quang cảnh trường thi, xử án, một phần cuộc sống sinh hoạt của Bao Công ngày xưa. Tham quan phòng xử án anh Trường không khỏi lạnh người trước ánh thép lạnh lùng của “Cẩu đầu trảm”, “Hổ đầu trảm” và “Long đầu trảm” mà mọi người vẫn thường thấy trên phim ảnh.
Ngoài ra, còn có nhà lao giam giữ phạm nhân chờ ngày xét xử, được chia làm 2 khu nam và nữ và có cả gông cùm, xe tù, nhà biệt giam tử tù, dụng cụ tra tấn để du khách tận mắt chiêm ngưỡng.
5 tiếng ở Khai Phong phủ cổ kính, anh Trường cho biết mình thầm biết ơn những người đi trước đã giữ nguyên vẹn đường nét kiến trúc xưa cũ từ hàng ngàn năm qua cùng với các áng thư, nghiên mực, trát đồng, tư liệu sử sách, để khách tham quan có thể thưởng lãm trọn vẹn những kỷ vật ngày xưa.
Phía ngoài phủ được đặt một chiếc trống to, vốn dành cho người dân đến đánh trống kêu oan. Đây là biểu tượng cho sự công bằng của công lý trước cái ác, không khuất phục trước quyền thế, án oan, án sai ngày xưa.
Phủ Khai Phong không chỉ là địa điểm thu hút khách du lịch mà còn là nơi mọi người suy ngẫm về bản thân và trân trọng cuộc sống hiện tại. Từ câu chuyện Bảo Công, chúng ta có thể thấy được sự đấu tranh giữa công lý và cái ác, sự uy nghiêm của việc thực thi pháp luật công bằng và lòng dũng cảm đối mặt với khó khăn. Giá vé vào cửa Khai Phong Phủ chỉ có 65 tệ (230 ngàn đồng), không phân biệt người bản xứ và nước ngoài.
Theo: Ca sĩ Đoan Trường
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY
Đánh giá 5 / 5. Lượt: 3