Điểm đếnViệt Nam

Vì sao đến Phú Yên là phải đi Tháp Nhạn?

Nằm bên bờ Bắc sông Đà Rằng thuộc thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), tháp Nhạn được xây dựng từ cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, tọa lạc uy nghi trên đỉnh núi Nhạn. Tháp Nhạn đã từ lâu trở thành biểu tượng của Phú Yên và là chốn check in sống ảo không thể bỏ qua của giới đam mê du lịch.

Vì sao đến Phú Yên là phải đi Tháp Nhạn?

Nói về nguồn gốc của ngọn tháp này có rất nhiều tương truyền. Có người cho rằng, xưa kia có nàng tiên nữ Thiên Y A Na giáng trần chỉ dạy cho người dân sống ở vùng đất này tất cả mọi thứ từ cấy cày, dệt vải, kéo sợi…để tìm cách mưu sinh. Sau khi tiên nữ quay trở lại cõi tiên, người dân Chăm-pa vì thương nhớ và muốn khắc ghi công ơn người khai sáng cho dân tộc mình bèn xây ngọn tháp ấy để phụng thờ.

Tòa tháp được xây theo tỉ lệ cân đối với ba phần: Đế, thân và mái, các tầng tháp đều có phong cách giống nhau, càng lên cao càng thu nhỏ lại. Chân tháp được ốp đá sa thạch. Thân cao, đồ sộ với một màu nâu đỏ rực rỡ, nóc của tháp gồm nhiều lớp xếp.

Trên đỉnh tháp là hình tượng Linga bằng đá được điêu khắc công phu, gắn với ý nghĩa tâm linh của người Chăm. Cửa và mặt chính của tháp quay về hướng Đông, ba mặt tường còn lại đều có trang trí hoa văn gắn với những ý niệm tôn giáo xa xưa và tạo hình cửa giả. Vì lối xây dựng tầng cao càng thu hẹp, nên tường phía trong tháp cũng uốn theo và thu nhỏ dần, vòm lại theo hình chóp nón và nối với nhau ở viên gạch cuối cùng. Lòng tháp Nhạn có diện tích khoảng 25m2, đứng từ trong nhìn lên thấy không gian vừa cao rộng, vừa sâu thẳm huyền bí.

Toàn cảnh tháp Nhạn từ trên cao.
Toàn cảnh tháp Nhạn từ trên cao.

Đi sâu vào phía bên trong tháp, du khách có thể bất ngờ khi thấy bên trong không có tượng hay ban thờ nào, chỉ có duy nhất một cái am nhỏ để nhang khói cho Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi được xây dựng từ thời Hậu Lê. Xung quanh tường có những hoa văn hình rồng được chạm khắc tinh tế trên đá hoa cương đặt ở 4 góc tháp. Đừng từ bên trong nhìn lên đỉnh tháp chỉ thấy một không gian sâu thẳm cao vút đầy huyền bí.

Khung cảnh lối vào tháp Nhạn
Khung cảnh lối vào tháp Nhạn

Vào mỗi dịp lễ, Tết, mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, nhân dân trong vùng đều đến đây cầu nguyện cho cuộc sống được bình an. Tháng 3 âm lịch hàng năm, tại đây diễn ra Lễ hội vía Bà – Tạ ơn Mẹ Xứ sở, vị thần đã có công dạy người dân nghề nông, nghề dệt, che chở và bảo vệ mọi người khỏi thiên tai, địch họa. Với ý nghĩa ấy, Lễ hội vía Bà (hay còn gọi là lễ hội Tháp Nhạn) là lễ hội chung của nhân dân trong vùng, cả người Chăm và người Việt dọc khu vực miền Trung cùng hành hương, dâng hương. Ngày nay, lễ hội còn thu hút hàng ngàn du khách thập phương đến tham dự.

Tháp Nhạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia và là công trình có giá trị lịch sử của đồng bào Chăm, là thắng cảnh tiêu biểu ở Phú Yên.

Nếu có cơ hội đến với Phú Yên các bạn đừng bỏ lỡ địa điểm này nhé, vừa là điểm đến tâm linh, lịch sử vừa được ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Tuy Hòa từ trên cao.

Hướng dẫn đường đến Tháp Nhạn:

Đường lên Tháp Nhạn hơi dốc và quanh co nhưng dễ tìm. Có 2 đường lên tháp, 1 đường bậc thang và 1 đường nhựa, đi đường nào cũng dễ đi.  Mình hướng dẫn đường đi từ ga xe lửa Tuy Hòa, bạn đi thẳng đường Lê Trung Kiên, qua ngã tư với đường Tản Đà một xíu, tới đường nhỏ thứ 2 bên tay trái bạn quẹo vô, đi thêm một đoạn nữa là đến Tháp Nhạn.

Nguồn Du Lịch Chất

Xem thêm các bài viết:

Review hành trình Quy Nhơn – Phú Yên 3N2D kĩ tận chân răng
Hướng dẫn đường đến Cam Ranh – thiên đường nghỉ dưỡng mới nổi ở Khánh Hòa
Đến Flamingo Đại Lải Vĩnh Phúc tận hưởng cuối tuần an yên

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY

Đánh giá / 5. Lượt:

Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này

Hotline đặt Combo – Phòng khách sạn – Tour du lịch – Vé máy bay giá siêu tốt: 0908 341 702
1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (No Ratings Yet)
Loading...
Close