Điểm đếnSAO ĐIThế GiớiTrải Nghiệm

Khách Việt bị “sốc” với tượng đầu quỷ lộn ngược trong cung điện bị đắm ở Istanbul

1.5
(8)

Istanbul huyền bí với những ngọn tháp và mái vòm trải trên đường chân trời, nhưng bể nước ngầm Basilica Cistern lại chứng minh sức hút bên dưới nền móng một thành phố cổ xưa. Trong số 336 cột đá cẩm thạch lớn trên diện tích gần 1 ha của bể chứa nước ngầm lớn nhất Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, một vài cột có tượng đầu quỷ Medusa lộn ngược đã gây cảm giác mạnh.

Anh Đoàn Phước Trường, một du khách Việt rất đam mê du lịch, đã vi vu qua 60 quốc gia, có dịp đến đây cho biết thêm thông tin: “Basilica Cistern được gọi với nhiều tên như Cung điện nước, Cung điện bị đắm. Thực chất đây là hệ thống bể chứa nước ngầm cung cấp nước sạch cho sinh hoạt của người dân và vệ sinh tại các giáo đường, đền đài”.

Khách Việt bị “sốc” với tượng đầu quỷ lộn ngược trong cung điện bị đắm ở Istanbul

Basilica Cistern được xây dựng từ giữa TK3 đến TK4 tại Constantinople. Họ đã tính toán tài tình, dẫn cả một hệ thống nước ngọt mênh mông theo các ống, máng, rãnh dài chằng chịt khoảng 400km từ rừng già, sông suối bên ngoài thành phố vào trung tâm đô thị. Nước ấy để phục vụ đại lễ, cọ rửa thánh đường, phục vụ sinh hoạt. Cửa ra vào hầm chứa nước như đi xuống ga tàu điện ngầm.

Sau khi bước qua cửa soát vé và kiểm tra an ninh một đoạn ngắn, cửa vào hầm nước hiện ra với hàng tay vịn của bậc thang. Hệ thống khoảng 50 chục bậc đưa khách xuống sâu dần, giống như đi xuống một hang động trong lòng đất. Ánh sáng giảm dần kèm theo cái mát và hơi ẩm phả ra từ khí hậu trong bể ngầm. Từng cây cột đầu tiên hiện ra, trước khi cả rừng cột đập vào mắt. Men theo lối đi bằng gỗ với hệ thống đỡ bằng thép, khách đón chuyến đi vòng quanh bể, ngắm nghía từng cây cột đá, chiêm ngưỡng từng hoa văn.

Bước xuống thêm hàng chục bậc cầu thang đá, không khí lạnh dần, tối tăm dần. Đến lúc chỉ còn vài giọt sáng mơ hồ tỏa ra từ các chân cột, đỉnh cột đá cẩm thạch.

Tổng số 336 cột đá cẩm thạch mỗi cột cao 9m chống đỡ cho hệ thống mái vòm trạm trổ cầu kỳ, chẳng khác gì những trong nhà thờ Hồi giáo bên trên mặt đất chính nơi này. Toàn bộ công trình có chiều dài 143m, ngang 70m, chứa được ít nhất 80.000 m3 nước.

Theo sử liệu, có 7 cột lớn được khiêng về từ một ngôi đền thiêng. Độc đáo nhất là 2 cột đá mà ở chân của nó là đầu quỷ Medusa lộn ngược. Nhiều cột có cắm biển chỉ dẫn, gọi là cột nước mắt, cột oan hồn, cột đau thương hay các cột mắt quỷ. Ở đó họ đẽo lõm vào lòng đá những con mắt xanh lam, mắt có đuôi dài thượt của quỷ.

Hành trình quanh bể ngầm, du khách sẽ lướt qua cột đá mang tên “cột khóc”. Cây cột này luôn ướt, và có nhiều vòng ô van được khắc họa. Khi nhìn, người thì cho rằng đó là mắt con chim công đẫm nước, người thì lại thấy giống những giọt nước mắt. Có câu chuyện truyền miệng rằng cây cột được dựng lên để tưởng nhớ những người thợ, phần lớn là nô lệ, đã mất mạng khi dựng bể ngầm. Tài liệu ghi lại, có khoảng 70.000 nô lệ đã tham gia xây dựng Basilica Cistern.

Một nét độc đáo nữa nằm ở góc phía tây bắc của bể. Đó là hai chiếc đầu Medusa lớn, điển hình thú vị về kiến trúc thời La Mã, được dùng làm bệ đỡ cho chân cột ngay từ ngày đầu xây dựng. Một đầu tượng Medusa nằm nghiêng trong khi đầu còn lại bị lộn ngược. Trong thần thoại Hy Lạp, Medusa là một trong ba chị em nữ quái vật Gorgon thuộc về thế giới ngầm.

Các bức vẽ và tượng khắc ba chị em nữ quái vật này thường được dùng trang trí như để cầu mong sức mạnh của họ có thể bảo vệ các công trình hoặc sự kiện lớn thời La Mã. Người ta tin hai bức tượng này thuộc về một phế tích nào đó từ thời La Mã được đưa về đây. Việc để hai đầu người không theo chiều tự nhiên tạo nên nhiều huyền thoại gây tò mò làm nên nét độc đáo của bể ngầm.

Hiện nay, hơn 80 bể ngầm đã được phát hiện và khai quật tại Istanbul, nhưng Basilica là bể lớn nhất và được khai quật trong tình trạng tốt nhất. Bể ngầm được nhà chức trách thành phố Istanbul làm sạch và trùng tu năm 1985, đến năm 1987 thì mở cửa cho công chúng. Ngày nay, Basilica Cistern là một trong những điểm đến nổi tiếng của thành phố.

Năm 2017, công trình này được gia cố các dây kết nối chống động đất và ánh sáng nghệ thuật được lắp thêm, tạo nên hình ảnh lung linh huyền ảo hơn cho hầm nước. Basilica Cistern cũng được dùng làm sân khấu tổ chức hòa nhạc cổ điển, hoặc các vở diễn truyền thống của người Thổ Nhĩ Kỳ.

Ánh sáng nhẹ vừa đủ để du khách có thể nhìn đường chầm chậm bước đi, nhưng cũng đủ tối để tạo nên những khoảng trống ma mị huyền bí, ẩn hiện giữa các hàng cột bên trong bể chứa. Nếu không gian đủ tĩnh lặng, du khách còn có thể nghe thấy tiếng vang do những giọt nước rơi từ mái vòm xuống mặt nước phía dưới, cũng như nghe được âm thanh của đàn cá quẫy ngay dưới chân, như tiếng thì thầm vọng lại từ ngàn năm.

Đoàn Phước Trường

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY

Đánh giá 1.5 / 5. Lượt: 8

Hotline đặt Combo – Phòng khách sạn – Tour du lịch – Vé máy bay giá siêu tốt: 0908 341 702
1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 3,00 out of 5)
Loading...
Close