Điểm đếnReviewSAO ĐIThế GiớiTrải NghiệmVăn Hoá

Đoan Trường chia sẻ kinh nghiệm du lịch Lào từ A tới Z

2
(8)

Trong lần thứ 2 trở lại Lào sau 10 năm, Đoan Trường, một travel blogger tại TP.HCM đã dành 6 ngày 5 đêm “xuyên” Lào, chủ yếu khám phá 3 thành phố Luang Prabang, Vang Viêng và Viêng Chăn vào những ngày cuối tháng 12 vừa qua. Anh xúc động vì lần này có những trải nghiệm khá lạ lẫm và mới mẻ, dù Lào có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về lịch sử, văn hóa. Anh diện áo dài đi chùa dâng hương, du thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Mê Kông, cúng dường lúc 5g sáng, lần đầu tiên đi máy bay cánh quạt, trải nghiệm tàu hỏa cao tốc 6 tỷ USD đầu tiên ở Đông Nam Á với vận tốc 160km/h.

Đoan Trường chia sẻ kinh nghiệm du lịch Lào từ A tới Z

Đoan Trường cho biết: “ Từ TP.HCM mất hơn 1 giờ bay qua Pakxe, một thành phố ở nam Lào, xuống máy bay vào làm thủ tục nhập cảnh khoảng 1 tiếng. Sau đó đi bộ qua sân bay nội địa để bay tiếp đến Viêng Chăn mất thêm 1 giờ 30 phút. Tôi khá hồi hộp khi lần đầu tiên phải bay bằng máy bay cánh quạt ATR-72 từ thập niên 90 trên cả 2 chặng”.

Tuyến đường sắt cao tốc có chi phí 6 tỷ USD kết nối Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tới thủ đô Viêng Chăn. Tàu được đưa vào hoạt động từ tháng 10/2021 sau 5 năm thi công. Tuyến chạy trong nội địa Lào dài hơn 400 km chạy với vận tốc 160 km/h nhưng rất êm và cách âm tốt dù chạy qua nhiều đoạn hầm đào xuyên rừng núi trùng điệp. Đoàn tàu do Trung Quốc thiết kế và chế tạo, được sơn 3 màu trắng, xanh và đỏ, tượng trưng cho quốc kỳ đất nước Triệu Voi.

Từ thủ đô Viêng Chăn đi tham quan, dừng chân nghỉ đêm tại thị trấn Vang Viêng, anh đi trải nghiệm bằng tuyến đường cao tốc mới xây duy nhất tại đây có tốc độ 100 km/h từ Viêng Chăn đi Vang Viêng chỉ mất 1 tiếng bằng xe khách. Sau đó anh đi tàu hỏa cao tốc từ Vang Viêng đến cố đô Luang Prabang, mất chỉ 1 tiếng, và quay trở lại Viêng Chăn. Đoan Trường vui mừng cho biết nhờ chuyến tàu cao tốc 160 km/h này mà rút ngắn được khá nhiều thời gian di chuyển trên đoạn đường 300 km xuống còn 2 tiếng thay vì 12 tiếng như 10 năm trước anh đã đi bằng xe khách.

Vé tàu được sử dụng dưới dạng điện tử hoặc giấy in. Khi đến nhà ga, mọi người xuất trình vé và hộ chiếu, bị kiểm tra an ninh và soi chiếu còn khắt khe hơn như ở sân bay. Đoan Trường khoe vé chặng Vang Viêng đi Luang Prabang dài 190 km, di chuyển mất gần 1 tiếng, có giá 195 ngàn kíp Lào (khoảng 230 ngàn vnđ).

Ấn tượng nhất đối với anh là sự kết hợp hoành tráng giữa cổ điển và hiện đại trong thiết kế bên ngoài và nội thất của các nhà ga, ví dụ như Luang Prabang có 2 sân ga, 4 đường ray, sảnh chứa 1.200 hành khách. Mái nhà ga tượng trưng hình ảnh một con chim với 2 đôi cánh cách điệu như các mái chùa nâu sẫm. Tại các sân ga luôn có nhiều xe tuk tuk đưa đón khách vào trung tâm thành phố chỉ với giá 50 ngàn kíp Lào/ 1 người (khoảng 60 ngàn vnđ) rất thuật tiện, khoảng 15 phút.

Tại Viêng Chăn, nam travel blogger đã đến tham quan nhiều công trình tâm linh nổi tiếng như chùa That Luong là ngôi chùa Phật giáo lớn nhất của đất nước Triệu Voi, được sử dụng hình ảnh in trên tờ tiền giấy và Quốc huy Lào.

Nằm cạnh quảng trường That Luong là tòa nhà Quốc Hội Lào nguy nga và hoành tráng do Chính phủ Việt Nam xây tặng, có 5 tầng và 1 tầng hầm, sức chứa 1.000 người.

Khải hoàn môn Patuxa được xem là biểu tượng của thủ đô, được xây dựng từ năm 1958 để tưởng nhớ và tôn vinh những người đã đấu tranh bảo vệ đất nước. Phần dưới và bên ngoài mô phỏng theo Khải Hoàn Môn tại Paris, Pháp nhưng phần trên và bên trong trong được trang trí theo kiến trúc, phù điêu đặc trưng Lào.

Công viên Vườn tượng Phật nổi tiếng với hơn 200 bức tượng đá độc đáo với hàng trăm tư thế, trở thành địa điểm du lịch tâm linh của Lào. Ngoài ra còn các bức tượng mang hình ảnh con người, thần linh, động vật và ác quỷ tượng trưng cho Địa ngục, Trần gian và Thiên đường.

Một nét văn hóa độc đáo mà Đoan Trường thấy rất lạ là mỗi sáng sớm vào khoảng 5,6 giờ, bước chân ra đường sẽ được chứng kiến cả trăm nhà sư đi khất thực. Người dân tham gia nghi lễ thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị vài phần lễ vật dành tặng cho các vị sư. Lễ vật phải là những đồ chín, thường là xôi nếp được đặt gọn gàng trong những giỏ tre, ngoài ra còn có cả bánh, kẹo hay tiền lẻ. Các nhà sư sau khi nhận, chỉ giữ lại một phần suất ăn đủ dùng trong ngày trước bữa trưa, phần còn lại sẽ tặng lại những người nghèo.

Vang Vieng là một thị trấn bé nhỏ và bình yên, có khí hậu trong lành mát mẻ, rất thích hợp cho các hoạt động nghỉ dưỡng, giải trí rất thú vị như chèo thuyền, đu dây vượt sông, đi khinh khí cầu, bay dù lượn, khám phá các hang động đá vôi, trong đó nổi tiếng nhất là động Tham Phu Kham với những nhũ đá đẹp tuyệt vời.

Ở đây có một con suối nước trong và xanh như ngọc bích với đàn cá tung tăng bơi lội. Điều khác lạ là du khách có thể nhảy ùm xuống suối để tung tăng bơi lội cùng đàn cá. Người nước ngoài gọi nơi này là Blue Lagoon (Đầm Xanh).

Đoan Trường cũng ghé tham quan cố đô Luang Prabang, nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1995 nhờ những công trình kiến trúc, tôn giáo và văn hóa được bảo toàn khá nguyên vẹn qua hàng thế kỷ. Phố phường Luang Prabang đẹp và thanh bình với những ngôi nhà gỗ hai tầng, mái ngói được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Anh ‘diện’ áo dài Việt Nam, tay cầm hoa vãn 10 cảnh chùa cúng bái.

Tại đây còn có các địa điểm tham quan thú vị như: Đền Wat Xieng Thong, Đền Wat Wisunarat, Núi Phou Si, Cung điện Hoàng gia Lào và thác nước Kuang Si. Kuang Si là một quần thể gồm 3 thác, trong đó thác chính cao 60m với dòng nước đổ xuống từ trên xuống làm nổi bọt trắng xóa, tung bụi nước mịt mù tạo nên một khung cảnh thật ấn tượng.

Nói về ẩm thực, Đoan Trường cho biết: “Đồ Lào dễ ăn, khá ngon, nhiều món có hương vị gần giống các món Thái, nhiều cay”. Hai món mà anh ấn tượng nhất là cá sông Mê Kông nướng và gà nướng Savanakhet. Đây là giống gà quê thả rông nên thịt thơm, ngon, săn chắc. Cá và gà sau khi làm sạch được kẹp vào que tre, quét mật ong, đặt trên than hồng nướng tới lúc vàng ươm.

Anh chàng đam mê du lịch còn có cơ hội ngắm hoàng hôn khi đi du thuyền trên sông Mê Kông. Đó là một trong những trải nghiệm thú vị nhất để có được một chuyến đi ấn tượng sau 10 năm quay trở lại đất nước Triệu Voi.

Điều kỳ lạ là các hoạt động vui chơi, giải trí ở Lào rất ít. Các quán ăn đều đóng cửa trước 22 giờ. Nếu muốn mua cái gì thì phải mua trước 16 giờ ngày thứ sáu, vì cuối tuần các cửa hàng đều đóng cửa. Các khu chợ đêm cũng khá nghèo nàn, không niêm yết giá. Khách hỏi thì người bán lấy máy tính ra bấm con số, khách trả giá thì bấm số lại như thập niên 90. Nơi đây, người dân bán các nông sản, hàng dệt may bằng tay, quần áo, giày dép, khăn choàng, đèn lồng. Anh có thói quen đi dạo chợ đêm để ‘tậu’ về các món quà lưu niệm như cờ, mô hình, miếng dán tủ lạnh.

Cuối cùng, anh cho biết Lào đang và sẽ phát triển nền công nghiệp không khói một cách mạnh mẽ, nhanh chóng nhưng có bài bản chứ không thương mại hóa các dịch vụ du lịch, không bê tông hóa các danh thắng mà vẫn gìn giữ và bảo tồn. Giá vé vào tham quan các di tích và tàu cao tốc cho người Lào và khách nước ngoài là ngang nhau, rất rẻ, chỉ khoảng 30 ngàn vnđ. Lào không có văn hóa nói thách hay mặc cả nhiều. Đường phố không kẹt xe, không khói bụi, không tiếng còi xe, không lớn tiếng, nhịp sống chậm rãi và yên tĩnh. Bây giờ nhờ tuyến tàu cao tốc bắc nam, Lào đang thu hút du khách Nga, Trung, Hàn, Nhật và Việt. Từ tháng 2/2024 sẽ có 4 chuyến bay/ 1 tuần thẳng từ TP.HCM đi Viêng Chăn hứa hẹn mang du khách Việt đến gần hơn với đất nước Triệu Voi hiền hòa này.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY

Đánh giá 2 / 5. Lượt: 8

Hotline đặt Combo – Phòng khách sạn – Tour du lịch – Vé máy bay giá siêu tốt: 0908 341 702
1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 3,00 out of 5)
Loading...
Close