Điểm đếnThế GiớiTrải Nghiệm
Đoan Trường ‘lạc lối’ tại siêu sân bay lớn nhất thế giới có giá 12 tỷ USD
Sân bay Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ được chú ý nhất bởi mức chi phí xây dựng “khủng” lên đến 12 tỷ USD. Ai cũng tò mò và muốn một lần được ghé qua xem bên trong sân bay hoành tráng và sang chảnh bật nhất này có gì đặc biệt. Thổ Nhĩ Kỳ đã huy động 5.000 xe tải và 1.800 nhân viên tham gia vận chuyển hơn 10.000 thiết bị và 337 máy bay, xe kéo cho đến các cảm biến an ninh từ sân bay Ataturk cũ tới sân bay Istanbul mới. Theo đó, sân bay Istanbul đã chính thức đi vào hoạt động, thay thế sân bay Ataturk, trở thành sân bay lớn nhất và đắt nhất thế giới cho đến thời điểm hiện tại. Ca sỹ Đoan Trường, một chàng trai Việt đam mê du lịch và khám phá thế giới vừa có cơ hội được “check-in” tại sân bay này.
Đoan Trường ‘lạc lối’ tại siêu sân bay lớn nhất thế giới có giá 12 tỷ USD
Đây là nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ với kỳ vọng rất lớn vào tiềm năng của sân bay này sẽ trở thành điểm trung chuyển của toàn thế giới. Thật vậy, nhìn trên bản đồ thế giới, Istanbul là ngã tư, là cửa ngõ của thế giới, nối liền 2 lục địa châu Âu và châu Á. Từ Istanbul trong bán kính 3 giờ bay có thể bay đến 37 quốc gia khác với hơn 60 thành phố.
Nhà ga sân bay có diện tích lên tới 14 triệu m2 với 6 đường băng và 2 nhà ga hứa hẹn sẽ đón 90 triệu hành khách mỗi năm, đạt công suất tối đa tăng lên 200 triệu hành khách khi hoàn thành toàn diện nhất về cơ sở hạ tầng sau này. Sân bay nằm cách trung tâm thành phố 40km, mất 1.5 giờ đi xe taxi với chi phí gần 1 triệu VND. Do đây là sân bay mới nên chưa có phương tiện công cộng như metro đến đây nhưng có thể đi xe bus với giá rẻ hơn. Hãng Hàng không Turkish Airlines là hãng đầu tiên chuyển sang khai thác tại sân bay mới.
Phong cách kiến trúc của các nhà ga lấy cảm hứng từ những đền thờ, mái vòm và nhiều công trình lịch sử nổi tiếng khác của Istanbul. Không gian bên trong nhà ga được thiết kế mang phong cách sang trọng, hiện đại. Với rất nhiều cửa hàng miễn thuế, quầy quán bán đồ ăn, nước uống hay quà lưu niệm đẹp mắt.
Sân bay rộng, sạch, đẹp và hiện đại, mọi thứ dường như vẫn còn nguyên mùi mới, mình đã phải đi bộ khá dài mới có thể ra đến khu vực kiểm tra an ninh. Sân bay vì rộng quá thành ra nhìn hơi trống trải nên với các chuyến bay nối chuyến thì tốt nhất thời gian transit nên từ 3 giờ để đảm bảo ra cửa tàu bay không bị quá vội vàng.
Không giống với các sân bay tại Việt Nam, các xe lăn chở đồ đều phải mất phí tương đương 25 ngàn VND. Có thể nhét đồng xu hoặc tiền giấy và máy để mở khoá xe lăn. Phải giữ lại biên lai thì sẽ được hoàn tiền khi trả xe. Tuy nhiên khi đến cửa ra tàu bay thì không nhìn thấy chỗ trả xe nào, do đó không được hoàn trả. Lý do là nơi trả xe khá ít và nằm ở vị trí không thuận tiện.
Đây là sân bay rộng lớn nhất thế giới nên số cửa check-in lên đến hàng chục cửa, và phân rõ khu vực check-in dành cho chuyến nội địa cũng như quốc tế. Bạn đi đến cửa là vào khu vực soi kiểm tra hành lý luôn, sau đó đến quầy cân hành lý và nhận vé. Mọi người có thể tự check in ở các quầy tự động.
Nếu hộ chiếu có gắn chip điện tử thì có thể scan hộ chiếu đến khu vực kiểm tra an ninh mà không cần ‘dối diện’ với nhân viên hải quan.
Sân bay đã trang bị 2 hệ thống soi chiếu hiện đại cho đồ vật và người nên mọi người không cần phải ‘cởi’ hết trang sức, giày dép, đồng hồ, áo khoác… tránh ‘đụng chạm’ cơ thể hành khách.
Sau khi check in xong cần tìm ngay đến cửa boarding vì phải đi bộ rất dài vì sân bay có cả trăm cửa ra. Điểm trừ là sân bay này chỉ có băng chuyền đi bộ chứ không có xe hay tàu chạy trên cao như các sân bay khác.
Nếu đến sớm, cảm thấy hơi oải rồi thì cố gắng đi tìm khu trang bị giường nằm cho khách chờ nhé. Khu này nhỏ xinh và số giường hạn chế thôi, nhưng giường đúng nghĩa là giường nhé, ngả hẳn ra 180 độ và rộng thoải mái cho 1 người nằm.
Sân bay cũng trang bị đầy đủ các máy đạp xe, chạy bộ, tập thể dục nhưng phải mất ít tiền.
Các máy bán nước, bán đầy đủ các vật dụng thiết yếu, đồ ăn luôn đầy đủ phục vụ mọi người.
Sân bay Istanbul có kết nối wifi tuy nhiên giới hạn tối đa là 1 giờ. Có 2 cách kết nối wifi như sau:
Cách 1: Có số điện thoại Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng thì chọn wifi tại sân bay và đăng nhập bằng số phone này. Hệ thống sẽ gửi mã password về điện thoại và nhập vào là xong.
Cách 2: Có thể scan password ‘xin’ wifi tại các cây đặt ở sân bay. Sau khi quét hộ chiếu, máy sẽ cho 1 mã đăng nhập wifi.
Nằm trong sân bay là hệ thống các cửa hàng miễn thuế đa chủng loại trên diện tích 55.000 m2, gồm 7 khu vực theo 7 phong cách khác nhau, được xây dựng dựa trên cảm hứng lấy từ eo biển Bosphorus nổi tiếng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là các sản phẩm nước hoa, son, mỹ phẩm chính hãng, quầy bánh trái. Để shopping hết khu này cũng phải mất cả nửa ngày. Không có sự tăng giá ở sân bay này so với các Mall trong thành phố.
Sân bay Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ có tất cả 4 phòng chờ:
3 phòng chờ của riêng Turkish Airlines, chỉ dành cho khách hàng bay Turkish Airlines.
1 phòng chờ của sân bay có bán voucher là 1,5 triệu VND cho 1 lần vào.
Khu vực phòng chờ được xây dựng gần cổng sân bay, các khách hàng thương gia có thể đưa thêm 1 người để được phục vụ một cách tối ưu nhất bên trong hệ thống phòng chờ có thiết kế độc đáo và sang trọng này.
Không gian bên trong phòng chờ là sự thiết kế đẹp, sang trọng, hài hòa bởi lối cổ điển và hiện đại. Hành khách cũng có thể thư giãn tại phòng đọc sách, phòng chơi bida, phòng dành cho giải trí bằng âm nhạc và phim ảnh, hay gởi hành lý trong các tủ riêng biệt.
Nhiều khách hàng cũng đánh giá cao bởi hệ thống nhà vệ sinh tại đây đạt chuẩn quốc tế, luôn giữ được không gian thoáng mát và sạch sẽ nhất. Nhiều món ăn đa dạng từ các đầu bếp hàng đầu trên thế giới như một nhà hàng chuyên nghiệp với các món ăn đa dạng và thực đơn được thay đổi hằng ngày. Tại đây còn có khu vực vui chơi dành cho trẻ em rất hấp dẫn và thú vị.
Với mức đầu tư lớn, sân bay Istanbul còn bao gồm một khách sạn sang trọng với quy mô 451 phòng. Ngoài ra, sân bay còn có 16 đường taxi, một tháp kiểm soát không lưu và 8 tháp điều khiển. Sân bay cũng sẽ có một bãi đỗ rộng đến 6,5 triệu m2 với sức chứa 500 máy bay. Đến năm 2028, sân bay dự kiến vận chuyển 200 triệu hành khách mỗi năm với sáu đường băng, có khả năng chứa 500 máy bay và đáp ứng 2.000 chuyến bay mỗi ngày.
Vài hình ảnh khác được anh Trường ghi lại tại sân bay lớn nhất thế giới – Sân bay Istanbul này
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY
Đánh giá 2.7 / 5. Lượt: 11