Điểm đếnTrải NghiệmViệt Nam
Du khách chiêm ngưỡng hoàng hôn lãng mạn trên dòng kênh xanh Nhiêu Lộc
Kênh Nhiêu Lộc – Rạch Thị Nghè có chiều dài gần 9 km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình, từng chứng kiến nhiều biến cố lịch sử, là chứng nhân của sự hình thành và phát triển của Sài Gòn Gia Định.
Du khách chiêm ngưỡng hoàng hôn lãng mạn trên dòng kênh xanh Nhiêu Lộc
Nhiều thập kỷ trước đây, Nhiêu Lộc – Thị Nghè từng là con kênh đen ngập tràn rác thải, bốc mùi, ô nhiễm nặng. Mỗi ngày dòng kênh phải oằn mình gánh gần 10 tấn rác sinh hoạt thải ra từ cư dân ở ven kênh và từ các nhánh sông theo thủy triều dạt vào. Vào năm 2002, dự án cải tạo dòng kênh đã được chính quyền TP.HCM triển khai với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Hàng ngàn căn nhà ổ chuột được giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân, hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa đã được mở rộng với những hàng cây xanh rợp mát, công viên, không gian hè phố dành cho người đi bộ và tập thể dục. Giờ đây, kênh Nhiêu Lộc đã trở thành dòng kênh xanh và sạch bằng sự nỗ lực bền bỉ gìn giữ của các cấp chính quyền địa phương và người dân nơi đây.
Gần 50 sản phẩm kích cầu du lịch đường thủy trong chương trình “Lễ hội sông nước” lần đầu tiên vừa được tổ chức tại TP.HCM vào đầu tháng 8/ 2023 mà trong đó, khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là một trong những điểm đến khá thu hút cho cả du khách nước ngoài và trong nước nhằm quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người và ẩm thực đặc trưng.
Một chuyến du ngoạn ngắm hoàng hôn trên du thuyền lần lượt đi qua 9 cây cầu bắt đầu từ bến cầu Thị Nghè đến bến cầu Lê Văn Sỹ dài hơn 4,5 km, sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ khi được nghe thuyết minh từng sự kiện lịch sử liên quan đến những cây cầu như cầu Công Lý, cầu Kiệu, cầu Thị Nghè hay nhắc lại những trang sử đáng tự hào của cầu Điện Biên Phủ, cầu Trần Khánh Dư cùng những nhân vật lịch sử như tên cầu Hoàng Hoa Thám, cầu Bùi Hữu Nghĩa và sự tích về tên gọi cầu Bông. Trong ký ức của người Sài Gòn xưa vẫn luôn nhớ những cái tên cũ như cầu Phan Thanh Giản (nay là cầu Điện Biên Phủ), cầu Sắt (nay là cầu Bùi Hữu Nghĩa), cầu Trương Minh Giảng (nay là cầu Lê Văn Sỹ).
Những bức bích họa nhiều sắc màu trang trí 2 bên bờ ngay cạnh mỗi cây cầu tóm tắt lại những nét son của lịch sử dân tộc, văn hóa bản địa cũng như cảnh quan ngày ấy liên quan đến nhân vật cây cầu mang tên, giúp thế hệ trẻ biết về lịch sử và hiểu tính nhân văn của người Sài Gòn Nam Bộ. Mọi người có thể vừa nghe hướng dẫn viên thuyết minh vừa ngắm nhìn những hình ảnh minh họa lịch sử hình thành và phát triển của từng cây cầu.
Ví dụ như cầu Công Lý được xây dựng vào năm 1870 với tên gọi là Mac Mahon. Sau đó vào năm 1955, cầu được đổi tên thành Công Lý. Đây là cây cầu đóng vai trò quan trọng trong việc giao thông, kết nối và là cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất. Cầu gắn liền với anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi và ngôi chùa Vĩnh Nghiêm.
Cầu Trần Khánh Dư được đặt theo tên của một vị tướng dưới nhà Trần. Ông là Phó đô tướng quân trong kháng chiến chống quân Nguyên lần 2 và 3, tiêu diệt đoàn thuyền lương quân Nguyên ở Vân Đồn vào năm 1288.
Trong khoảng thời gian 1 giờ 30 phút di chuyển trên kênh, mọi người được ngắm nhìn từ hướng dòng kênh lên toàn bộ 9 cầu, 7 ngôi chùa, 4 nhà thờ cùng với những hình ảnh nên thơ như dọc 2 bên bờ kênh trồng nhiều hàng cây và hoa nở rộ theo mùa như hoa sứ, hoa phượng, hoàng yến, bằng lăng. Khách nước ngoài luôn chọn chuyến tàu đầu tiên lúc 7h30 để trải nghiệm cuộc sống và sinh hoat người dân thành phố vào buổi sáng. Tuy nhiên đa số khách Việt lại chọn ngắm hoàng hôn lãng mạn, ăn tối, ca hát trên thuyền theo từng nhóm riêng.
7 ngôi chùa (Chùa Quan Âm, chùa Thiền Tịnh, chùa Hải Đức, chùa Vạn Thọ, chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Pháp Hoa) nằm trên địa bàn 5 quận dọc theo 2 bờ kênh là 7 kiểu kiến trúc độc đáo trải qua các thời kỳ tôn giáo và lịch sử. Đặc biệt nhất phải kể đến chùa Chantarangsay được xây dựng vào năm 1946 mang đường nét kiến trúc của nền văn hóa Khmer miền tây Nam bộ đầu tiên ở Sài Gòn.
Những du khách nước ngoài cho biết họ thích ngắm cảnh người dân tập thể dục, cảnh người dân thả cá phóng sinh trước các ngôi chùa vừa thể hiện lòng từ bi hỉ xả, vừa góp phần cải tạo dòng kênh ngày càng trong sạch hơn.
Mọi người còn có dịp được nhìn thấy các thuyền nhặt rác và quy trình xử lý nước kênh để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cùng chung tay kêu gọi mọi người không vứt rác xuống kênh hay câu cá tiêu khiển.
Bên cạnh sản phẩm du lịch cộng đồng chủ đề là một dòng kênh có giá trị lịch sử là những kiến trúc cổ xưa của thành phố lưu giữ nét văn hoá của con người nơi đây. Do đó trên mỗi chiếc thuyền còn gắn lên đó một phòng tranh thu nhỏ.
Nghi thức thả đèn hoa đăng do du khách tự gấp cũng là một nét đặc trưng để thả trôi đi những muộn phiền, cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản thân và gia đình.
Hiện tại, giá vé đã bao gồm bảo hiểm du lịch, nước giải khát cho khách nước ngoài và Việt Nam là 180 ngàn vnđ cho 1 lượt tham quan trên du thuyền dài 4,5 km qua 9 cây cầu trong khoảng 1 giờ 30 phút.
Đội thuyền đa dạng, hiện đại, an toàn, tiện ích dành cho 7, 25 và 35 người cứ mỗi tiếng có một chuyến xuất bến mà không cần chờ đủ số lượng. Chuyến đầu tiên trong ngày lúc 7h30 còn chuyến cuối lúc 21h.
Trên du thuyền có phục vụ ăn tối với thực đơn đa dạng, chương trình ca nhạc, hát với nhau. Tất cả được phục vụ theo nhu cầu và sở thích của từng nhóm khách đặt riêng. Hướng dẫn viên tiếng Việt và tiếng Anh phục vụ suốt tuyến. Gửi xe máy miễn phí ngay tại bến khởi hành.
Có 2 bến khởi hành:
• Bến Nội Đô quận 1 tại số 1 Hoàng Sa, quận 1 (Bến cầu Thị Nghè)
• Bến Nội Đô quận 3 tại số 661 Hoàng Sa, quận 3 (Bến cầu Lê Văn Sỹ)
Với lượng khách du lịch đường thuỷ khoảng 500.000 lượt/năm, TP.HCM có phương án khai thác mạnh du lịch, ẩm thực trên sông nước. TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023–2025.TP.HCM muốn hình thành những tuyến du lịch đường thủy nội đô phục vụ ẩm thực đặc trưng Nam Bộ và một số vùng miền (như thuyền bánh mì Sài Gòn, thuyền hủ tiếu, thuyền phở, thuyền bánh xèo Nam Bộ…), kết hợp với những hoạt động nghệ thuật trên thuyền như đờn ca tài tử, sáo trúc… phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của người dân thành phố và khách du lịch.
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY
Đánh giá 3.7 / 5. Lượt: 3