Điểm đếnReviewViệt Nam

Hà Giang cùng những đứa trẻ

3.8
(18)

Tôi 19 tuổi. Viết cho hành trình tuổi trẻ của mình những trang nhật ký, về những trải nghiệm và tình cảm dành cho một điểm đến xinh đẹp vô ngần – Hà Giang – nơi được mệnh danh là “nơi đá nở hoa” , một vùng đất nằm ở đỉnh đầu Tổ quốc “chim bay hai lần đã gãy cánh”.

Hà Giang cùng những đứa trẻ

Cũng đã hơn một năm trôi qua nhưng mỗi lần nhìn lại những tấm hình tôi chụp đứa trẻ ở Hà Giang tôi lại bồi hồi. Hay đơn giản chỉ là cái nụ cười duyên, điều ấy đã khó mà dứt ra khỏi những nghĩ suy; không hẳn là nỗi buồn hay thương cảm, không phải kiểu mừng vui mà lại canh cánh trong lòng.

Tâm hồn của người dân nơi đây đơn giản nên họ bình yên lắm, họ không biết rằng họ khổ như mình nghĩ đâu, khi không có ý niệm về sự no đủ hay xa xỉ, hiện đại ở thành thị để so sánh thì họ cũng không biết mình đang sống khổ. Chính mình, mình đã gán cho họ sự khốn khổ đó dựa trên căn bản đời sống sung túc văn minh của chính bản thân mình. Để tự nhận ra được rằng mình đang sống trong sự sung sướng, cuộc sống đầy đủ hơn bao người. Nhờ vào sự nhìn nhận đó mình đã rút ra được kinh nghiệm sống cho bản thân “sống phải biết yêu thương, sống phải biết cho đi”. Chính sự bình dị đơn giản của họ là sự giải thoát, một cuộc sống riêng trong thế giới của họ. Họ có một đất trời làm của riêng và họ sống thanh bình trong đó.

Không biết mọi người như thế nào, nhưng bản thân mình rất rất thích tự trải nghiệm mọi thứ. Thích lăn lê bò lết, thích đi tới tận nơi, sờ tận từng thứ để tự tích góp được thật nhiều kinh nghiệm cho bản thân để biết trân trọng nhiều khoảnh khắc của cuộc sống, trân trọng những người đang ở bên cạnh mình.

Bao nơi rong ruổi từ Nam ra Bắc, có lẽ đây là vùng đất tôi cảm thấy mạnh mẽ nhất, nằm sau một lớp sương mù mà sừng sững chắn phía trước là thân hình nhỏ bé của đứa trẻ áo quần xốc xếch, mặt mày nhem nhuốc, cùng tiếng khóc thiệt thòi và tủi thân của nó. Sức mạnh của nước mắt trẻ thơ đè lên những hình ảnh khác trong trí tôi vỡ nát vụn vặt…

Vì thế những chiếc áo mình đem từ Nam ra Bắc đi dọc đường hay cứ đến 1 thôn quê nào đó, mình tự nhìn thấy hoàn cảnh của họ mà suy ra mình, những đứa trẻ chỉ tuy mới 6 7 tuổi thậm chí nhỏ hơn đã phải đèo bồng em mình trên lưng. Nên ba mình đã đừng xe lại và tặng cho những chiếc áo đã được chuẩn bị sẵn khi có chuyến Xuyên Việt như thế này. Đó chỉ những đứa trẻ một phần nào đó không gì so với Hà Giang. Những đứa trẻ chân đất, áo mặc không đủ ấm trong một thời tiết rét như thế mà phải theo mẹ lên nương từ rất sớm. Tôi thấy vậy, tôi bước xuống xe cầm những chiếc áo quơ quơ vẫy tay từ xa bảo họ xuống lấy, ban đầu chỉ thấy 3 4 người nhưng họ thấy vậy kêu nhau xuống hoá ra rất nhiều người đang trên nương. Họ chạy thật nhanh với trạng thái mừng rỡ, thế là thương quá trên xe tôi có bao nhiêu bánh kẹo trái cây tôi đem xuống cho hết. Cảm giác lúc ấy họ hạnh phúc còn tôi thì vỡ oà hạnh phúc hơn. Nhưng khi đứng trò chuyện thì tôi mới biết rằng họ không hiểu tiếng Việt nhiều chỉ bập bẹ hiểu mình nói nhưng lại không biết trả lời như thế nào . Nhưng với hình ảnh đó cũng đủ gợi lên cho mình hiểu, họ rất biết ơn. Trong họ có một sức mạnh mãnh liệt giúp họ thích ứng với thiên nhiên mà tôi không thể nào hiểu được. Thấy thương lắm.

Chuyến đi này, tôi cảm nhận được kha khá về cuộc sống của đồng bào miền núi, đặc biệt là cuộc sống của trẻ em – những em bé vùng cao vô cùng đáng yêu và hồn nhiên. Tôi nghĩ rằng để cảm nhận được rõ ràng một khoảnh khắc đặc biệt nào đó thì không thể nghe qua lời kể, cũng không thể nhìn qua hình ảnh mà trải nghiệm hết được. Tất cả đều phải trải qua và chạm tới, hình ảnh cũng chỉ để đó và chia sẻ, kỉ niệm mới là thứ lưu giữ mãi trong tim.

Trời xế chiều gia đình tôi về Hà Giang. Đường vào thành phố phải qua con đèo Mã Pi Lèng hay còn gọi là “con đường Hạnh Phúc” chạy dài 184 km. Đầu tiên khi nghe người bản địa giới thiệu tôi tưởng cái tên Hạnh Phúc mang ý nghĩa lứa đôi, nhưng khi tìm hiểu mới biết con đường xây mất 8 năm này lúc 1959 đã đem thuận tiện giao thông đến cho dân tộc sống khốn khó giữa lòng núi ở đó. Con đường nối Hà Giang và bốn huyện ở phía bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, gắn liền với con sông Nho Quế màu ngọc bích thơ mộng chạy dọc theo đèo ôm chân núi chia biên giới bên này Việt Nam bên kia Trung Quốc. Tôi rất lạ kỳ với màu ngọc bích của con sông, có lẽ nó phản ảnh màu xanh của trời hay sao? Ba tôi lái và cho ngừng ở nơi lookout của đèo, tôi leo xuống để chụp hình, đây là một góc đá cheo leo giữa trời trông rất nguy hiểm nhưng từ đây tôi có thể thấy rõ màu ngọc bích của sông, xanh ghê lắm tôi cứ đứng nhìn mãi thôi miên. Trước khi đi tôi có cho mẹ xem một vài hình ảnh, trước giờ mẹ chỉ thấy qua tranh, nhưng khi đến với mảnh đất này mẹ tôi phải choáng ngộp với những dãy núi trùng trùng điệp điệp, đèo dốc hiểm trở kéo dài đến vài trăm km. Kèm theo đó là sương mù mịt tầm nhìn chỉ được khoảng vài mét. Không thấy thung lũng, không thấy một thứ gì. (Lúc đó nhà tôi không một ai chợp mắt, phải nhìn đường rồi xem ba chạy)

Viết đến đây thôi vẫn chưa đủ để kể hết về Hà Giang đâu, về cuộc sống, cách sống của họ nhiều lắm, tôi cảm thấy hạnh phúc khi chia sẻ về nơi đây. Đất trời của họ có nhiều màu, núi gạch, trời xanh, nước bạc, hoa vàng, ruộng xanh đã mang lại hạnh phúc trong cái nghèo nàn của họ. Trời cao có mắt, đã rèn cho con người sức chịu đựng để những đôi chân trần đạp trên đất lạnh mùa đông chai lì đi giá rét. Trên núi cao và thảo nguyên bát ngát đó là một dân tộc kỳ lạ can đảm và nhờ sự hiểm trở của núi non, con người trần thế ngại chen lấn lên đó nên Hà Giang vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ của đất trời.
VÀ TÔI SẼ TRỞ LẠI – HÀ GIANG
Tôi yêu Hà Giang – Tôi yêu Việt Nam!

Theo Sóc Bông

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY

Đánh giá 3.8 / 5. Lượt: 18

Hotline đặt Combo – Phòng khách sạn – Tour du lịch – Vé máy bay giá siêu tốt: 0908 341 702
1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (No Ratings Yet)
Loading...
Close