Điểm đếnReviewThế GiớiTrải Nghiệm

Kinh nghiệm du lịch Chiang Mai – Thái Lan siêu đẹp, siêu chất

3.7
(24)

Chiang Mai – Thái Lan ngày càng thu hút nhiều du khách, đặc biệt là du khách Việt Nam vì có đường bay thẳng, khiến cho việc đến Chiang Mai dễ dàng hơn bao giờ hết!

Kinh nghiệm du lịch Chiang Mai – Thái Lan siêu đẹp, siêu chất

A. Tại sao lại đi Chiang Mai?

1. Đầu tiên là vì rẻ. Bangkok từ lâu đã thuộc diện ngon – bổ – rẻ với các tín đồ du lịch rồi, thì bạn tưởng tượng đi Chiang Mai còn rẻ hơn cả Bangkok nữa. Chuyến này tổng cộng cả tiền vé máy bay, ăn uống ngủ nghỉ, thuê xe đi Tam giác vàng… thì mình chỉ hết tầm 6 triệu đồng cho 5 ngày 4 đêm mà thôi. Mình thì không cổ vũ chuyện đi du lịch quá tiết kiệm, nhưng chỗ nào giá cả hợp lý lại được ăn chơi thoải mái chút thì cứ đi tội gì he he!

Chiang Mai có đầy đủ loại hình lưu trú với giá cả ở nhiều mức phù hợp túi tiền. Resort thường nằm ở ngoại ô hoặc dọc theo con sông Ping; các homestay, hotel, hostel chủ yếu tập trung ở 2 khu vực Nimman và Old Town. Theo cảm quan của mình thì nếu các bạn thích phong cách trẻ trung hiện đại thì ở Nimman, thích cổ kính truyền thống thì ở Old Town. Tuy nhiên nếu ở Old Town sẽ tiện cho việc đi lại hơn chút, vì các chợ đêm đều nằm quanh khu vực này. Bọn mình ở Nimman thì mỗi lần đi chơi chợ đêm mất khoảng 100 bath khi gọi Grab, bù lại yên tĩnh, sạch sẽ và gần trung tâm thương mại. Lần này đi nhóm đông nên mình quyết định chọn thuê Airbnb theo hình thức nguyên căn cho thoải mái, lại có không gian chung tụ tập. Airbnb mà mình thuê tên là The easy life & bike by A, nằm ở khu Nimman cách trung tâm mua sắm MAYA một quãng đường ngắn, và khá gần sân bay.
Chiang Mai có đầy đủ loại hình lưu trú với giá cả ở nhiều mức phù hợp túi tiền. Resort thường nằm ở ngoại ô hoặc dọc theo con sông Ping; các homestay, hotel, hostel chủ yếu tập trung ở 2 khu vực Nimman và Old Town. Theo cảm quan của mình thì nếu các bạn thích phong cách trẻ trung hiện đại thì ở Nimman, thích cổ kính truyền thống thì ở Old Town. Tuy nhiên nếu ở Old Town sẽ tiện cho việc đi lại hơn chút, vì các chợ đêm đều nằm quanh khu vực này. Bọn mình ở Nimman thì mỗi lần đi chơi chợ đêm mất khoảng 100 bath khi gọi Grab, bù lại yên tĩnh, sạch sẽ và gần trung tâm thương mại. Lần này đi nhóm đông nên mình quyết định chọn thuê Airbnb theo hình thức nguyên căn cho thoải mái, lại có không gian chung tụ tập. Airbnb mà mình thuê tên là The easy life & bike by A, nằm ở khu Nimman cách trung tâm mua sắm MAYA một quãng đường ngắn, và khá gần sân bay.


2. Thứ hai là vì tiện. Cái tiện đầu tiên chính là không cần visa, nhẹ cả người. Trước đây mình hơi lấn cấn vụ Chiang Mai chút bởi từ Hà Nội qua chưa có chuyến bay thẳng, mà quá cảnh ở Bangkok hay đi xe đi tàu gì đó thì nghĩ cũng hơi ngại vì mất thêm nguyên một đêm. Nhưng mọi chuyện đã khác kể từ tháng 10-2018. Hiện nay từ Việt Nam có đường bay thẳng đi Chiang Mai từ 3 thành phố lớn: Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng do hai hãng AirAsia và Vietjet Air khai thác. Vậy thì thay vì đi Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn… nếu đã có hộ chiếu rồi, bạn thử mua vé và bỏ ra chưa đến 2 giờ bay để đến với vùng đất mệnh danh “đoá hồng phương Bắc” của Thái Lan xem sao nhé?

Mình bay đến Chiang Mai trên chuyến bay của AirAsia, cất cánh lúc 15h20p tại sân bay Nội Bài và đến nơi lúc 16h50p, không delay phút nào. Vé máy bay mình mua thẳng trên web của AirAsia với giá khứ hồi là 2tr3, khá hợp lý. Đến nơi thì mình ra cửa 11 của sân bay lấy sim của Klook rồi bắt taxi về Airbnb thuê từ trước đó. Bạn lưu ý là nếu bạn gọi taxi qua quầy của sân bay thì sẽ mất thêm 50 bath phí nhé. Tốt nhất là book Grab cho nó lành. Và Grab cũng là phương tiện chủ yếu mà mình chọn để di chuyển trong thành phố mấy ngày tiếp sau đó. Các điểm đến mà mình nêu trong bài này sẽ không có địa chỉ cụ thể, vì mình toàn đi Grab đến thôi. Nếu các bạn thuê xe máy để đi thì cứ lên Google Maps nhé, gõ tên vào sẽ ra đường đi lối lại chi tiết luôn.
Mình bay đến Chiang Mai trên chuyến bay của AirAsia, cất cánh lúc 15h20p tại sân bay Nội Bài và đến nơi lúc 16h50p, không delay phút nào. Vé máy bay mình mua thẳng trên web của AirAsia với giá khứ hồi là 2tr3, khá hợp lý. Đến nơi thì mình ra cửa 11 của sân bay lấy sim của Klook rồi bắt taxi về Airbnb thuê từ trước đó. Bạn lưu ý là nếu bạn gọi taxi qua quầy của sân bay thì sẽ mất thêm 50 bath phí nhé. Tốt nhất là book Grab cho nó lành. Và Grab cũng là phương tiện chủ yếu mà mình chọn để di chuyển trong thành phố mấy ngày tiếp sau đó. Các điểm đến mà mình nêu trong bài này sẽ không có địa chỉ cụ thể, vì mình toàn đi Grab đến thôi. Nếu các bạn thuê xe máy để đi thì cứ lên Google Maps nhé, gõ tên vào sẽ ra đường đi lối lại chi tiết luôn.


3. Thứ ba là vì mình đã quá chán Bangkok. Bangkok thì vui nhưng đôi lúc vui hơi quá, lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt từ sáng tới đêm. Giờ già cả rồi nên muốn đi tìm một chốn yên bình và nhẹ nhàng hơn để sống chậm lại, mà vẫn được ăn ngon mặc đẹp, ảnh ọt sống ảo đầy máy thì còn đâu thích hợp hơn Chiang Mai đây?
Ngắn gọn là nếu bạn muốn tìm một nơi để đi du lịch ngắn ngày (3-5 ngày), di chuyển thuận tiện và chi phí hợp lý, lại bình yên nhẹ nhàng hơn Bangkok nhưng không thiếu những chốn ăn chơi giải trí, cùng với hàng tỷ góc “sống ảo” thì tin mình đi, Chiang Mai sẽ không làm bạn thất vọng đâu. 

B. Đi Chiang Mai cần chú ý gì không? 

1. Sim 4G:Thái Lan thì wifi công cộng tương đối ít, mà nhất là ở Chiang Mai thì các bạn cần sử dụng đến Google Maps tương đối nhiều, nên internet là thứ không thể thiếu. Nếu mua sim khi đến sân bay Thái Lan thì bạn sẽ tốn khoảng 300 bath cho sim 4G sử dụng trong 7 ngày, với 3,4GB tốc độ cao gì đó. Tuy nhiên nếu bạn đặt qua Klook như mình thì sẽ tiết kiệm được tương đối khi chỉ mất có chưa tới 100k mà cũng vẫn dung lượng như thế. Link đặt sim ở đây nhé:https://www.klook.com/vi/activity/7306-thailand-sim-card-chiang-mai
Sau khi thanh toán sim, bạn sẽ có một mã QR code gửi vào mail. Khi hạ cánh xuống sân bay Chiang Mai, bạn tìm exit 11, sẽ có nhân viên của Klook cầm biển đứng đó chờ bạn. Họ sẽ lắp sim cho bạn sau khi đối chiếu mã QR code, rất đơn giản và tiện lợi.

Chiang Mai- chuyến đi của sự yên bình

2. Nên đi Chiang Mai mùa nào? Thực tế thì mùa đẹp nhất để đi Chiang Mai là từ tháng 11 đến tháng 3 hàng năm, vì đó là khoảng thời gian khí hậu ở đây mát mẻ, cùng nhiều lễ hội hấp dẫn. Tuy nhiên nó cũng đồng nghĩa với việc rất đông khách du lịch đổ xô về Chiang Mai khoảng thời gian này. Lúc đầu khi mình bảo đi Chiang Mai tháng 5, nhiều người có khuyên rằng đây là mùa mưa bão, nắng nôi nên đừng đi. Nhưng mình có hỏi han qua thì biết rằng mùa mưa bão sẽ bắt đầu từ tháng 6, nên mấy hôm mình đi thời tiết cũng rất đẹp, trời nắng tuy nhiên cái nóng không quá gay gắt khó chịu, buổi chiều tối có mưa giông nhưng chỉ một lát là hết, giống kiểu Sài Gòn. Ưu điểm đi vào dịp này là số lượng khách du lịch không đông, vé máy bay tương đối rẻ, có nhiều lựa chọn về phòng ốc chỗ nghỉ hơn… Vì thế nên tuỳ vào nhu cầu và sở thích của mình, các bạn lựa chọn thời gian thích hợp để đi Chiang Mai nhé.

3. Đổi tiền: Trước khi đi mình đổi 10.000 bath mất 7.460k VNĐ. Nếu ở Hà Nội các bạn có thể ra Quốc Trinh ở Hà Trung để đổi là hợp lý nhất. Chiang Mai không giống Bangkok, các nhà hàng quán xá ít cho quẹt thẻ nên các bạn có thể đổi dư một chút đề phòng trường hợp hết tiền mặt nhé.

C. Đi đứng thế nào ở Chiang Mai?

Chiang Mai có một điểm bất tiện so với Bangkok đó là sự thiếu vắng của các phương tiện công cộng như MRT hay Skytrain. Vì thế nên chúng ta sẽ phải chấp nhận một sự thật là di chuyển đôi khi có không được như ý muốn lắm, nhưng cuộc sống mà, tìm cách khắc phục vậy. Mình sẽ review một số loại hình di chuyển ở Chiangmai mà mình thử qua, các bạn xem xét và lựa chọn cho hành trình của mình nhé:

1. Songthaew: Chiếc xe đỏ biểu trưng của Chiang Mai. Trong thành phố thì đồng giá khoảng 30bath thôi. Nếu đi nhóm đông người ra ngoài thành phố thì có thể deal giá theo nguyên ngày hoặc nửa ngày. Lưu ý chống chỉ định với các bạn say xe hay dị ứng mùi xăng dầu. Nói chung xe này cũng chỉ nên thuê để đi loanh quanh gần gần thôi, chứ đi xa hơn nữa thì rất mệt và say, lại xóc. Các bạn nữ cân nhắc khi đi nhé.

2. Grab: Đây là phương tiện chủ yếu của bọn mình trong mấy ngày ở Chiang Mai. Điểm cộng là giá cả rõ ràng, cũng hay có code giảm giá. Điểm trừ là đôi lúc lái xe tìm địa chỉ nhà có hơi lâu. Gía Grab đi từ khu Nimman về khu Old Town khoảng 100 bath đổ xuống, từ sân bay về Nimman thì khoảng 150 bath. Nói chung loanh quanh thành phố ít khi lên đến 100 bath lắm.

3. Ô tô: Loại ô tô được sử dụng để chở khách theo tour mà mình thuê ở Chiang Mai là xe minivan. Nếu đi nhóm đông và có nhu cầu đi xa khỏi Chiang Mai (như nhóm mình là thuê xe đi Chiangrai) thì đây là lựa chọn gần như duy nhất và tốt nhất dành cho bạn. Giá thuê xe thì phụ thuộc vào khả năng chốt deal của bạn. Theo khảo giá của mình thì thuê xe full ngày đi White Temple, Blue Temple, Làng cổ dài, Tam giác vàng sẽ khoảng từ 3.300bath đến 3.800bath cho quãng đường hơn 400km cả đi cả về. Mình giới thiệu cho bạn 2 tài xế cho bạn lựa chọn luôn. Mr.Pu là chú mà mình đi, giá là 3.300 bath nhưng vì quá nhiệt tình nên bọn mình quyết định tip thêm 700 bath nữa là tròn 4.000 bath. Số điện thoại là: 0820695463. Thứ hai là anh này, Facebook là :https://www.facebook.com/amphol.hemavarna. Anh này thì lấy giá là 3.800 bath nhưng mình đi bác kia rồi nên thôi. Các bạn cứ cân đối lựa chọn nhé.

Ngôi chùa tuyệt đẹp ở Thái Lan được giới trẻ rần rần check-in
Z9 Resort – Resort nổi trên sông ở Thái Lan – đẹp như Maldives thu nhỏ
Đảo Koh Kood – hòn đảo tình nhân ở Thái Lan có thể bạn chưa biết
Chiang Mai- chuyến đi của sự yên bình
Hướng dẫn đường đi đến Chiang Mai – đóa hồng phương Bắc Thái Lan

LỊCH TRÌNH CHI TIẾT

Sau khi làm xong thủ tục rồi về tới chỗ ở thì cũng khá muộn và đang đói điên lên rồi. Vì thế bọn mình ra luôn Night Bazaar Market để vừa ăn uống xong đi chơi luôn. Tuy nhiên thì có hơi thất vọng vì khu chợ khá tạp nham, đồ được bày bán thì hầu hết là đồ Trung Quốc chứ đồ Thái Lan chả có mấy. 

Trong chợ thì cũng có khu ăn uống với đầy đủ món ăn. Tuy nhiên thì đồ ăn Thái Lan chưa bao giờ là niềm đam mê với mình, vì mình không ăn được đồ cay và chua. Bọn mình có gọi mấy món phổ biến là Tom Yum, Pad Thái… để ăn tạm. Nói chung là cay=)) Cay đến cái mức mà mình bảo là không cay rồi, dặn đi dặn lại rồi xong đồ ăn ra vẫn kiểu cay xè nước mắt nước mũi tùm lum. Giá cả thì rẻ thôi, trung bình 60-80 bath một món. Nói chung ở Thái mà đi ra chợ với hàng quán vỉa hè thì ăn uống không phải nghĩ, chỉ là có ăn được hay không thôi.

Sau khi cảm thấy hơi thất vọng với Night Bazaar Market thì tự dưng mình lang thang ra ngoài xong tìm được quả này. Đây là khu Ploen Ruedee nằm trong Night Bazzar, nằm ngay mặt đường luôn dễ tìm lắm nhé các bạn. Đúng kiểu nhìn phát phải thốt lên luôn: “Chỗ này chill phết!”. 

Đây là một khu bán đồ ăn ngoài trời, xong ở giữa có một sân khấu, nơi ban nhạc chơi các bài hát tiếng Anh hay xuất sắc, ở dưới thì mọi người có thể mua đồ ăn thưởng thức hoặc làm chai bia rồi xem ca nhạc…

Cũng trong khu này, lần đầu tiên mình được thưởng thức món hải sản xô kiểu Thái ở cửa hàng Siam Signature. Điểm đặc biệt của hải sản xô là các món hải sản đều được bày trí trong một chiếc xô và khi thưởng thức sẽ đổ lên mặt khay, ăn kèm với mì trần, bánh mì, ngô ngọt, khoai… nói chung vừa ngon lại vừa chụp ảnh lên rất đẹp nữa nhé.

Quán này có rất nhiều combo hải sản cho bạn lựa chọn, đồng thời có nhiều mức độ cay, đảm bảo ai cũng ăn được. Riêng điều này là cho 10 điểm về chỗ được rồi. Bọn mình đi đông nên quất combo đắt nhất, hẳn 699 bath và chọn mức cay là 1 (có 5 mức cay tất cả). À bạn nhìn ở góc dưới cùng menu kìa, họ ghi mỳ là Vietnamese noodles xong mình là người Việt đây còn chưa thấy mỳ kiểu đấy bao giờ

Team đi cùng lần này toàn những chàng trai bạc, cô gái vàng trong làng ăn nhậu nên quyết định là mua về nhà uống bia nhậu nhẹt quẩy lửa cho máu. Dù là quán đường phố nhưng cũng rất chu đáo nhé, chuẩn bị đầy đủ bao tay, đũa, giấy lót… cho khách mang về (cộng thêm 10 điểm chu đáo).

Cả 1 khay khổng lồ đầy ngập hải sản như: ghẹ, tôm, bạch tuộc, vẹm xanh , ngao,… kèm với khoai tây, ngô ngọt được làm chín và ướp bởi 1 lớp nước sốt cay cay mặn mặn đậm đà ngon tuyệt vời hix nghĩ lại vẫn thèm. Lưu ý thêm cho các tín đồ nhậu nhẹt là bia Leo uống ngon hơn bia Chang nhé!

Sáng ngày thứ 2 ở Chiang Mai, bọn mình dậy sớm để đi đồi Doi Suthep. Từ trong ngõ nhà Airbnb mình thuê đi thẳng xong rẽ trái sẽ đến trường đại học Chiang Mai, là chỗ có thể bắt xe Songthaew theo chỉ dẫn của chủ nhà. Trên đường đi thì bọn mình thấy một quán cơm gà Hải Nam như này. Vì cũng đói bụng rồi nên bọn mình quyết định vào ăn thử xem sao.

Mình gọi thử một suất cơm thì thấy thịt gà mềm mà không bị bở, cơm dẻo và thơm, lại còn được bonus thêm bát nước dùng gà ngọt ngào đi vào lòng người. Mở đầu một ngày mới khá là ok với chi phí chỉ 50bath. Bảo sao tôi yêu Chiang Mai đi.

Ăn xong thì bọn mình ra đường để book xe Songthaew đi đồi Doi Suthep. Theo thoả thuận mình muốn là đi Doi Suthep xong vòng về làng Baan Kang Wat (tài xế đợi 1 tiếng cho bạn tham quan Doi Suthep) thì tài xế hét 900bath, nhưng đáng tiếc nhóm mình có một cô gái vàng trong làng mặc cả nên cuối cùng chốt deal được 550 bath (Đồi Doi Suthep cách thành phố Chiangmai khoảng 20km). Ok xong cả lũ tự khen nhau uầy giỏi vãi quả này hời rồi cho đến khi trải nghiệm lên dốc đổ đèo như đi Sapa với con xe nồng nặc mùi xăng và xóc như chơi thú nhún

Với tuổi đời hơn 600 năm, chùa Phrathat Doi Suthep nằm trên đỉnh đồi Doi Suthep là một trong những nơi linh thiêng nhất Chiang Mai. Muốn lên đến chùa chùa Phrathat Doi Suthep bạn phải leo hơn 300 bậc thang rất là cao. Đấy là mình nghe nói thế chứ lười như mình thì đi cáp treo cho lành các bạn ạ. Tổng thiệt hại sẽ là 50 bath vé vào cửa và 30 bath tiền đi cáp treo (thực ra nó giống thang máy hơn).

Khuôn viên chùa Phrathat Doi Suthep khá lớn và nổi bật với một bảo tháp cao được mạ vàng và có thể nhìn thấy từ xa lấp lánh ánh sáng. Vào chùa bạn nhớ bỏ giày dép và ăn mặc kín đáo nhé.

Bạn lưu ý là có thể đi ra phía sau chùa, sẽ có một khoảng sân nhìn thấy toàn bộ Chiang Mai từ trên cao. Nói chung chùa chiền không phải gu của mình lắm, nên cũng chỉ đi lướt lướt qua chút thôi.

Từ Doi Suthep, chúng mình lại leo lên chiếc xe kinh hoàng để về Baan Kang Wat, cách trung tâm Chaing Mai khoảng 10 km. Đây là khu phức hợp các cửa hang nho nhỏ bán đồ handmade, quán cà phê, kem tươi, phòng sách, phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, những khu vườn xinh xinh… Tất cả đều chill chill, art art, tràn ngập ánh sáng và màu xanh của cây cối. 

Baan Kang Wat thực sự là điểm sáng chói loà với mình trong hành trình ở Chiang Mai luôn.Xin mạnh dạn tự đặt tên cho làng là “Ngôi làng sống ảo”. Ai mà đam mê sống ảo như mình có lẽ nên làm cái lều xong sống ở đây luôn thôi các bạn ạ.

Bạn nào thích phong cách Zakka, Mori, Vintage, Rustic… thì đến đây chắc cái gì cũng muốn tha về. Nhưng có tiền tha về hay không lại là câu chuyện khác nhé. Toàn đồ giá trên trời vì là handmade các thứ các thứ…

Làng Baan Kang Wat nho nhỏ thôi nên bạn cũng không cần dành quá nhiều thời gian ở đây. Khoảng 2-3 tiếng là đủ để chụp ảnh, ăn uống lê la quán xá rồi. Tuy nhiên với mình, nếu có thời gian chắc mình ở đây cả ngày cũng không thấy chán

Dù chỉ gói gọn trong phạm vi của một ngôi làng, nhưng ở Baan Kang Wat có một danh sách dài các quán cà phê cho bạn lựa chọn theo đủ loại phong cách: cổ điển, hiện đại, kiểu Âu, sân vườn hay cà phê sách…

Baan Kang Wat theo mình có lẽ là nơi thể hiện đúng cái không khí mà mình mong muốn khi đến Chiang Mai nhất. Nó là sự thảnh thơi, nhẹ nhàng, và chậm chạp…

Giờ mở cửa các tiệm ở đây cũng giống như các nơi khác ở Thái Lan, khá muộn. Bạn nên đến từ 10h sáng nhé, sớm hơn chắc chả có gì đâu. 

Ai yêu động vật thì đến đây sẽ thấy rất nhiều chú mèo chú chó chú chim, chú nào cũng hơi béo và đáng yêu

Một góc tiêu biểu của Baan Kang Wat: Nhiều cây xanh, tràn ngập ánh nắng… Mọi thứ được chăm chút kĩ càng và có ý đồ nghệ thuật đến mức chỉ cần ngồi bừa xuống bất kì đâu, bạn cũng có được một bức ảnh sống ảo tuyệt đẹp rồi.

Nếu bạn nào đến đây buổi trưa hoặc đơn giản là đói bụng có thể ghé quán The Old Days Bistro xem sao nhé. Đây là một nhà hàng nhỏ chuyên về pasta và breakfast, giá từ 100-200 bath 1 món, không gian thiết kế kiểu cổ kính lại rất thiên nhiên. Pasta thì có một số loại truyền thống và một số loại lạ lạ kiểu như pasta lấy cảm hứng từ món pad Thai chẳng hạn… 

Đồ ăn ở đây bài trí khá đẹp mắt, so với khẩu vị của mình thì hơi nhạt. Giả vờ chê thế thôi chứ vì đi suốt từ sáng đến giờ nên vừa đói vừa mệt, chén hết bay chỗ này trong 1 nốt nhạc hix…

Từ Baan Kang Wat, các bạn có thể tiện thể đi luôn quán cà phê No.39 nằm cách đó khoảng 10 phút đi bộ nhé. Đây cũng là một trong những quán được nhiều người check-in nhất khi đến Chiang Mai đó. Điểm thu hút của quán cà phê này là căn nhà gỗ độc đáo với chiếc cầu trượt nằm cạnh hồ, tạo cảm giác rất bình yên. Lúc chúng mình đến đây thì mấy chỗ ngồi xịn xịn cạnh hồ và trên nhà gỗ đều có người hết rồi, với lại vừa ăn uống nó say bên Baan Kang Wat nên ngậm ngùi đi về, không quên làm mấy chú ảnh cho bõ công. Kể ra được nằm ểnh ương ở mấy cái nệm cạnh hồ kia cả ngày cũng phê nhờ…

Tầm này cũng chiều chiều rồi chả biết làm gì nên quyết định đi mail cho mát. MAYA là mail mới, rất to đẹp, hoành tráng và nằm ở ngay trung tâm khu Nimman. Trong này có khu food court khá nhiều đồ ăn ngon, đồng thời có nhiều nhãn hiệu thời trang giá vừa phải bạn có thể mua được như HM hay Jaspal, Lyn… Nói chung chuyến này cũng chả định mua sắm gì nên mình vào đây lượn vài vòng cho biết thôi, thế mà lúc ra vẫn xách theo một túi đồ của HM ơ kìa lạ thế

Từ MAYA bạn đi sang đường một đoạn là đến khu One Nimman nhé. Nếu như thích Baan Kang Wat 10 thì mình cũng phải thích One Nimman khoảng 8 đó các bạn…

Cái sự Châu Âu nó toát lên trong mọi ngóc ngách, từ những viên gạch màu cam, biển hiệu kiểu retro, thậm chí từng bậc cầu thang lên xuống, rồi tháp chuông đồng hồ, khu vực quảng trường rộng rãi…

Vào đây như kiểu được lạc đến một đất nước nào đó ở Châu Âu vậy. Mình nghĩ chỗ One Nimman này buổi tối sẽ khá đẹp, vì thấy ngoài quảng trường có treo đèn các thứ các thứ, mà không có thời gian để quay lại nữa. Thôi đành hẹn lần sau…

Kế bên quảng trường là phố đi bộ One Nimman, nằm trong một toà nhà mái vòm với lối kiến trúc sang trọng, cùng hàng quán độc đáo dọc hai bên đường.

Trong này có quán cà phê Graph, mà bạn lên Instagram sẽ thấy các travel bloggers nổi tiếng check-in lia lịa luôn. Nếu ghé quán bạn nhớ mua thử một ly Monochrome uống thử nhé.

Khu Food Court ở đây cũng rất rộng rãi với đủ thứ đồ ăn Chiang Mai như: khao soy, xôi xoài, gà rán… được bày bán sạch sẽ đẹp đẽ và làm tại chỗ.

Chơi ở One Nimman chán thì bọn mình di chuyển ra quán Khao Soy Nimman cách đó mấy trăm mét để ăn thử món ăn nổi tiếng nhất Chiang Ma xem sao. Trên đường đi ra đó thì mình có đi ngang qua quán cà phê nổi tiếng Ristr8to Lab. Nghe bảo pha chế ở đây rất giỏi, giành giải thưởng World Latte Art Championship và đứng vị trí thứ 6 trên thế giới. Vì thế nên rất nhiều khách du lịch tìm đến đây để thưởng thức nón nổi tiếng của quán là The Satan Latte. Lần sau ghé Chiang Mai chắc sẽ phải thử thôi chứ lần này đi vội vã quá

Đã đến Chiang Mai là phải ăn Kao Soy, giống như đến Hải Phòng mà không làm bát bánh đa cua là coi như chưa đến vậy. Ở Chiang Mai có đến cả trăm loại Kao Soy khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là kao soy heo, kao soy bò, kao soy gà. Mình tìm hiểu thì thấy có hai hàng Kao Soy được người dân địa phương cũng như khách du lịch ưa thích nhất là: Kao Soy Mae Sai nằm ở Old Town và Kao Soy Nimman ở khu Nimman.

Kao Soy (hay khao soi) là đặc sản của phía Bắc Thái Lan, được những người dân di cư từ phía Nam Trung Quốc và những người Trung theo đạo Hồi ở Vân Nam mang tới. Một bát Kao Soy đúng vị phải có hai loại mì là mì gạo mềm làm tay và mì chiên giòn. Nước dùng đặc như súp với vị cay nhàn nhạt, có màu vàng gần giống món cà ri. Ở Kao Soy Nimman bọn mình gọi thử Kao Soy Bò và Kao Soy hải sản. Dù có không thích mùi cà ri lắm nhưng món này ăn khá ngon các bạn nhé, các loại gia vị được nêm nếm rất hài hoà. Kao Soy Nimman có gía cao hơn các hàng khác một chút do là nhà hàng lịch sự sạch đẹp, lại có nhân viên biết tiếng Anh. Giá khoảng 65-100bath một phần ăn.

Buổi tối thứ hai ở Chiang Mai bọn mình lại đi chợ đêm tiếp. Nếu Bangkok có phiên chợ cuối tuần Chatuchak, thì ở Chiang Mai cũng có hai phiên chợ chỉ họp vào Thứ Bảy và Chủ Nhật cuối tuần. Saturday Night Market nằm trên con phố Wua Lai trong khu vực Old Town, họp từ 4 giờ sáng đến tận nửa đêm. Chợ rất đông đúc, hầu như không có không gian để di chuyển luôn.

Nếu bạn đến các khu chợ đêm ở Chiang Mai thì chắc chắn sẽ nhìn thấy những quầy hàng bày bán những cuộn xúc xích dài cuốn tròn cực kì hấp dẫn. Đó chính là món Sai Oua nổi tiếng của Chiang Mai.

Sai Oua được làm từ thịt lợn ướp cùng sả, lá chanh Thái, củ riềng và ớt, nhồi trong vỏ bọc xúc xích và đem nướng cho tới khi chín vàng ươm. Khi ăn, người bán sẽ cắt Sai Oua ra thành từng miếng nhỏ. Bạn có thể ăn luôn hoặc ăn kèm với một chút xôi nếp Thái – loại đồ ăn chính của người miền Bắc Thái Lan, hoặc là chấm Sai Oua với Nam Prik Noom – một loại nước chấm Thái làm từ ớt xanh nướng, tỏi, hương liệu và cá muối nghiền nhỏ với nhau. Món này mình đọc review thì thấy mọi người bảo ăn ở quầy Gao Makham tại chợ Mae Hia là ngon nhất, nhưng không có thời gian nên hôm đó mình ăn thử tại chợ cuối tuần Saturday Night Market thấy cũng ổn, nhưng không thích thú lắm.

Saturday Night Market là nơi tập trung các mặt hàng thủ công, đồ bằng bạc, gỗ, các loại trạng phục từ hiện đại đến truyền thống, giỏ xách, khăn, thổ cẩm và nhiều món đồ lưu niệm có thể mua về làm quà kiểu như bánh xà phòng, móc khoá… Chợ này có rất nhiều người Trung Quốc bán hàng nhé. 

Phía bên ngoài chợ thì phải có đến cả trăm quán ăn street food trải dài dọc theo con phố, trong chợ cũng có một khu ăn uống riêng nữa nên bạn có thể đến chợ từ sớm để ăn tối luôn nhé.

Một đĩa tôm nướng khoảng 6,7,8 chú ở đây giá từ 100-150 bath, ăn cũng ổn áp.

Hôm sau, bọn mình dành nguyên một ngày để đi Chiang Rai, nằm cách Chiang Mai khoảng 200km. Cả đi cả về hơn 400km một ngày cũng khá là mệt, nhưng rất đáng để đi nhé các bạn. Lịch trình cả ngày mình sẽ ghi ở các ảnh tiếp theo. Xe pháo thì như trình bày ở phần đầu album này, bọn mình thuê xe minivan hết 3.300 bath một ngày, xe rộng rãi, chỗ ngồi thoải mái, có bluetooth để kết nối điện thoại bật nhạc tưng bừng. Xe chỉ có riêng đoàn mình 7 người, cùng 1 lái xe và Mr.Pu đi cùng dẫn đoàn.

Mình là kiểu người không thích chùa chiền, nhưng lần này đi Chiang Mai lại nhất định muốn đến Wat Rong Khun, cũng bởi kiến trúc độc đáo có một không hai của nó. Toàn bộ ngôi chùa mang một tông màu trắng sáng, là sự kết hợp hoàn hảo giữa phong cách kiến trúc cổ điển Thái Lan và trường phái siêu thực.

Bên cạnh ý nghĩa về mặt tôn giáo, thì ngôi chùa này cũng là một địa điểm lên ảnh cực đẹp luôn đó các bạn. Điểm đẹp nhất để chụp theo mình là ở lối vào phía trước của chùa nhé.

Tuy nhiên vì nằm trong lịch trình tour nên mình thấy ngôi chùa khá đông, chủ yếu là khách đoàn Trung Quốc. Mình phải đứng canh tầm 15 phút mới chụp được mấy bức ảnh không có người lọt vào khung hình.

Nơi này còn có một điểm nhấn đặc biệt nữa là một toà nhà màu vàng chói lọi, nổi bật ở góc khuôn viên chùa. Nếu không biết trước chắc nhiều người sẽ nhầm tưởng đây là một ngồi chùa vì nó quá đẹp và tinh xảo, nhưng thực ra đây lại là khu nhà vệ sinh các bạn ạ. Nghe nói chi phí xây cái nhà vệ sinh nho nhỏ này đâu có 5 triệu bath (150.000 USD) thôi ấy mà. À để vào Wat Rong Khun bạn sẽ phải mua vé mất 50 bath nhé.

Làng cổ dài là địa điểm tiếp theo mình ghé qua. Chỗ này cách thành phố Chiang Rai khoảng 30km, và cách Chiang Mai là 180km, khá xa. Thực tế ngôi làng này có những người phụ nữ dân tộc Karen Long Neck chính hiệu, tuy nhiên làng này không phải ngôi làng tự nhiên do họ tìm đến lập nghiệp. Nói cách khác dễ hiểu hơn là chỉ có một làng “người cổ dài” thực sự nằm ở tỉnh Mae Hong Son (do bộ lạc này từ Myanmar di cư sang và định cư ở đây). Tuy nhiên thì chỗ đó không thuận tiện cho khách du lịch tham quan vì quá xa, vì vậy các bên công ty du lịch đã phối hợp với chính quyền, “mời” những người dân làng cổ dài về đây sinh sống và trở thành một ngôi làng chuyên phục vụ khách du lịch. Thế mới biết người Thái họ làm du lịch tốt đến mức độ nào.

Muốn vào tham quan, mỗi du khách sẽ phải bỏ ra chi phí là 300 bath nhé, không rẻ nên các bạn có thể cân nhắc.

Theo quan niệm của người Karen, phụ nữ cổ dài mới đẹp, và chỉ những gia đình giàu có mới có điều kiện đúc, mua vòng làm đẹp cho con gái. Quan niệm đó truyền từ đời này qua đời khác, để đến nay, giữa thế kỷ 21, vẫn còn có những bộ tộc mà các bé gái được làm đẹp bằng cách đeo vòng ngay từ khi chưa ý thức thế nào là nhan sắc. 

Những chiếc vòng sẽ được đeo thêm vào, kéo dài cổ lên khoảng từ 5 – 10cm so với người thường, và sẽ theo những cô gái ấy đến tận cuối cuộc đời. Trung bình, mỗi người phụ nữ Karen sẽ đeo trên cổ số vòng có khối lượng từ 10-12 kg hoặc hơn, thậm chí có một số phụ nữ ở đây có cổ cao tới 25cm với hơn 20 chiếc vòng.

Vì được tạo nên với mục đích phục vụ khách du lịch, nên nơi đây đã ít nhiều được thương mại hóa với nhiều món đồ lưu niệm giá tương đối đắt đỏ.

Tuy nhiên những người phụ nữ mình gặp tuyệt đối không chèo kéo mời chào khách hàng dù việc bán những món đồ này đem lại nguồn thu nhập chính cho họ. Họ chỉ ngồi một chỗ làm việc của mình, nở một nụ cười thật thân thiện mỗi khi có khách ghé thăm.

Bạn cũng sẽ bắt gặp rất nhiều cô bé khoảng 4,5 tuổi nhưng cũng đã bắt đầu đeo vòng kín cổ, chạy loanh quanh vui đùa với du khách, một cảm giác khá bình yên.

Nếu không tận mắt chứng kiến, thật khó tin rằng giữa thế kỷ 21 hiện đại, vẫn có những người phụ nữ sống và làm đẹp theo một cách rất riêng thế này.

Bạn này còn khá trẻ nhưng đã là mẹ đơn thân rồi. Thứ mà bé gái bôi lên mặt tên là Thanaka, hay Thanakha, là một hỗn hợp trang điểm dạng kem có màu trắng vàng, được làm từ nguyên liệu vỏ cây nghiền nhỏ. Đây là một tập quán đặc trưng của người dân Myanmar từ hơn 2000 năm nay. Công dụng của thanaka bao gồm trang điểm, dưỡng da, làm mát da mặt, chống nắng, chữa mụn… vân vân mây mây

Tam giác vàng là điểm đến xa nhất trong hành trình khám phá Chiang Rai cuả bọn mình. Đây là vùng đất nơi giáp ranh biên giới Lào – Thái – Myanmar, cách Chiang Mai khoảng gần 200km. Qua phim ảnh, báo đài thì chắc hẳn mọi người cũng biết trước kia đây là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới. Nghe đồn tại đây thuốc phiện không mua được bằng tiền, cứ 1 kg thuốc phiện thì lấy 1 kg vàng mới đổi được. Nhưng đó là chuyện xưa rất xưa rồi, Tam giác vàng một thời lừng lẫy trong lịch sử ngày nay trở nên thanh bình và yên ả. Nơi này không còn trồng thuốc phiện nữa mà trở thành khu du lịch sinh thái lý tưởng. Những cánh đồng anh túc năm xưa được thay bằng những thửa ruộng hoa màu, cây trái quanh năm xanh tốt.

Tại đây bây giờ đã có một ngôi chùa với tượng phật to, có thể nhìn thấy từ rất xa, nổi bật màu vàng dưới nắng. Xung quanh khu vực này là các hàng quán, bảo tàng thuốc phiện… phục vụ khách du lịch

Tại đây bạn có thể thuê thuyền để đi sang biên giới của Lào hoặc Myanmar, giá vé chỉ 300 bath một người và đi trong khoảng 1-2 giờ đồng hồ. Tuy nhiên theo mình biết thì chợ biên giới bên Lào cũng không có gì đặc sắc lắm nên không đi. 

Từ Tam giác vàng, bạn nhìn sang bên phải sẽ thấy các casino của Lào, nhìn sang trái sẽ thấy Myanmar, xa hơn chút nữa là Trung Quốc.

Trên đường từ Tam giác vàng về Chiang Mai, mình có ghé qua Wat Rong Suea Ten. Ngôi đền được Phuttha Kabkaew, một học sinh của Chaloemchai Kositpipat – người đã tạo dựng nên Đền Trắng – thiết kế và cải tạo.

Mặc dù kém nối tiếng hơn so với Wat Rong Khun một chút, nhưng đây vẫn là một chốn sống ảo tuyệt vời bởi lối kiến trúc hiện đại với tông màu xanh sapphire lạ mắt.

Chùa Xanh cũng là điểm cuối của bọn mình, sau đó thì lên xe về lại Chiang Mai thôi. Cũng vì về muộn quá mà mình bỏ lỡ Sunday Night Market, vì chợ chỉ mở đến 10h tối thôi. Nghe nói đây là chợ đêm đông vui và nhiều đồ ăn ngon nhất, chắc chắn lần sau phải đi vậy. Ôi nhiều chỗ bị bỏ lỡ trong chuyến đi lần này quá…

Vì hôm trước đi cả ngày mệt quá, nên hôm sau bọn mình dậy khá muộn và ra thẳng quán cà phê mà mình rất thích từ lúc còn ở nhà là The Baristro at Ping River. Tưởng thế nào ai ngờ còn thích hơn cả lúc đọc review ở nhà

Quán sử dụng tông màu sáng, không gian rộng rãi và có nhiều, rất nhiều góc đẹp để bạn chụp hình.

Như một bộ phim của Pháp không?

Đây chính là quán cà phê với chiếc bàn thần thánh bên cạnh bờ sông Ping mà được rất nhiều travel bloggers chụp cùng khi tới Chiang Mai.

Đây cũng là một góc đẹp của quán, mình định ra chụp mà có mấy bạn ngồi trước mất rồi. Ánh nắng tự nhiên chiếu xuống rất đẹp luôn.

Căn nhà gỗ gần bờ sông cũng là chỗ chụp ảnh khá đẹp nhé các bạn. Nhưng ngồi ngoài này thì nắng nóng lắm luôn, nên mình khuyên bạn kiếm một bàn ngồi trong nhà, chạy ra chụp hình xong lại vào thôi nhé.

Theo đánh giá của mình đồ ăn và bánh ở quán khá ngon, đồ uống ổn, trình bày đẹp mắt, giá không rẻ. Đống này hết khoảng 300 bath.

Buổi trưa chúng mình tìm đến quán Cooking Love để dùng bữa. Quán này có hai chi nhánh ở Chiang Mai, đều nằm trong khu Old Town. Điều khiến Cooking Love nổi tiếng và được lòng khách du lịch chính là việc họ tìm ra cách chế biến, gia giảm những món ăn đặc trưng của Thái Lan trở nên “nhẹ nhàng” hơn mà vẫn giữ được mùi vị truyền thống. Nếu được quay lại Chiang Mai, chắc chắn đây sẽ là quán ăn thường trực của mình luôn xin thề!

Nếu mà hỏi đến Cooking Love ăn gì thì xin thưa chính là Tom Yum, món ăn mà dân chơi nghe phát biết ngay của Thái Lan. Như trình bày ở trên thì mình vốn không thích đồ ăn Thái, nhưng Tom Yum lại là ngoại lệ. Tom Yum mà ngon nhất chắc là Tom Yum hải sản, ăn lúc nóng, thơm nồng vị sả và lá chanh (nói đến lại phê). Tuy nhiên Tom Yum ở các quán xá khác từ hôm sang đến giờ quá cay so với mình, và đến lúc được ăn món Tom Yum ở Cooking Love mình mới thật sự gọi là “thưởng thức” chứ không phải vừa ăn vừa khóc nữa. Tom Yum ở đây ngon, đúng vị nhưng lại không bị cay nồng, thế mới tài…

Ngoài ra thì các món khác ở Cooking Love bạn nên thử là Som Tam (papaya salad), cơm trái dứa, kao soy… Phục vụ ở đây nói tiếng Anh thì siêu việt, vì phục vụ khách nước ngoài là chủ yếu, lại tư vấn đồ ăn cho bọn mình rất hợp lý luôn.

Giá cả ở đây bình dân cực kỳ luôn. Trung bình chỉ từ 60-100 bath một món nhé bạn. Quán luôn đông, bọn mình thậm chí phải đợi khoảng 20 phút mới có bàn luôn.

Đây là bữa ăn lúc tối muộn của mình, toàn bộ được khuân về từ cửa hàng tiện lợi 7-Eleven gần nhà. Mấy ngày ở Chiang Mai, hôm nào cũng phải ghé 7-Eleven khuân về túi to túi bé để ăn đêm, tận dụng cái phòng bếp xinh xắn của Airbnb. Bạn nào đi Thái thì cũng sẽ thấy 7-Eleven ngập tràn khắp mọi nơi, lúc nào cũng đông đúc nhộn nhịp người ra người vô. Tại đây bạn có thể tìm thấy hầu như mọi thứ mình cần, gía cả lại niêm yết rõ ràng, thanh toán được bằng thẻ Master hoặc Visa với hoá đơn từ 300 bath trở lên. Theo thống kê thì hiện nay toàn Thái Lan có đến hơn 10.000 cửa hàng 7-Eleven, phục vụ cho khoảng gần 12 triệu lượt khách mỗi ngày. Điều mà mình thích nhất ở 7-Eleven là có rất nhiều những đồ ăn tiện lợi như này, bạn chỉ cần cho vào lò vi sóng hâm nóng vài phút là có bữa tối ngon lành. Giá cả thì khỏi phải nghĩ vì chưa đến 30 nghìn đồng cho một phần ăn, lại sạch sẽ, bao bì nhãn mác rõ ràng. 7-Eleven quả thật là thiên đường đối với những người như mình, thích đi Thái Lan nhưng lại không ăn nổi đồ ăn đường phố vì quá cay và chua. Ở Việt Nam thì mình cũng có ghé qua 7-Eleven ở Sài Gon vài lần, tuy nhiên thấy giá khá cao, mặt hàng bày bán cũng không được phong phú lắm.

Khao Kha Moo là món thịt chân giò hầm nhừ, thường được ăn kèm với cơm, các loại rau củ và trứng luộc với giá siêu rẻ. Ngày xưa đi Bangkok chơi, lần đầu ăn thử mình đã bị nghiện rồi, ai ngờ ở Chiangmai nó còn ngon hơn. Nghe nói bởi vì Chiang Mai là vùng núi, giống kiểu Tây Bắc nhà mình nên thịt lợn ở đây thơm và chắc thịt hơn các vùng khác. Ăn Khao Kha Moo tại Chiang Mai thì dân tình đồn đại là quán Cowboy Hat Lady, với hình ảnh cô chủ quán đội chiếc mũ cao bồi rất dễ nhận diện. Quán này mở đến 2h sáng luôn nên nếu bạn đi quẩy về muộn thì ra đây lót dạ là hợp lý luôn. Địa chỉ: Thanon Manee Nop Parat, Amphoe Mueang, Chiang Mai, Thailand. Mình cũng không ghé qua đó ăn được mà ăn ở khu chợ Ton Payom gần nhà cũng ngon, hết có 40 bath mà bao nhiêu thịt.

Vì lần này đi Chiang Mai mình chọn chỗ nghỉ ở khu Nimman nên thành ra chả bén mảng đến khu Old City mấy. Tối hôm cuối cùng ở Chiang Mai thôi thì vận động anh em bạn dì đi ngó qua cái cho biết về còn chém gió. Khu Old City thì là trung tâm của Chiang Mai, được quây trong một ô vuông ngay ngắn, xung quanh là hào nước. Xung quanh cái ô vuông này là 5 cổng thành cổ, tàn tích từ thời vương quốc người Lana. Trong ảnh là Thapae Gate, cổng chính của khu thành cổ. Nếu đến ban ngày chỗ này sẽ có rất nhiều chim bồ câu sà xuống ăn thức ăn và vui đùa cùng du khách, nhưng buổi tối chắc chim đi ngủ rồi chả thấy con nào

Nếu hỏi Chiang Mai có buồn không? Buồn. Thế nhưng nếu mà giờ đang buồn mà lại phải vui thì xin thưa rằng Chiang Mai cũng có chỗ ăn chơi tới bến không thua gì Khao San của Bangkok. Mọi người đi Chiang Mai thường bảo không thấy có bar sàn gì, thì đây, giới thiệu với các bạn Zoe In Yellow, nằm ngay trong khu phố cổ nhé. Bar này đồ uống thì cũng như mọi chỗ khác thôi, gọi bia tầm 100 bath gì đó một chai. Tuy nhiên nhạc nhẽo phải nói là đánh hay nhấc người. Bọn mình hôm đấy vừa than thở mệt lắm mệt vừa vì mấy ngày liền đi bộ nhiều, xong vào đây cái hồi sinh luôn. Vui hay không bạn nhìn ảnh xong nhân đôi lên nhé vì phía đối diện cũng là của họ và đông y như thế, không chụp được hết.

Theo Hiệp Lê

Xem thêm cái bài viết:
Ngôi chùa tuyệt đẹp ở Thái Lan được giới trẻ rần rần check-in
Z9 Resort – Resort nổi trên sông ở Thái Lan – đẹp như Maldives thu nhỏ
Đảo Koh Kood – hòn đảo tình nhân ở Thái Lan có thể bạn chưa biết
Chiang Mai- chuyến đi của sự yên bình
Hướng dẫn đường đi đến Chiang Mai – đóa hồng phương Bắc Thái Lan

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY

Đánh giá 3.7 / 5. Lượt: 24

Hotline đặt Combo – Phòng khách sạn – Tour du lịch – Vé máy bay giá siêu tốt: 0908 341 702
1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 3,00 out of 5)
Loading...
Close
Index