Lệ Giang – Shangri La là chuyến đi của thanh xuân, là địa điểm mà bất kỳ ai cũng nên trải nghiệm một lần trong đời. Không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ tới choáng ngợp, con người hiền hòa – đầy chất nghệ, nơi đây còn khiến du khách như lạc vào quá khứ của một nghìn năm trước bởi những ngôi nhà cổ, mái ngói, con đường đẹp như tranh vẽ. Nếu đang muốn đi Phượng Hoàng Cổ Trấn, hãy tới Lệ Giang bởi nơi này đẹp và thú vị hơn Phượng Hoàng Cổ Trấn rất rất nhiều.
“Venice Phương Đông” Lệ Giang và “Thung Lũng Bất Tử” Shangri La đang chờ đón bạn đấy. Đừng ngại không biết tiếng Trung, đừng ngại xa xôi, hãy đi luôn đi khi còn trẻ.
Lệ Giang – Shangrila tự túc đường bay 100%, rẻ – thú vị – đã hơn đi tour
I. Đi Tour hay tự túc?
Hầu hết các bài review trên mạng hiện nay đều khuyên phải mua tour Lệ Giang chứ không nên đi tự túc. Lý do mà các bạn ấy đưa ra thì rất nhiều, nào là không thể giao tiếp nếu chỉ biết tiếng Anh, nào là khó khăn hiểm trở thời tiết khắc nghiệt, lịch trình phức tạp, nào là xa xôi, vân vân và mây mây… Thế nhưng mình cảm thấy làm quá hơi nhiều, và nhóm mình thì chẳng sợ gì, nên cứ thế mà đi thôi. Và đi về mới thấy chẳng có vấn đề gì thật, đi quá là dễ dàng các bác ạ.
Vì sao nên thử đi tự túc?
• Chi phí trọn gói đi tự túc: 14 – 15 triệu. Chi phí đi tour: 18 – 20 triệu.
• Trải nghiệm nhiều hơn với giá rẻ hơn. Đi được thêm nhiều điểm mà trong lịch trình tour không có. Ăn uống ngon lành, thích gì ăn đấy, bữa nào cũng ăn sang (Đi tour thì chi phí trung bình mỗi bữa ăn chỉ 120 – 150 nghìn). Bay 100%, không mất nhiều thời gian như đi đường bộ.
• Cảm giác trải nghiệm, khám phá và lạc vào một vùng đất mà đến giao tiếp khó khăn thực sự rất thú vị. Thú vị hơn việc có tour guide biết tiếng Việt dẫn đi rất nhiều.
II. Thời điểm nào là đẹp nhất?
Đã đến Vân Nam hai lần, và kinh nghiệm là Lệ Giang mùa nào cũng đẹp. Vì vậy yếu tố quyết định là…khi nào xin nghỉ phép được, khi nào sắp xếp thời gian được. Sắp xếp được lúc nào thì cứ thoải mái tự tin xách balo lên và đi lúc đấy thôi. Nhóm mình đi vào những ngày mưa bão SML mà vẫn cứ đẹp long lanh như thường, nên đừng lăn tăn nhiều. Tuy nhiên có vài thời điểm mà đi Lệ Giang sẽ dễ dàng, thoải mái hơn:
• Mùa xuân (Tháng 2-3-4-5): hoa nở nhiều nhất, trời rất cao, xanh, nắng đẹp. Thời tiết không quá khắc nghiệt với người Việt Nam (mát vào buổi trưa, lạnh vào buổi tối)
• Mùa thu (Tháng 10-11): Đã qua mùa mưa, thời tiết dễ chịu, khắp nơi cây lá màu vàng và đỏ rất đẹp.
• Mùa đông (Tháng 12 – 1) vẫn đẹp nhưng thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ tại Shangri La có thể xuống âm 10 độ. Mùa hè (Tháng 6 – 8) là mùa cao điểm du lịch nội địa Trung Quốc nên có thể đông đúc và hơi bất tiện.
III. Chuẩn bị trước khi đi
1. Visa: Làm rất dễ, có rất nhiều công ty du lịch có dịch vụ làm visa Trung Quốc cũng gần như nhau. Visa chỉ cần làm trước khi đi 3 – 4 tuần là được. Mọi người có thể làm ở BRISE Travel, giá visa thì dao động tùy theo thời điểm (đợt rẻ nhất là 80$, bình thường 100 – 120$, đợt khó có thể cao hơn). Với hộ chiếu đã xuất ngoại, chỉ cần cung cấp thêm ảnh. Với hộ chiếu chưa xuất ngoại, có thể phải cung cấp thêm hộ khẩu, giấy xác nhận nghỉ phép…
2. Vé máy bay (hoặc vé tàu): Cứ lên trip.com – trước đây là ctrip.com. Đây là đại lý du lịch online (OTA) lớn nhất Trung Quốc nên yên tâm về giá. Nhóm mình book vé máy bay của hãng China Eastern MU2576 chuyến Hà Nội – Lệ Giang quá cảnh ở Côn Minh. Book trước chỉ 3 tháng, giá chỉ 5,7 triệu cả 4 chiều, giờ bay rất đẹp (đi Thứ Bảy và về Thứ Bảy). Vé máy bay ở Trung Quốc thường không tăng giá cho dù mua gần ngày.
Nếu không đi máy bay mà đi tàu cũng có thể book ngay trên trang này, có đủ mọi chuyến tàu từ cửa khẩu cho tới Lệ Giang.
3. Phòng khách sạn: Cũng lên trip.com mà phang nhé ạ. Kinh nghiệm là không cần book khách sạn quá đắt, quá sang vì chuyến đi có quá nhiều điểm để khám phá, nên mình sẽ không phải ở khách sạn nhiều. Cũng không cần khách sạn quá đẹp vì bên ngoài ở đâu cũng đẹp rồi. Tóm lại, đi chơi từ sáng đến tối nên khách sạn chỉ cần vừa phải để ngủ thôi.
Ở Lệ Giang, nhóm mình chọn Bi’an Huakai Boutique Inn và Cong Qian Man Inn, ở Shangri La chọn Lotus Courtyard Inn và đều rất hài lòng, chi phí chỉ tầm 150k – 200k một người một đêm.
Nên chọn khách sạn ở ngay trong phố cổ Lệ Giang và phố cổ Shangri La vì được đắm chìm trong không khí cổ trang rất thích và tiện đi lại, giá cả thì rất rẻ. Đừng chọn khách sạn ở ngoài cổ trấn vì rất buồn và không tiện đi lại.
4. App điện thoại và Wifi
• QUAN TRỌNG: Nên tải hình và lưu tên tiếng Trung Quốc của các điểm đến quan trọng vào máy điện thoại (ví dụ tên và hình tiếng Trung của Lệ Giang cổ trấn, Shangri La, Hắc Long Đàm, Tu viện Songzanlin ….), lưu càng nhiều càng tốt, lúc bí chỉ cần giơ lên cho người dân hoặc taxi xem là được.
• Có thể chọn mua cục wifi khi đi nhóm đông, một cục wifi dung được tối đa 05 máy điện thoại cùng lúc. Cục wifi có hai lựa chọn: VPN và non-VPN, với cục wifi có sẵn VPN thì không cần cài phần mềm VPN vào điện thoại nữa nhưng bị giới hạn dung lượng, nếu không tự tin thì cứ chọn cục VPN. Còn cục wifi non-VPN thì không giới hạn dung lượng nhưng sẽ phải cài VPN để vào Facebook, Google, Youtube….
• Sim 4G: Một lựa chọn thay thế cục wifi là SIM 4G, bán rất nhiều ở Việt Nam, có loại vào Facebook, Google thoải mái.
• Phần mềm VPN để vào FB, GG, Youtube…: Hiện tại Trung Quốc đang truy quét các phần mềm VPN nên phần lớn VPN không thể hoạt động, nếu có vào được cũng rất chậm. Trước khi đi, nên hỏi những người đang ở TQ hoặc vừa đi TQ về xem phần mềm nào đang hoạt động. Lúc mình đi thì Windscribe VPN truy cập rất tốt, nên cài khoảng 10 phần mềm VPN vào máy xem cái nào chạy được, cái nào không. PHẢI cài VPN trước ở Việt Nam, khi đã sang Trung Quốc là vô phương cứu chữa.
• App khác: Tải về Google Translate dùng để dịch ảnh có chữ tiếng Trung, rất cần thiết để tra menu, bảng biển chỉ đường. Nên tải thêm maps.me để tra bản đồ nếu không vào được Google, phần mềm này có cái hay là có thể đánh dấu điểm đến trên bản đồ để tìm đường kẻo lạc. Một số phần mềm khác như WeChat, dịch giọng nói… cẩn thận thì tải thêm.
5. Tiền: Đổi tầm 3.000 – 4.000 tệ là ăn chơi thả phanh, ăn uống thả ga, có cả mua quà mang về rồi. Hiện tại 1NDT ~ 3.300 VND. Tại Hà Nội thì cứ ra Hà Trung để đổi, ai cũng biết rồi.
6. Đồ đạc mang theo
• Quần áo sặc sỡ, rực rỡ để chụp ảnh. Lưu ý thời tiết để chuẩn bị quần áo rét vì Lệ Giang là vùng núi cao, kể cả mùa hè thì buổi đêm vẫn sẽ hơi se se lạnh, mùa đông thì rất lạnh. Đi mùa thu, đông cần nhiều áo rét, có thể cả áo giữ nhiệt.
• Máy ảnh xịn, full pin để sống ảo.
• Các loại thuốc cơ bản: Panadol, Men tiêu hóa, Berberin, thuốc chống say xe hay say độ cao Viagra :))…. Nên chuẩn bị trước vì hiệu thuốc ở Trung Quốc toàn tiếng tàu, rất khó mua thuốc.
• Miếng dán giữ nhiệt: đặc biệt cần nếu là phụ nữ và đi vào mùa thu, đông vì nhiệt độ thường xuyên xuống dưới 0 độ.
• Kem chống nắng và kem dưỡng ẩm. Thời tiết lạnh nhưng nắng vùng cao rất gắt nên kem chống nắng là không thể thiếu với phụ nữ nhé. Kem dưỡng ẩm còn cần hơn kem chống nắng, vì khí hậu rất khô, cần mang nếu không muốn bị nứt nẻ toàn thân nhé.
• Giày thể thao, tư trang, boardgames, sạc dự phòng, giấy vệ sinh, khăn ướt…
IV. Lịch trình:
Ngày 0: Hà Nội – Côn Minh
Ngày 1: Côn Minh – Lệ Giang (Chơi ở Lệ Giang cổ trấn, chiều đi xem show Lệ Giang thiên cổ tình)
Ngày 2: Lệ Giang (Sáng leo Ngọc Long Tuyết Sơn, chiều đi Hắc Long Đàm, tối đi chơi tiếp ở cổ trấn)
Ngày 3: Lệ Giang – Shangri La (Chơi ở phố cổ Dukezong)
Ngày 4: Shangri La (Sáng đi công viên Potatso, chiều đi tu viện Songzanlin, tối chơi tiếp ở Dukezong)
Ngày 5: Shangri La – Lệ Giang (Chơi tiếp ở Lệ Giang cổ trấn)
Ngày 6: Lệ Giang (Sáng đi Hắc Long Đàm, chiều đi Thúc Hà cổ trấn)
Ngày 7: Lệ Giang – Côn Minh – Hà Nội
Ban đầu nhóm mình còn sắp xếp lịch đi Đại Lý, nhưng 7 ngày còn chưa đủ đi hết Lệ Giang và Shangri La, nên đã thay đổi kế hoạch không đi Đại Lý nữa. Nếu đi tầm 8 – 10 ngày thì mới nên xếp lịch đi thêm Đại Lý hay Côn Minh, vì thực sự Lệ Giang có quá nhiều điểm hấp dẫn để đi .chơi
Đi như vậy vẫn còn thiếu những điểm sau ở Lệ Giang: Hổ Khiêu Hiệp – Khe Hổ Nhảy (do sạt lở đất không đi được), Bạch Sa cổ trấn, Hồ Lugu (Tây vương nữ quốc), Hồ Lashi… nói chung tầm 7-8 ngày thì chỉ nên đi Lệ Giang & Shangri La thôi.
V. Review kinh nghiệm chi tiết
1. Ngày 0: Hà Nội – Côn Minh
Chiều Thứ Bảy, cả nhóm chuẩn bị sẵn hành lý và hộ chiếu háo hức ra sân bay Nội Bài, vẫy chuyến bay MU2576 hãng China Eastern bay thẳng tới sân bay Trường Thủy – Côn Minh. Hà Nội rất gần Côn Minh, nên chuyến bay rất ngắn chỉ tầm hơn một giờ đồng hồ thôi. China Eastern là một trong ba hãng lớn nhất của Trung Quốc nên chất lượng dịch vụ rất tốt, mỗi tội bay ngắn quá nên không có ăn uống gì cả, mỗi hành khách được nhõn một chai nước lọc.
Hạ cánh tại Côn Minh lúc 17:15, việc đầu tiên cần làm là chỉnh lại đồng hồ thêm một tiếng thành 18:15 vì Trung Quốc xài múi giờ GMT +8, nhanh hơn Việt Nam một tiếng. Trong khi Hà Nội tháng 9 vẫn còn rất nóng nực, thì Côn Minh đã se se lạnh , vừa bước ra máy bay hơi lạnh phả thẳng vào mặt rất là Yo-most. Lấy hành lý và nhập cảnh tại đây rất nhanh chóng thuận tiện.
Vì sáng sớm hôm sau mới bay tới Lệ Giang, nên nhóm mình đã đặt một khách sạn ở gần sân bay, có dịch vụ đón tại sân bay về khách sạn miễn phí. Nếu các bác cũng bay chuyến tương tự, thì nên đặt khách sạn càng gần sân bay Côn Minh càng tốt, vì sáng hôm sau còn bay sớm. Về tới khách sạn, việc đầu tiên là đặt xe ra sân bay với chủ khách sạn nhé (giá 10 tệ 1 người), vì 4 giờ sáng gọi thì không có xe đâu.
Sau khi nhận phòng xong xuôi, cả nhóm đi dạo chơi xung quanh, ăn lẩu xiên que nhúng. Lẩu ở đây thường có hai ngăn: nước lẩu tứ xuyên cay và nước lẩu trường thọ không cay. Đồ nhúng cũng rất đa dạng và rất nhiều loại nhân lạ lol, sách bò ngó sen trứng cút viên xanh đỏ tím vàng các kiểu, cứ lấy menu và mở app Google Translate phiên bản Offline ra quét menu, nó sẽ tự dịch hết chữ tiếng Trung trên hình sang tiếng Anh nhé.
Bữa lẩu là khởi đầu cho sự “sốc ẩm thực” không hề nhẹ của cả nhóm kéo dài suốt những ngày sau. Nếu các bác ăn đồ Trung Quốc ở Việt Nam và thấy ngon lành vừa miệng, thì là bởi vì nó đã được nêm nếm theo kiểu Việt Nam, chứ đồ-Tàu-authentic rất đáng sợ nhé. Đầy dầu mỡ, mặn, cay – thiếu ngọt thiếu chua khủng khiếp. Dọa thế thôi chứ thực ra vẫn có những món ngon xuất thần phải thử, vì Vân Nam cũng gần Việt Nam và cũng không kinh khủng như mấy tỉnh phía Bắc Trung Quốc.
Nước lẩu Tứ Xuyên cay xè vị ớt khô, nổi lềnh phềnh váng mỡ, lại còn được bỏ thêm hạt tiêu tê ăn vào mất cảm giác toàn bộ khoang miệng, cay tụt lưỡi. Mình là người ăn cay tốt, ăn mì cay cấp độ 5, 6 vô tư mà còn không ăn được liên tục nước lẩu Tứ Xuyên này. Ngược với lẩu Tứ Xuyên, nước Trường Thọ không cay thì lại rất ngon, ăn với đồ nhúng rất hợp vị.
Từ sau bữa lẩu này phát hiện ra ớt khô và tiêu tê được dùng rất nhiều trong món ăn Trung Quốc, nhiều đến mức đến ngày thứ hai, thứ ba, cứ ngửi thấy mùi ớt khô + tiêu tê là thấy phát sợ :)) Ăn xong lẩu phải dẫn nhau đi uống tiếp trà sữa trân châu để giải cay không thì bỏng lưỡi.
2. Ngày 1: Côn Minh – Lệ Giang (Chơi ở Lệ Giang cổ trấn, chiều đi xem show Lệ Giang thiên cổ tình)
4h sáng cả nhóm dậy, 4h30 lên xe đã được chủ khách sạn đặt trước để ra sân bay. 4-5h sáng mà sân bay ở Trung Quốc đã đông đúc khủng khiếp, xếp dàng dài dằng dặc, chứng tỏ giao thông nội địa ở đây rất phát triển. Các sân bay ở Trung Quốc kiểm tra an ninh rất gắt gao, kiểm tra ngay từ cổng vào.
Chuyến bay cất cánh lúc 7h và 8h sáng, cả bọn ngồi chưa ấm chỗ đã tới sân bay Tam Nghĩa – Lệ Giang. Lệ Giang là thành phố cổ đẹp nhất của Trung Quốc, là điểm thu hút du lịch tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), dưới chân núi Ngọc Long cao gần 5.596m – Đây là núi tuyết vĩnh cửu nên có tuyết quanh năm.
Với lịch sử gần 1.000 năm, Đô thị cổ Lệ Giang là Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, là nơi sinh sống chủ yếu của dân tộc Nạp Tây (Naxi) – dân tộc khai sinh ra văn hóa Đông Ba, cùng với dân tộc Tạng, Bạch, Hán. Lệ Giang cao hơn 2.400m nên mát mẻ quanh năm, được bảo tồn rất tốt với những ngôi nhà cổ tuyệt đẹp xen kẽ những hàng liễu rủ bóng bên những con kênh uốn lượn, nước trong vắt do là nước tuyết tan từ đỉnh Ngọc Long chảy xuống.
Sau khi ra khỏi sân bay, cả nhóm bắt taxi về khách sạn ở cổ trấn – do sân bay cách cổ trấn khoảng 35 cây số nên chi phí khoảng 110 tệ mỗi xe. Taxi có rất nhiều bên ngoài sân bay và rất dễ bắt, giá taxi ở Trung Quốc không đắt hơn Việt Nam và đều có đồng hồ nên rất yên tâm.
Thử thách khó khăn đầu tiên với cả nhóm là ĐI TÌM KHÁCH SẠN, nghe vô lý nhưng lại rất thuyết phục :)) Cổ trấn thì quá rộng và ngõ ngách chi chít, biển bảng thì 100% tiếng Trung Quốc, nói tiếng Anh thì không ai hiểu, nên mỗi đứa 1 cái va li đi đúng một vòng, gần tiếng đồng hồ mà không mò ra nổi khách sạn ở đâu :)) Bí quá đành thuê xe kéo với giá 20 tệ để bỏ toàn bộ hành lý lên, đi tìm tiếp cho đỡ mệt. May là anh kéo xe biết cái khách sạn này, sau một hồi nỗ lực cố gắng giao tiếp bằng body language và dịch thuật thì anh ấy cũng kéo lê được cả nhóm đến nơi. Rút ra bài học là, có khi không đặt trước khách sạn mà đến nơi rồi tìm thì sẽ đỡ mất công hơn :)) Trong cổ trấn có rất rất nhiều khách sạn xinh xắn, giá rẻ, có thể vào hỏi giá trực tiếp và tham quan phòng rồi thuê. Tuy vậy, việc thử thách bản thân đi tìm khách sạn cũng rất chi là vui nhé.
Tìm được khách sạn rồi thì cần khẩn cấp đánh dấu vào maps.me để đi chơi biết đường quay về, không bị lạc. May mắn, chị chủ nhà của khách sạn Bi’an Huakai rất nhiệt tình nhận làm tour guide miễn phí cho cả nhóm, bé Đậu Đậu – con của chị chủ nhà, rất dễ thương – cũng đi theo.
Sáng đầu tiên và đầu giờ chiều, chúng mình dành để khám phá Lệ Giang cổ trấn. Thực ra, Lệ Giang cổ trấn có tên đúng là Đại Nghiên cổ trấn, là thành cổ lớn nhất và nổi tiếng nhất trong 3 thành cổ tại đây (Hai khu còn lại là Thúc Hà cổ trấn và Bạch Sa cổ trấn). Lệ Giang cổ trấn quá rộng và rất đẹp nên cả nhóm cứ ố á suốt, cảm giác cứ giơ máy lên là có ảnh đẹp, đẹp không góc chết. Đã xem nhiều ảnh Lệ Giang từ trước rồi nhưng đến nơi mới thấy đẹp hơn rất nhiều. Cả cổ trấn toàn hoa rực rỡ và liễu xanh mướt, bên trái là những ngôi nhà cổ tuyệt đẹp, bên phải là con kênh róc rách nước trong vắt chạy khắp các khu phố. Cảm giác thực sự kỳ diệu như “xuyên không” về 1.000 năm trước, được sắm vai chính trong một bộ phim kiếm hiệp nào đó. Chỉ cần đi lại giữa các ngóc ngách, con phố nhỏ bất tận của cổ trấn chắc cũng phải mất vài ngày mới hết.
Điều mình thấy thích nhất ở Lệ Giang, ngoài cảnh quan, kiến trúc, văn hóa thì có lẽ là CON NGƯỜI, và chính họ mới là chủ thể tạo nên một Lệ Giang tuyệt đẹp. Có lẽ không ai bảo ai, từng nhà đều tự trồng thêm hoa, tự trang trí thêm đèn lồng, tự mua thêm tượng đặt cửa…tự trang trí cho Lệ Giang thêm rực rỡ sắc màu. Từng con đường, từng viên đá cổ đều sáng bóng, vì buổi sáng mỗi nhà đều quét dọn và mang nước ra đổ, lau chùi trước cửa. Đến những con kênh cũng trong vắt, không hề có rác vì có các cụ già cầm gắp, cầm vợt ra để dọn rác. Sự tự giác, sự chủ động của họ trong việc đóng góp vào cảnh quan chung, đóng góp vào sinh kế của khu vực, là điều đáng học hỏi.
Sau khi đi mỏi chân với các ngóc ngách, cả lũ đi ra Quảng Trường Tứ Phương để sống ảo. Quảng Trường Tứ Phương là trung tâm của Lệ Giang cổ trấn, nên rất sôi động và nhộn nhịp. Cạnh QT Tứ Phương có những con đường ô, đèn lồng rất đẹp để ngắm và chụp ảnh.
Mỹ mãn sau buổi sáng, cả nhóm dùng chiêu hỏi người dân địa phương quán ăn ngon. Chiêu này thực sự có hiệu quả các bác ạ, cả nhóm được chỉ chủ khách sạn dẫn vào một quán cơm ăn rất ngon, rất gần vị với Việt Nam. Để an toàn thì cứ hỏi người địa phương, ăn như người địa phương là tốt nhất.
Buổi chiều, sau khi ăn uống và nghỉ ngơi, cả lũ tiếp tục đi tham quan MỘC PHỦ. Mộc phủ là khu dinh thự của các thổ ty, chúa đất họ Mộc, theo mô hình một Tử Cấm Thành thu nhỏ. Mộc Phủ cũng rất đẹp, nếu thấy tour guide nào nói tiếng Anh hoặc Việt có thể đi ghé theo để biết thêm các thông tin. Vào Mộc Phủ mất vé, nên nếu bác tiết kiệm ngân sách có thể skip điểm này vì toàn bộ Lệ Giang cổ trấn quá đẹp rồi – dù rất tiếc nếu skip.
ĐIỂM NHẤN của ngày đầu tiên có lẽ là SHOW DIỄN LỆ GIANG THIÊN CỔ TÌNH. Ở Lệ Giang có hai show diễn nổi tiếng là Ấn tượng Lệ Giang và Lệ Giang Thiên Cổ Tình, giá vé gần như tương đương. Thực sự nếu chỉ đi được một show, thì nên chọn Lệ Giang Thiên Cổ Tình nhé. Cả về câu chuyện, dàn dựng, và công nghệ trình diễn, Lệ Giang Thiên Cổ Tình đều hơn một bậc, xứng đáng là show đẹp nhất Trung Quốc. Ấn tượng Lệ Giang thì không bằng, chỉ được cái nổi hơn do mượn danh đạo diễn Trương Nghệ Mưu và lâu năm hơn. Cả lũ xem mà há hốc mồm ra vì hiệu ứng sân khấu, tên bay lửa đạn, đầu rơi máu chảy, thác đổ mưa rơi, sân khấu và ghế ngồi nâng lên hạ xuống… quá hiện đại, quá cầu kỳ. Show diễn kể lại những câu chuyện rất thú vị về Tây Vương Nữ Quốc, về Trà Mã cổ đạo, về Mã Bang, về Shangri La…
Có thể nhờ chủ khách sạn hoặc người địa phương book vé show thì giá sẽ rẻ hơn (Giá công bố là 310 tệ nhưng giá mua qua chủ khách sạn là 250 tệ). Show diễn bắt đầu lúc 19:30 nhưng 18:30 được tặng thêm một show nhỏ miễn phí trước giờ diễn, ngay tại sân khấu đó (show “Đại địa chấn” – cũng rất hay và nên xem). Ngoài khuôn viên của show diễn có một công viên nho nhỏ với nhiều đồ ăn uống, nhiều điểm check-in, nên có thể tới đây từ 4 giờ chiều để ăn – chơi và chờ tới giờ diễn là vừa.
Buổi tối quay lại Lệ Giang để ăn BÚN QUA CẦU – món ăn phải thử khi ở Vân Nam. Khi ăn, người ta sẽ mang một bát đá với nước dùng sôi sùng sục, cùng khoảng hơn 10 cái đĩa thịt, trứng, rau sống. Người ăn cần bỏ thật nhanh các đĩa đồ ăn sống vào bát nước, nấu cho chín, rồi đổ bún vào ăn cùng. Cũng khá ngon, bún qua cầu được bán khắp mọi nơi.
3. Ngày 2: Lệ Giang (Sáng leo Ngọc Long Tuyết Sơn, chiều đi Hắc Long Đàm, tối đi chơi tiếp ở cổ trấn)
Sáng mở mắt ra thấy mưa SML, báo hiệu một ngày nhiều sự thú vị. Hôm nay cả nhóm đi Ngọc Long Tuyết Sơn và Hắc Long Đàm, đã book tour với chị chủ khách sạn từ hôm qua. Nếu mua tour ngoài thì giá giao động từ 490 – 900 tệ, nhưng mua qua chủ khách sạn thì bọn mình chỉ mất 420 tệ (tour bao gồm Hắc Long Đàm + Núi Tuyết Ngọc Long + Ăn trưa lẩu gà hầm + Bình oxy + Áo khoác + Đưa đón).
Mặc mưa gió, đầu tiên cả nhóm lên xe khởi hành đi NÚI TUYẾT NGỌC LONG. Việc đăng ký và mua vé cáp treo lên Ngọc Long rất hiện đại, chị tour guide kiêm lái xe đăng ký hoàn toàn qua WeChat và chụp ảnh mặt cả lũ là xong. Lúc sau lên Ngọc Long mới biết, họ không có vé giấy, mà sẽ QUÉT cái mặt của mình và máy tính sẽ xác nhận tự động cho qua cửa, quả thật công nghệ nhận diện khuôn mặt rất nhanh chóng và tiện lợi.
Ngọc Long cao 5.596m, quanh năm tuyết phủ. Vì rất cao, nên khách tham quan được khuyên nên mang theo bình oxy cầm tay để thở, tuy nhiên cả nhóm mình lên đó vẫn thấy bình thường, không khó thở hay sốc độ cao gì cả, chỉ là dễ thấm mệt hơn. Leo núi tuyết Ngọc Long dưới thiên tai có lẽ là một trong những trải nghiệm thú vị nhất, mà ít ai có dịp được thử. Không khí loãng ở độ cao gần 5.000 mét, nhiệt độ dưới 0, mưa gió như tát vào mặt, ướt sạch sẽ từ trong ra ngoài nên chẳng cần ô dù gì nữa, nhưng chẳng thấy lạnh. Đi vài bước rồi dừng, thở dốc, lấy hơi, và tiếp tục bước tiếp. Lên đến đỉnh, chinh phục được núi tuyết và nhìn thấy đỉnh tuyết hùng vĩ quả thật rất sướng các bác ạ. À nói thêm, khách du lịch không thể leo lên đỉnh 5.596 mét nhé, chỉ có thể leo tới cao độ 4.680 mét đủ để thấy tuyết vĩnh cửu.
Sau khi thấm mệt với Ngọc Long, cả lũ leo xuống và chị tour guide dẫn đi ăn lẩu gà hầm. Khi đói thì ăn cái gì cũng ngon, ăn cứ phải gọi là ngấu nghiến. Tại đây, cũng bị dụ dỗ mua mấy hộp bim bim nấm với giá siêu đắt (25 tệ/1 hộp), về cổ trấn mới thấy giá chỉ là 15 tệ/1 hộp và mua 5 tặng 1. Tóm lại là quà cáp cứ mua ở cổ trấn là rẻ nhất.
Buổi chiều, tiếp tục xách balo lên và đi Thung Lũng Lam Nguyệt, nằm trong khu thắng cảnh của Ngọc Long Tuyết Sơn ngay dưới chân núi Ngọc Long. Tên là Lam Nguyệt – Trăng xanh bởi vì nước hồ, nước thác ở đây có màu xanh thần thánh như ngọc, đẹp tuyệt vời các bác ạ. Đi đúng ngày mưa bão, mưa rào mà vẫn đẹp lung linh, chụp phát nào đẹp phát đấy, thì ngày nắng còn ngất ngây nữa. Đã đến Lệ Giang, thì nhất định không được bỏ qua nơi này nhé.
Hết tour, về lại đến Cổ Trấn lúc 5:30 chiều. Lúc này trời vẫn sáng lắm, Lệ Giang cùng múi giờ với Việt Nam mà lại xài giờ Bắc Kinh, nên trời sáng rất lâu, đến 7 giờ 7 rưỡi tối vẫn còn sáng rực, đi chơi rất tích. Cả lũ lại lượn lờ phố cổ, hàng ăn rất nhiều nên mỗi hàng chấm mút một chút.
Lệ Giang giống như thành phố của nghệ sĩ vậy, cảm giác như các thí sinh hay nhất của The Voice Tung Của đều tập trung về nơi đây. Mỗi góc phố, mỗi quảng trường đều vang lên tiếng nhạc tiếng trống, hai bên bờ kênh mọi người hát đối nhau. Chỉ cần đi bộ, nghe tiếng hát, ngắm cổ trấn về đêm rực rỡ sắc màu là thấy đi không muốn về.
4. Ngày 3: Lệ Giang – Shangri La (Chơi ở phố cổ Dukezong)
Buổi sáng, cả bọn nhờ chị chủ gọi xe ra bến xe để đi Shangri La (Tiếng Trung Quốc: Xianggelila – Hương Cách Lý Lạp), xe đi Shangri La rất nhiều và liên tục, từ Lệ Giang đi Shangri La mất khoảng 4 tiếng. Đáng lẽ phải đi Khe Hổ Nhảy – Hổ Khiêu Hiệp trước khi sang Shangri La, nhưng do sạt lở đất ở đường vào nên không đi được. Nghe nói Khe Hổ Nhảy rất đẹp, cũng là một điểm phải đi tại Lệ Giang.
Shangri La – được mô tả như “thung lũng bất tử” nơi người ta có thể sống với một trái tim thuần khiết, nơi mà lòng nhân từ và đạo lý khôn ngoan trị vì. Nơi đây là giao điểm của Trà Mã Cổ Đạo và Con Đường Tơ Lụa nam phương huyền thoại; cũng là trung tâm của Tam Giang Tịnh Lưu được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên Thế Giới. Vùng đất này cũng được coi là cửa ngõ của Tây Tạng, mỗi bước chân đều thấm đẫm những bí ẩn của Phật Giáo Mật Tông mà không mấy ai có thể hiểu thấu hết.
Shangri La cao hơn Lệ Giang (độ cao 3.300 mét), vì vậy cũng lạnh hơn tương đối – lạnh hơn khoảng 5 độ. Sau chuyến xe, cả bọn ăn nhẹ với món bánh nướng đặc trưng bán khắp mọi nơi và cốc trà bơ Tây Tạng nóng hổi, lấy lại sức để đi chơi tiếp cho nhanh.
Cả buổi chiều và buổi tối, cả bọn chỉ chơi tại khu thành cổ Dukezong. Cũng như Lệ Giang, các bác cũng nên đặt khách sạn bên trong Dukezong cho thuận tiện nhé. Thành cổ Dukezong dịch ra là Cổ Thành Ánh Trăng, là nơi sinh sống của người Tạng với lịch sử hơn 1.300 năm. Đáng tiếc là trong một trận hỏa hoạn năm 2014, tới hơn 60% nhà cửa tại đây đã bị thiêu rụi, tuy nhiên quá trình khôi phục vẫn đang được diễn ra.
Dukezong có rất nhiều điểm thú vị nhé:
Quảng trường trung tâm của cổ trấn là quảng trường Ánh Trăng, nơi đây cứ mỗi buổi chiều tối đều có người dân ra nhảy các điệu truyền thống trên nền nhạc của người Tây Tạng, rất vui và thú vị. Khách du lịch cũng được chào đón để nhảy cùng, vui lắm các bác ạ. Cạnh quảng trường Đại Phật Tự được xây vào thời Khang Hy, nơi đây cũng có chuyển pháp luân lớn nhất thế giới, siêu to khổng lồ mà 8 – 10 người mới quay được. Bình thường khách đến sẽ quay 3 vòng nhưng nhóm mình quay hẳn 9 vòng, quay xong ai cũng mướt mải mồ hôi. Nhờ có du khách, mà chuyển pháp luân được quay đều ngày đêm không nghỉ. Ngoài ra trong Dukezong còn rất nhiều chùa, bảo tàng, cửa hàng nghệ thuật…, để đi quanh khám phá.
Khi trời tối, vừa lạnh (8 độ), vừa mệt (sau khi đã đi 14.000 bước), cả lũ đi tìm quán LẨU BÒ YAK. Lẩu bò Yak là đặc sản ở đây, do bò Yak sống trên vùng núi cao nên thịt rất chắc và ngon. Bò Yak hầm với rau củ, thảo mộc, mềm thơm cắn ngập mồm, ngon xoắn lưỡi rất thú vị ạ.
5. Ngày 4: Shangri La (Sáng đi công viên Potatso, chiều đi tu viện Songzanlin, tối chơi tiếp ở Dukezong)
Sáng sớm hôm sau, điểm tâm với bánh và trà, tiếp tục lên đường đi công viên Potatso. Thuê xe có rất nhiều tại Dukezong, chủ khách sạn offer sẽ đưa cả lũ đi tour luôn, sau đó dẫn đến một biến cố rất lớn. Bạn lái xe của chủ nhà chưa có giấy phép dẫn tour, vì vậy trên đường bạn ấy bị bắt giữ xe và nộp phạt BA MƯƠI VẠN TỆ (tức một trăm triệu đồng). Đúng là luật pháp của Tàu rất chặt, không đùa được đâu.
Potatso (hay Podacuo) là một khu bảo tồn thiên nhiên cực kì khổng lồ và khách du lịch chỉ được tham quan một phần nhỏ. Khi mua vé, khách sẽ được đi xe bus đến các điểm bên trong Potatso, các xe chạy theo vòng tròn liên tục nên thích điểm nào thì xuống điểm đó, sau đó lại có xe khác đón các bác và đi đến điểm tiếp theo.
Tham quan hết Potatso sẽ mất 6 tiếng, trong Potatso có 3 điểm tham quan chính là Hồ Shudu, Đồng cỏ Militang và Hồ Bita. Tuy nhiên do là mùa thấp điểm, chúng mình chỉ đi được hồ Shudu, nhưng cũng đủ đẹp rồi ạ. Hồ Shudu (Thuộc Đô) là điểm đầu tiên, khi thấy mọi người trên xe xuống thì các bác cũng đi xuống theo nhé. Tại đây, các bác được đi bộ theo con đường gỗ bên hồ ngắm song nước, núi non, rừng cây rất đẹp ạ. Chặng tiếp theo xe buýt sẽ đưa các bác tới khu đồng cỏ Militang (Đồng cỏ Di Lí), và cuối cùng là Hồ Bita (Bích Tháp). Hồ Bita là đẹp nhất, hơi tiếc là chúng mình không được đi.
Chán chê ở Potatso xong, quay về tu viện Songzanlin. Được coi là “Potala thu nhỏ”, đây là ngôi đền lớn của phật giáo dòng mật tông Tây Tạng nằm trên một ngọn đồi cao được xây dựng năm 1679. Tu viện Songzanlin với mái vàng rực rỡ, các cung điện san sát nhau và đậm nét văn hóa Tây Tạng.
Sau một ngày đi bộ rạc cả chân và gãy cả cẳng, tối về lại chiến tiếp với LẨU BÒ YAK, hôm nay còn ngon hơn hôm qua vì ăn ở quán nhà dân, có 500 nghìn 1 nồi lẩu 5 đứa ăn mãi không hết, đầy ắp thịt. Rút kinh nghiệm, quán lóng lánh thì không nên vào, cứ mấy quán local nhà dân mà tương.
6. Ngày 5: Shangri La – Lệ Giang (Chơi tiếp ở Lệ Giang cổ trấn)
Buổi sáng, lại ra bến xe để về lại Lệ Giang, đến nơi thì trời cũng đã trưa, bụng cũng đã đói lắm rồi. Mò mẫm đi ăn, vào đại một quán, may mà chọn đúng quán MÌ GÀ HẦM tuyệt ngon, trong danh sách Gourmet List gì gì đó của Ctrip. Nước gà hầm ngon tuyệt, sợi mì gạo tươi to bản dai giòn, gà hầm mềm đậm đà, xứng đáng là một trong những món ngon nhất tại Lệ Giang. Ngon đến mức hôm sau phải quay lại để ăn sáng. Mì gà hầm bán rất nhiều ở Lệ Giang, chắc ở những quán khác cũng ngon.
Chiều tối hôm đó, cả bọn đi nốt những điểm trong cổ trấn còn chưa đi: Quảng Trường Ngọc Hà, Đồi Sư Tử, Bánh Xe Nước, Vạn Cổ Lầu…
Quảng Trường Ngọc Hà ở ngay cổng Bắc của cổ trấn, rất rộng đẹp và nhiều hoa. Mọi người cũng hay tập trung văn hóa văn nghệ, nhảy dân vũ ở đây. Quảng trường này nổi tiếng với giàn chuông gió treo điều ước lung linh sắc màu. Du khách có thể mua một chuông gió bằng gỗ, và ghi điều ước của bản thân mình. Cạnh quảng trường Ngọc Hà là bánh xe nước lớn thích hợp để chụp ảnh.
Vạn cổ lầu nằm trên đỉnh Đồi Sư Tư, mọi người lên đây chủ yếu để ngắm nhìn toàn cảnh Lệ Giang từ trên cao. Nhưng vào Vạn cổ lầu sẽ mất vé, kinh nghiệm của chúng mình là lên gần đến nơi rồi chọn một quán café có view đẹp mà sống ảo. Có rất nhiều quán có view ở cổng vào của Vạn Cổ Lầu.
Buổi tối, ghé vào quán pub để chill cùng bia và âm nhạc. Lệ Giang có rất nhiều quán pub âm nhạc, ở khắp mọi nơi, quán nào ca sĩ cũng hay, vào nghe nhạc rồi uống bia thì êm ái thôi rồi. Không cần cầu kỳ, cứ đi quanh quanh rồi chọn đại một quán không gian ấm cúng mà mình thích.
7. Ngày 6: Lệ Giang (Sáng đi Hắc Long Đàm, chiều đi Thúc Hà cổ trấn)
Thấm thoát đã đến ngày cuối, cố gắng đi nốt, chơi nốt. Sáng dắt díu nhau đi Hắc Long Đàm, mua vé bảo tồn phố cổ Lệ Giang là được vào cổng miễn phí. Hắc Long Đàm rất gần Lệ Giang cổ trấn, đi xe taxi tầm 5 phút là đến nơi.
Hắc Long Đàm rất rộng và đẹp, thả vào đây thì có 1.000 kiểu sống ảo mang về. Chụp ảnh chán chê thì đi tiếp Thúc Hà cổ trấn. Thúc Hà cổ trấn cũng rất đẹp, đẹp không kém gì Lệ Giang cổ trấn, tiếc là không có nhiều thời gian để đi hết.
Buổi tối cuối cùng, mua trà và bánh hoa hồng về làm quà. Đây là hai đặc sản đặc trưng của Lệ Giang. Vùng này nổi tiếng với Trà Phổ Nhĩ và các loại trà hoa thơm ngon, chính việc buôn bán trà đã đưa Lệ Giang lên bản đồ. Bánh hoa hồng thì được làm rất kỳ công từ hoa hồng, mật ong, bột mì, trứng, ăn ngọt lành, thơm phức.
8. Ngày 7: Lệ Giang – Côn Minh – Hà Nội
Bắt hai chuyến bay đi về. Không có gì để nói ở ngày này ngoài sự nuối tiếc khi đi về và sự sốc nhiệt khi về đến sân bay Nội Bài.
Theo Nguyễn Minh Thắng
Xem thêm bài viết:
Shangri La, Lệ Giang mùa đông siêu đẹp qua loạt ảnh check in cực chất
Check in Thành Cổ Lệ Giang – tiên cảnh của Trung Quốc
Hướng dẫn đường đến Lệ Giang cổ trấn – cổ trấn đẹp nhất Trung Quốc
Thành cổ Lệ Giang – điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Trung Quốc
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY
Đánh giá 2.3 / 5. Lượt: 9