Huế được biết đến là một thành phố mộng mơ, nên thơ, và cũng là một thành phố du lịch nổi tiếng ở khu vực miền Trung của nước ta, hãy cùng Du Lịch Chất khám phá vùng đất Cố Đô này nhé.
- Sông Hương:
Được hợp thành từ 2 con sông Tả Trạch và Hữu Trạch, sông Hương là một con sông thơ mộng chảy qua thành phố Huế. Như một dải lụa mềm mại dài miên man, sông Hương uốn lượn chảy qua bao cảnh đẹp xứ Kinh kỳ mộng mơ, từ khu vườn Vĩ Dạ với những thảm cỏ xanh tươi, qua ngôi chùa Thiên Mụ cổ kính văng vẳng tiếng chuông ngân nga, rồi rẽ vào sông Bạch Yến để lãng đãng phiêu du cùng mây gió. Trên hành trình ngao du ấy, sông Hương quyện theo những mùi vị và hương thơm của muôn vàn cỏ cây hoa lá và thảo mộc nhiệt đới, tạo nên mùi thơm ngát hương đặc trưng cho con sông.
2. Núi Ngự Bình:
Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của mẹ thiên nhiên trao tặng cho mảnh đất cố đô Huế từ ngàn năm trước. Và cũng đã từ lâu ngọn núi xinh đẹp này cùng sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng tự hào trong lòng mỗi người dân xứ Huế.
Núi Ngự Bình có chiều cao khiêm tốn khoảng 105m, có lẽ vì thế trước đây núi có tên là Bằng Sơn, vua Gia Long chọn Bằng Sơn làm tiền án của Kinh thành rồi mới đổi tên thành Ngự Bình. Dù tên thay đổi, cảnh vật núi Ngự Bình vẫn rợp bóng thông xanh ngát từ vài trăm năm trước. Đứng trên đỉnh núi, bạn có thể nhìn thấy sông nước, cỏ cây, cung điện, chùa chiền, lăng tẩm, đất trời bao la của cố đô Huế.
3. Đại Nội Huế:
Nằm ở bên bờ dòng sông Hương, Đại Nội Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới và còn lưu giữ nhiều dấu ấn đặc sắc của nét phong kiến triều đình nhà Nguyễn hàng trăm năm trước. Đại Nội Huế là cụm di tích bao gồm Hoàng Thành (nơi vua thiết triều và làm việc) và Tử Cấm Thành (nơi sinh hoạt của vua và hoàng tộc).
Là một công trình có quy mô đồ sộ nhất trong lịch sử Việt Nam, Di tích Đại Nội Huế có quá trình xây dựng kéo dài tới 30 năm với hàng vạn người thi công cùng hàng loạt các công việc như lấp sông, đào hào, đắp thành, dời mộ… cùng khối lượng đất đá khổng lồ lên đến hàng triệu mét khối.
Trải qua gần 2 thế kỷ và chứng kiến bao mốc sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, Cổng Ngọ Môn vẫn tồn tại theo thời gian và đã trở thành một kiệt tác kiến trúc cổ xuất sắc!
4. Cầu Trường Tiền:
Là một trong những cây cầu được xây dựng đầu tiên ở Đông Dương vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX theo kỹ thuật và vật liệu mới của phương Tây với kết cấu thép. Thủa ban đầu, tên chính thức của cây cầu thép bắc qua sông Hương là Thành Thái, rồi Clémenceau, Nguyễn Hoàng… Nhưng vì ngày trước đối diện phía tả ngạn của cầu có một xưởng đúc tiền của Triều Nguyễn, nên người dân nơi đây quen gọi là cầu Trường Tiền.
5. Cầu ngói Thanh Toàn:
Chất xưa dân dã, mộc mạc của cầu ngói Thanh Toàn được tái hiện với vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng mà yên ả tại mảnh đất Huế thơ mộng trước mắt khách du lịch gần xa. Đến đây, du khách không khỏi bàng hoàng trước cây cầu ngói giống y hệt Chùa Cầu nổi tiếng ở Hội An.
Thanh Toàn là cây cầu làm bằng gỗ bắc qua một con mương làng Thanh Thủy Chánh, thuộc xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, cách thành phố Huế khoảng 8 km về phía Đông Nam. Cầu được xem là biểu tượng của ngôi làng. Cầu ngói Thanh Toàn được nhà nước chứng nhận di tích quốc gia, vì đây là chiếc cầu loại hiếm và giá trị nghệ thuật cao ở Việt Nam.
6. Đồi Vọng Cảnh:
Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km, đồi Vọng Cảnh được xem như nơi ngắm nhìn cố đô từ trên cao đẹp nhất. Đặc biệt, nơi đây là điểm đến lý tưởng lúc bình minh và hoàng hôn, khi những tia nắng rọi qua từng tán lá, lấp lánh trên dòng sông Hương.
Thời gian thích hợp nhất để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp núi sông từ đồi Vọng Cảnh là lúc chiều tà khi hoàng hôn buông xuống, khoảng 17h mùa đông và 18h của mùa hè. Lúc này mặt trời dần khuất sau trập trùng núi non, những ánh mây ngả sang đỏ, bầu trời nhuộm một màu vàng óng ả đẹp tới mê hồn.
7. Suối Mơ:
Suối Mơ hat còn gọi là thác Mơ thuộc địa phận huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thác mơ là địa điểm lý tưởng cho du khách hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Đẵng, từ Đà Nẵng đến thách Mơ chỉ 40km và từ Trung tâm thành phố Huế chỉ 65km, các bạn có thể đi ô tô hoặc các bạn trẻ từ Đà Nẵng ra có thể phượt băng xe máy để chiêm ngưỡng vẽ đẹp thơ mộng, trong lành, hùng vĩ của đèo Hải Vân.
Thời tiết Huế dù oi bức như thế nào, khi các bạn đến đây sẽ tận hưởng một luồng thời tiết khác biệt bởi độ cao và núi rừng nơi đây mang lại. Mát vào ban trưa và có thể se se lạnh khi về chiều, không khác gì thời tiết Đà Lạt, cũng có thể ví thác Mơ là Đà Lạt giữa lòng tp Huế.
8. Đầm Lập An:
Đầm Lập An nằm gần trục quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Huế còn được gọi là đầm An Cư. Đầm tọa lạc ở đoạn đường nối giữa Huế và Đà Nẵng, lại gần biển Lăng Cô nên du khách có thể kết hợp một chuyến đi thăm đèo Hải Vân, tắm biển Lăng Cô rồi sau đó ghé đầm Lập An để được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hữu tình ở nơi này.
Dù đầm Lập An chưa được nhiều người biết tới nhưng vẻ đẹp vừa hoang sơ, vừa hùng vĩ ở đây đủ sức níu chân mọi du khách. Đầm được bao phủ bởi dãy núi Bạch Mã hùng vĩ, phía trước là vịnh Lăng Cô với màu nước xanh ngọc đẹp mắt. Nơi này rất thích hợp để ghé thăm trong chuyến đi tới xứ Huế mộng mơ.
9. Vịnh Lăng Cô:
Lăng Cô là một bãi biển khá nổi tiếng nằm cách Huế khoảng 70 km, tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Huế. Đây cũng là vịnh biển thứ 3 của Việt Nam nằm trong top 30 bãi biển đẹp nhất thế giới. Lăng Cô được nhiều du khách đánh giá đẹp nhất vào mỗi buổi bình minh.
Với phong cảnh thiên nhiên quyến rũ, trải dài trên bờ cong đẹp nhất của đất nước, Lăng Cô chứa đựng gần như tất cả những gì mà thiên nhiên có thể ban tặng: màu xanh của núi rừng nhiệt đới, những dải cát trắng mịn, ánh nắng tràn đầy và biển xanh mát mẻ, trong suốt như pha lê. 10. Hồ Truồi:
Từ Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã hướng về hồ Truồi, nơi có dòng nước xanh trong như ngọc đổ ra từ dãy Trường Sơn mơ màng bảng lảng. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã và hồ Truồi là điểm du lịch sinh thái, tâm linh, đặc biệt cho những ai muốn được yên ắng chìm đắm trong cảnh sắc thiên nhiên thiền tịnh…
Từ thành phố Huế đi về cầu Truồi ở xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc rẽ thêm 10km sẽ gặp hồ Truồi và Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Xứ Truồi “ngọt mít thơm dâu” đã đi vào lời thơ câu hát để ca ngợi vẻ đẹp hiếm có nơi này. Hồ Truồi xanh biếc, rộng lớn và bao la chạy dài tầm mắt, nép mình dưới chân núi Bạch Mã. Ngoài viếng thăm thiền viện, du khách có thể thuê thuyền dạo chơi trên hồ hay mua vé tham quan các con suối chảy vào hồ Truồi mang đầy nét hoang dã.
11. Đầm Cầu Hai:
Tuy không nổi tiếng như đầm Chuồn hay đầm Lập An, đầm Cầu Hai nép mình bên trục đường quốc lộ 1A, chạy dài từ Cầu Hai về đến chân đèo Phú Gia. Đầm Cầu Hai mênh mông như biển, hứng nước từ các con sông ở Thừa Thiên Huế nên chuyển từ ngọt sang lợ vào mùa khô.
Đầm Cầu Hai thuộc địa phận huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Để đến được đây thì bạn có thể đi theo hai đường: một là từ ngã 3 sân bay Phú Bài, đi theo đường Phú Bài – Trường Hà hướng ra biển, gặp QL 49B rẽ phải khoảng 30km là cửa Tư Hiền, đó là nơi chụp đầm Cầu Hai đẹp nhất, hoặc là đi theo QL 1A từ Huế vào Đà Nẵng, đến khu vực Ga Cầu Hai sẽ thấy ngay bên trái là đầm Cầu Hai. Đi thêm khoảng 8km nữa là lại gặp QL 49B để rẽ trái vào cửa Tư Hiền được.
Huế là điểm đến không còn mới với những người mê xê dịch, nhưng nơi đây vẫn có một sức hút đến kỳ lạ níu chân du khách về với Kinh Kỳ xưa. Hy vọng những chia sẽ của Du Lịch Chất sẽ giúp bạn trong chuyến hành trình đến với Huế mộng mơ.
Nguồn Du Lịch Chất
Xem thêm các bài viết:
Kiến trúc Pháp hơn 100 năm trong Đại Nội Huế
Ninh Bình siêu đẹp qua loạt ảnh check – in của đôi bạn xinh đẹp
Đến Điệp Sơn check – in con đường giữa biển độc lạ
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này