Ẩm thựcViệt Nam

Quán don dùng gáo dừa để múc ở cuối sông Trà Khúc

Nhớ người mẹ từng gánh don bán dạo nuôi 9 người con, vợ chồng ông Cẩm ở Quảng Ngãi giữ những chiếc gáo dừa 20 – 60 năm tuổi làm vá.

Ở cuối đường Trường Sa, gần nơi sông Trà Khúc đổ ra biển là quán don “đúng điệu” của Quảng Ngãi. Nhưng ấn tượng đầu tiên của thực khách không phải hương vị mà là những chiếc gáo dừa mà chủ quán dùng để múc don cho khách.

Bà Liên múc don cho khách bằng gáo dừa và gánh thử đôi ui đựng don của mẹ chồng để lại. Ảnh: Phạm Linh.
Bà Liên múc don cho khách bằng gáo dừa và gánh thử đôi ui đựng don của mẹ chồng để lại. Ảnh: Phạm Linh.

Bà Phạm Thị Kim Liên (64 tuổi) – chủ quán cho biết trong số những chiếc gáo treo trên tường, có cái mới làm, có cái hơn số tuổi của quán – 20 năm nhưng nay không dùng nữa vì hỏng. Độc đáo nhất là chiếc gáo dừa được đẽo thành chiếc vá dẹt hơn 60 năm trước. “Mẹ tôi đã dùng chiếc vá này để múc don cho khách suốt những ngày đi bán dạo ở thị xã Quảng Ngãi (nay là thành phố)”, ông Cao Hồng Cẩm, chồng bà Liên nói.

Sau này, khi tuổi cao, thay vì bán don ở thị xã, mẹ chồng bà Liên chuyển sang bán don ở chợ làng và dùng gáo sâu để múc don nhanh hơn. “Cha tôi đã chọn những trái dừa già nhất để làm cho bà”, ông Cẩm kể.

Tô don của quán ông Cẩm bà Liên có nhiều ruột don. Ảnh: Phạm Linh.
Tô don của quán ông Cẩm bà Liên có nhiều ruột don. Ảnh: Phạm Linh.

Theo ông Cẩm, nghề bán don của gia đình đã có từ thời ông nội. Mẹ ông nối nghiệp sau khi về làm dâu năm 16 tuổi để nuôi 9 đứa con. “Thời ấy cha tôi chiều nào cũng đi nhủi don và thức dậy tầm 3h để nấu rồi gọi mẹ dậy lúc tờ mờ sáng”, ông nhớ lại. Còn bà Liên theo mẹ chồng nấu don bán gần 10 năm trước và tiếp quản quán cách đây không lâu, khi mẹ chồng qua đời.

Thử gánh đôi ui đất (bình) xưa kia của mẹ, ông Cẩm chép miệng: “Giờ mình gánh còn thấy nặng mà hồi đó mẹ gánh sao giỏi thật”. Rồi ông lần theo trí nhớ sắp xếp đủ những dụng cụ mà mẹ từng mang theo quang gánh: hai tấm lá chuối và hai chồng bát để đậy nắp ui, một bao bánh tráng sống, một bao bánh tráng chín, một chai nước mắm và một túi ớt xiêm.

Ông Cẩm với chiếc gáo dừa tự làm cho vợ bán don. Ảnh: Phạm Linh.
Ông Cẩm với chiếc gáo dừa tự làm cho vợ bán don. Ảnh: Phạm Linh.

Từ những kinh nghiệm truyền lại, ông Cẩm tiết lộ con don có hai loại màu vàng và đen, tùy theo doi đất nó sống. Nước don ngọt vì một bộ phận rất nhỏ gọi là mật don, nhưng phải nấu đủ lượng mới ra chất ngọt. Đó là lý do bà Liên luôn nấu tô don nhiều ruột nhất. “Tô don không cần nhiều gia vị, chỉ thêm mắm và ớt xiêm là đủ”, ông Cẩm nói.

Ngày cao điểm, bà Liên có thể bán đến 100 tô don, thi thoảng chuyển nước và ruột don bán cho quán đặc sản Quảng Ngãi ở Sài Gòn. Vợ chồng bà Liên có bốn người con, trong đó một người hiện làm nghề cào don, một người thu mua don. Đến nay, nghề don đã truyền qua bốn thế hệ của gia đình.

Theo Phạm Linh/Vnexpress

Xem thêm các bài viết:
Núi rừng Quảng Ngãi bừng sáng màu hoa gạo
Ngọn hải đăng có tên lạ bên bờ biển Quảng Ngãi
‘Bãi rêu cổ tích’ hút du khách khám phá trầm tích núi lửa Quảng Ngãi

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY

Đánh giá / 5. Lượt:

Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này

Hotline đặt Combo – Phòng khách sạn – Tour du lịch – Vé máy bay giá siêu tốt: 0908 341 702
1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (No Ratings Yet)
Loading...
Close