Khi mực nước sông xuống mức 163 đến 168 m, một hòn đảo hình con rùa sẽ xuất hiện ở Trùng Khánh.
Mỗi mùa xuân, du khách và người dân địa phương lại đổ xô về sông Muodaoxi (Ma Đao Khê), Trùng Khánh, Trung Quốc để chiêm ngưỡng hòn đảo có hình dáng một con rùa nổi trên mặt nước.
Hòn đảo này chỉ xuất hiện trong vòng ba tháng, khi mực nước xuống thấp. 9 tháng còn lại trong năm, nó hoàn toàn biến mất do nước sông dâng cao. Do vậy, hòn đảo còn có những tên gọi khác như “Đảo Rùa mùa xuân” hay “Đảo Rùa xấu hổ”.
Đảo có hình rùa rõ nhất là vào giữa tháng 3 hàng năm. Khi đó, mực nước sông khoảng 163 đến 168 m. Hai tháng còn lại, dòng sông trở về mực nước bình thường 175 m hoặc xuống thấp 145 m. Du khách sẽ chỉ thấy một chấm nhỏ của đảo nổi trên mặt nước, hoặc cả phần đất đá nối liền đảo với ngọn núi bên cạnh và không nhìn thấy hình con rùa.
Hiện tượng đảo biến mất rồi xuất hiện bắt nguồn từ sông Ma Đao Khê nằm trong khu vực hồ chứa Tam Hiệp. Mực nước ở đây được kiểm soát bởi Đập Tam Hiệp, một trong những nhà máy điện lớn nhất thế giới theo công suất lắp đặt. Do vậy, vào mùa xuân, các hồ chứa ở đập sẽ xả nước xuống khu vực hạ lưu, khiến mực nước sông xuống thấp và bạn có thể nhìn thấy “con rùa” khổng lồ này.
Hòn đảo chỉ được nhìn thấy vào đầu năm, nên người Trung Quốc coi đảo Rùa như một dấu hiệu mang mùa xuân đến. “Khi muốn nhắc mùa xuân sắp tới, chúng tôi chỉ đơn giản nói rùa đang đến rồi”, Meng Liu, một người dân địa phương cho biết.
Đảo hút khách đến thăm không chỉ vì sự xuất hiện độc đáo của nó, mà còn do Rùa tượng trưng cho tuổi thọ trong văn hóa Trung Quốc. Do đó, đầu năm mới, việc tới thăm đảo Rùa được người dân tin rằng sẽ đem lại may mắn.
Nhiều du khách đã ví hòn đảo này giống công viên Hồ Xanh ở Áo, cũng xuất hiện và biến mất 6 tháng một lần. Công viên nằm dưới chân những ngọn núi tuyết. Vào mùa xuân hè, thời tiết ấm áp, tuyết trên núi tan chảy biến công viên thành một hồ rộng lớn. Khi sang mùa thu đông, khu vực này khô cạn và trở về hình dáng ban đầu. Tuy nhiên, Hồ Xanh là hiện tượng tự nhiên, còn đảo Rùa xuất hiện phụ thuộc vào bàn tay con người.
Theo Anh Minh/Vnexpress
Xem thêm các bài viết:
Núi Nga Mi ngập tuyết trắng – điểm du lịch hút khách ở Trung Quốc
Làng cổ 1.700 tuổi của dân tộc Miêu ở Trung Quốc
Cánh đồng hoa cải vàng khoe sắc mùa xuân ở Trung Quốc
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY
Đánh giá 5 / 5. Lượt: 1