Điểm đếnReviewThế GiớiTrải Nghiệm

Lịch trình 7 ngày du lịch Shangrila & Lệ Giang – Cổ trấn đẹp nhất Trung Quốc

5
(2)

Đến Lệ Giang, mới hiểu được tại sao nơi đây là cổ trấn đẹp nhất Trung Quốc! Chỉ một từ “tuyệt vời” không thể diễn tả hết vẻ đẹp say lòng của Vân Nam rồi suýt xoa “Sao mà nơi đây được thiên nhiên quá đỗi ưu ái đến vậy!” Quả thực “Thiên thời – địa lợi – nhân hòa” là tất cả những gì Lệ Giang – Shangrila ôm trọn. Với mình thì mỗi một điểm dừng chân lại mang đến 1 cảm xúc mới lạ, như là đi từ Trung sang Hàn về Nhật rồi lại tới châu Âu vậy!

Lịch trình 7 ngày du lịch Shangrila & Lệ Giang – Cổ trấn đẹp nhất Trung Quốc

TỔNG HỢP CÁC WEBSITE CẦN CHO BẠN KHI ĐI DU LỊCH

  • Đặt phòng khách sạn, nơi lưu trú AGODA
  • Đặt vé tham quan, SIM, show, tour,… VIETRAVEL

CHUẨN BỊ

Xin visa Trung Quốc

Visa Trung Quốc xin khá dễ, đừng đọc quá nhiều mà bị dọa nhé! Mình đã tự xin visa 2 lần, thủ tục khá đơn giản và nhanh chóng. Chỉ lâu lúc xếp hàng thoai! Checklist các giấy tờ cần chuẩn bị nhé:

  • Hộ chiếu gốc còn hạn ít nhất 6 tháng và còn trang trống để dán visa
  • Hộ chiếu phô tô (1 bản không cần công chứng)
  • 2 ảnh 3.3*4.8cm chụp trên nền trắng
  • CMT (bản gốc & 1 bản phô tô không cần công chứng)
  • Sổ hộ khẩu (1 bản bản phô tô không cần công chứng)
  • Giấy khai sinh (1 bản bản phô tô không cần công chứng)
  • Tờ khai xin visa (1 bản gốc). Lên trang này down về https://visana.vn
  • Lịch trình du lịch: chỉ đi đến 1 nơi (để những giấy tờ đi kèm tối giản nhất, không cần nộp lịch trình thật)
  • Vé máy bay khứ hồi (vé book thôi không cần thanh toán)
  • Booking khách sạn (nên book tất cả các đêm ở 1 KS cho đơn giản, phòng nên đặt pay at the hotel, không cần thanh toán)
  • Hợp đồng lao động: không cần nếu chọn trong tờ khai là đi du lịch và làm công việc tự do (Self-employee). Tốt nhất là chọn vậy cho đơn giản.
  • Chứng minh tài chính: sổ tiết kiệm 50-70 triệu (chỉ để tăng sức mạnh cho visa, nhưng không cần thiết) Sau khi đã hoàn thành hồ sơ, bạn đến Trung tâm dịch vụ thị thực Trung Quốc để nộp theo địa chỉ sau:

Tầng 7, tòa nhà Trường Thịnh, Tràng An Complex, số 1 đường Phùng Chí Kiên, phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Hà Nội; Trước mình làm ở 40 Hoàng Diệu, nhưng chuyển địa chỉ mới rồi nhé!

Tầng 16 Tòa nhà Trung tâm thương mại Sài Gòn (SAIGON TRADE CENTER), số 37 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh Nộp xong sẽ nhận được giấy hẹn, sau 1 tuần bạn lấy được visa nhé! Có visa mới phải thanh toán phí visa Trung Quốc là 60 usd. Đổi tiền trước (ở Hà Trung) vì họ không nhận tiền Việt đâu!

Lưu ý

Tại cửa ĐSQ cũng có nhiều chú làm dịch vụ nên nếu quên có thể đổi tiền tại đó. Tất nhiên là giá chát hơn Hà Trung rồi.

Trong ĐSQ có máy tin và máy tính nối mạng, nếu chưa book được vé, KS hay in nhầm, quên giấy tờ gì có thể bổ sung ngay tại đây. Đại tiện nhỉ.

Thời điểm đi du lịch Trung Quốc

Các bạn nên tránh hai kì đại lễ của Trung Quốc là Tết nguyên đán và Quốc khánh để tiết kiệm chi phí và thăm thú thoải mái. Theo mình Vân Nam có hai thời điểm nên đi nhất đó là:

Mùa xuân (tháng 3 đến tháng 5, đẹp nhất là tháng 4): Có nhiều hoa, thời tiết ấm áp, lên núi tuyết có tuyết.

Mùa thu (giữa tháng 10 đến tháng 11): Mùa cây đổi màu lá vàng đỏ mê hồn, trời trong và không quá lạnh.

Đặt vé máy bay đi Trung Quốc

Vé máy bay khứ hồi Hà Nội – Côn Minh (~3 tiếng): mình bay hãng China Eastern Air giá & dịch vụ ok lắm, đây là link web https://us.ceair.com/en/ Hãng này có văn phòng ở Hà Nội, 30 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Tel: 024 7307 303, Hotline 1900 636 167. Vé khứ hồi Hà Nội – Côn Minh là 5,5 triệu VND. Tiếp viên CEA rất xinh, dễ thương, giúp khách xếp đồ chu đáo và kèm 1 chai nước nên không phải mang nước theo nha. Dù mình đã chọn chuyến không transit, nhưng chiều về vẫn bị ghép vs đoàn Nam Ninh, nên phải transit 1 lần ở đây, check an ninh hơi lâu. Nếu không cũng cho hãng bay này 5 sao +++.

Vé máy bay Côn Minh – Lệ Giang (1 tiếng): 267 RMB ~ 880k VND (đặt qua Ctrip, giá này đã có 20kg kí gửi – ngang vé giường nằm đi tàu. Các bạn phải nhờ người biết Tiếng Trung đặt hộ để không nhầm sân bay nhé!

Vé xe khách Lệ Giang – Shangrila (4 tiếng): 63 RMB ~ 224k VND (mua vé tại Bus station, nhớ mang theo Hộ chiếu mới mua được) Tham khảo trước giờ tàu chạy trên trang travelchinaguide.com và giờ bus chạy trên chinabusguide.com.

Vé máy bay Shangrila – Côn Minh (1 tiếng): 650 RMB ~ 2,145k VND (đặt qua Ctrip, thay vì đi tàu 9 tiếng)

Ngôn ngữ: Tại Trung Quốc cực kỳ ít người có thể nói tiếng Anh nên nếu các bạn không biết tiếng Trung vẫn đi chơi như thường nhé, chỉ cần chuẩn bị cho mình các app dịch như Google Translate, Pleco và viết ra trước mấy câu đơn giản cho họ xem, viết rõ địa chỉ khách sạn và các điểm muốn đến bằng tiếng Trung. Có thể nhờ chủ khách sạn hoặc người dân ở đó nói chuyện điện thoại giúp để chỉ đường. Nhóm mình có 1 chị siêu tiếng Trung và mình biết tiếng Trung 1 chút nên khá tự tin tung hoành.

Sim Trung Quốc, sạc dự phòng, ổ cắm: Ở những nơi mình ghé qua thì thấy ổ không khác gì ổ cắm ở Việt Nam, có cả loại 2 chân và 3 chân nên không cần mang ổ cắm chuyển đổi đi. Sim mua từ VN của chị Thanh Nga (simdulịchquốctế) SĐT 0915.474.883/ 09 6637.6633, sim dùng được 7 ngày giá 350k có 3gb 4G và 3G dùng thoải mái, theo mình nên mua sim gọi được nữa vì nhiều lúc cần gấp. Mang sạc dự phòng thật khủng long đi nhé. Cảnh đẹp khắp nơi nên điện thoại nhanh cạn máu lắm.

Vali: vé mình đặt có 7kg xách tay và 20kg kí gửi nên mang luôn vali theo kg này luôn để không phải đeo balo hay xách túi nặng, vì sân bay nào của Trung Quốc cũng rộng nhé! Các hãng đều yêu cầu chỉ mang 1 túi xách tay hoặc kí gửi nên đóng đồ gọn 1 túi và ít hơn 1-2 kg so với số kg quy định. Hành lý xách tay theo mình thấy thì vẫn được chia nhiều túi đấy. Mình mang 1 balo nhỏ và 1 laptop vẫn qua cửa an ninh bình thường.

Quần áo: bên này khá lạnh nên mang đồ ấm áp, áo váy mùa thu, áo khoác len và 1 áo lông vũ siêu nhẹ thật ấm. Bí kíp có ảnh đẹp là chọn trang phục hợp với cảnh quan nhé! Cổ trấn hợp với đồ vintage. Các đền chùa cần mặc đồ kín đáo, váy dài qua đầu gối. Thiên nhiên hoang sơ hợp với khăn và trang phục có màu gỗ, hoa cỏ!

Phụ kiện: gối chữ U (ngồi xe nhiều nên rất hữu ích), tất (đi giày nhiều nên mang nhiều hơn), mũ len, mũ vành rộng che nắng hoặc mũ lưỡi chai, ô (nhất định phải có). Giày thể thao đi bộ, leo lúi, đi được trời mưa (nên mang 2 đôi thay đổi), dép sandal, không cần mang dép lê đi trong nhà vì KS nào cũng có.

Đồ dưỡng da: không khí rất khô và lạnh nên bạn đừng quên mang kem dưỡng da, môi, body, xịt khoáng, kem chống nắng, tẩy trang, kem ủ tóc, nước rửa tay khô.

Thuốc: 1 lọ dầu gió to, miếng dán phòng đau chân. Thuốc chống đau đầu, cảm sốt, đau bụng.

Lưu ý

Những đồ dùng như tất, kem đánh răng, giấy ăn, mì gói, sữa… đều có thể mua ở siêu thị tại Trung Quốc khá rẻ nên không cần mang từ VN.

Dùng bộ chiết mĩ phẩm, chiết sữa rửa mặt nói chung là chiết các loại mỹ phẩm luôn. Đừng tha lôi lọ to đi làm gì.

Nên mua 1 bộ các túi nhỏ đựng đồ du lịch để chia quần áo, khi xếp vào vali rất gọn, dễ tìm. Mua shoppee chỉ 50-70k 1 bộ thui, đẹp, tiện dã man.

LỊCH TRÌNH DU LỊCH TRUNG QUỐC THÁNG 9

Mình đi 90% bằng đường bay. Nếu bạn say xe và muốn tiết kiệm thời gian thì có thể chọn cách đi như mình. Mình dành 3 ngày ở Lệ Giang và 2 ngày trọn vẹn ở Shangrila, rất thảnh thơi vừa chơi vừa nghỉ.

Ngày 1: Chiều 4h bay Hà Nội – Côn Minh (Kunming) – Lệ Giang (Bay 2 chuyến nối tiếp của hãng China Eastern Air & Kunming Air, mỗi chuyến cách nhau 2-3h)

Ngày 2: Chơi ở thành cổ Lệ Giang (Đại Nghiên Cổ Trấn, Mộc Phủ, Vạn Cổ Lầu)

Ngày 3: Ngọc Long Tuyết Sơn & Lam Nguyệt Đàm (Blue Moon Valley)

Ngày 4: Sáng 9h-2h đi Thúc Hà cổ trấn – Lệ Giang. Chiều 3h-7h đi xe khách về Shangrila

Ngày 5: Tu viện Songzanlin & Cao nguyên Shangrila

Ngày 6: Cả ngày chơi ở Công viên Potaso – Shangri La. Chiều tối 10h bay về Côn Minh

Ngày 7: Sáng 8h30 bay Côn Minh – Hà Nội Nằm ở độ cao 2.400 mét so với mực nước biển khí hậu Lệ Giang quanh năm mát mẻ nhưng mưa nắng cũng rất thất thường. Thời gian mình đi có mưa vào chiều ngày 2 và sáng ngày 3, còn lại thời tiết vô cùng đẹp, nắng chan hòa và tiết trời se lạnh. Nhóm mình đều là nữ, sức khỏe khá tốt (tự hào tí) nên dù vừa bay, vừa đi ô tô, vừa đi bộ, leo núi liên tục 5 ngày mà không phụ thuộc vào bình oxy và không bỏ sót 1 địa điểm nào trong lịch trình. Xin trao tặng Huy chương vàng cho cả 3 nàng.

REVIEW ĐIỂM CHECKIN

LỆ GIANG được xây vào thời Tống – Nguyên, đến nay đã hơn 800 năm tuổi, cấu trúc đô thị cổ vẫn gần như nguyên vẹn, cộng với giá trị lịch sử và văn hóa độc đáo.

Mình ở khách sạn Garden Inn đối diện cổng vào Đại Nghiên Cổ Trấn. Khách sạn này khá sạch sẽ, có nhiều kiểu phòng nên đi nhóm đông 4-6 người hay 1-2 người đều ở được. Giá 100k-300k/đêm/ người. Chủ nhà nói được tiếng Anh. Điểm trừ là nhà trên dốc cao nên kéo vali lên xuống hơi mệt.

Điểm cộng là ngay dưới cổng khách sạn có hàng ăn rất ngon: bánh bao, sữa đậu, quẩy nóng ngon hết nấc, món ăn của ông chủ vừa miệng hơn tất cả các nhà hàng xung quanh nên 3 bữa có thể ăn luôn ở đây. Giá lại rẻ nữa. Ăn sáng 15 tệ/ người, ăn tối 30 tệ là no căng ngon lành đi ngủ. Ông chủ lại rất quý bọn mình, vừa nhìn thấy là “A, Yuenan!” (Việt Nam) niềm nở chạy ra tiếp đón!

Đại Nghiên Cổ Trấn (Đại Nghiên có nghĩa là nghiên mực lớn): Phải dành cả 1 ngày lang thang trong thành cổ luôn đó! Mỗi một góc nhỏ, một ngôi nhà hay cụm kiến trúc nơi đây, đều khiến người ta không khỏi liên tưởng hình như đây là một nơi nào đó cách hiện tại vài chục năm về trước, nơi mà những tưởng chỉ có thể được tái hiện trong phim ảnh. Những ngôi nhà cổ với sự pha trộn phong cách kiến trúc của các dân tộc Hán, Bạch, Tạng hài hòa với nét kiến trúc truyền thống của dân tộc Nạp Tây (Naxi). Phải dành lời khen đầu tiên cho sự đầu tư của Du lịch Trung Quốc dành cho Thùng rác và Cột đèn. Không hiểu sao ở đây “Thùng rác” cũng đẹp ý! Đếm không xuể các loại thùng rác và cột đèn khác nhau tại đây, cách mấy bước chân lại có 1 cái và mỗi 1 khu lại có thiết kế riêng phù hợp, đồng bộ dã man.

Ý thức của người dân sống tại đó cũng tốt nữa. Bảo vệ môi trường, cảnh quan từng cm! – Lạc vào đây nhưng nhớ đích đến là quảng trường Ngọc Hà, đường Tứ Phương và Bánh xe nước lớn – trung tâm của Đại Nghiên Cổ Trấn. Dòng sông Ngọc Hà vắt ngang Đại Nghiên cổ trấn cùng với hệ thống kênh rạch dọc các con phố là lý do thị trấn cổ này được mệnh danh là Venice phương Đông. Một vẻ đẹp thanh bình, thơ mộng và cổ điển.

Ở đây, dẫu cho kiến trúc có mang dậm sự cổ kính, thì vẫn đầy ắp sự tươi mát của thiên nhiên và hoa cỏ khắp nơi. – Rẽ vào quảng trường Ngọc Hà bên cạnh guồng nước, dựng 1 giàn gỗ phủ dày đặc những chiếng chuông gió, gọi là Chuông gió Đông Ba. Chuông có 1 tấm gỗ ghi ước nguyện, ở dưới buộc một chiếc chuông nhỏ, nối với phần nón mây bên trên bằng một sợi dây màu đỏ. 30 tệ/ chiếc nhé!

Lang thang một hồi cũng đến giờ ăn trưa rồi, nhớ qua nhà hàng đầy cây dây leo (bên trái cổng vào Mộc Phủ, xem ảnh để biết tên nhà hàng) để ăn cơm cá sốt, canh gà và nghe nhạc thưởng trà ở đây nhé! Thi vị quên sầu luôn! Bài hát mà mình thích nhất là “Ánh trăng nói hộ lòng anh” mà nhà hàng phát hẳn 1 album trong đó có bài này, giọng nam trầm du dương mê tít.

Tiếp tục hành trình từ phố Tứ Phương, đi xuống phía nam trấn là đến Mộc Phủ – phủ đệ uy nghi bậc nhất đất Lệ Giang. Nơi đây trước kia là nơi ở của nhà họ Mộc – thổ ty trị vì Lệ Giang. Cảm giác không gian hơi giống đi vào kinh thành Huế & chùa Bái Đính tất nhiên kiến trúc và màu sắc khác nhau. Giá vé vào Mộc Phủ là 40 tệ/ người. Đừng bỏ lỡ bất kì ngóc ngách nào, càng lên cao càng đẹp. Thật sự bái phục các nhà thiết kế Trung Hoa cổ đại! Trời đổ mưa khiến Mộc Phủ dưới màn mưa mơ màng, đầy quyến rũ! Nghỉ chân bên hồ nước hay vườn hoa như có cảm giác của các bậc vua chúa ngày xưa được dâng hoa thưởng trà giữa cảnh sơn thủy hữu tình vậy đó.

Đồi Sư Tử là điểm cao nhất của khu di tích này, muốn vào trong thì cần mua vé tiếp nhé!

Vạn Cổ Lầu: 4h bắt đầu leo lên đây ngắm hoàng hôn buông trên Đại Nghiên Cổ trấn. 2 bên đường rất nhiều shop quần áo vintage, phụ kiện handmade và đồ ăn vặt. Hơn thế là hàng chục quán café nhạc sống, mình chọn quán café cao nhất gần nhất với Vạn Cổ Lầu để chờ mặt trời lặn. Khá thú vị khi nhìn từng cụm nhà lên đèn và lại có tiếng nhạc du dương bên tai. Có thể nói, nét đẹp của cổ trấn này không chỉ đến từ phong cảnh nơi đây, mà còn toát ra từ chính cuộc sống bình dị của những người dân nơi đây. Bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ già người Naxi đi dạo trên phố, đánh bài ven bờ sông hay múa điệu múa truyền thống. Mọi người ở đây, mỗi người là một hình ảnh thú vị và đậm chất Trung Hoa.

Hoàng Thùy Dương

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY

Đánh giá 5 / 5. Lượt: 2

Hotline đặt Combo – Phòng khách sạn – Tour du lịch – Vé máy bay giá siêu tốt: 0908 341 702
1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
Close
Index