Sau khi ở chùa ra, mình lên đường tới con phố Yongkang nổi tiếng, để thưởng thức một seri các món ăn đã đi vào “huyền thoại” ở đây, bắt đầu là món mỳ bò thần thánh. Để tới đây bạn qua ga tàu điện MRT Dongmen Station, ra cổng số 4 đi thẳng qua ngã tư thứ nhất, đến ngã 3 tiếp theo rẽ phải là thấy rồi.
Như thường lệ thì chào đón chúng mình là một dãy người xếp hàng ngay ngắn, tuy nhiên chắc vì đi ăn sớm nên chưa đông lắm. Sau khi đợi khoảng 20 phút thì mình cũng được vào quán
Quán mì YongKang Beef Noodle mở cửa đón khách lần đầu tiên vào năm 1963. Từ một quán mì gia đình nhỏ, đến nay nó đã trở thành một trong những quán bán mì bò ngon nhất Đài Bắc, theo đánh giá của khách du lịch. Mì bò gân là món mỳ được ưa thích nhất với vị cay đặc trưng của ớt Tứ Xuyên trong nước dùng mỳ và độ mềm ngon vừa đúng độ của thịt.
Trong lúc chờ đợi mỳ thì mình có gọi thêm 1 phần nếp hấp với sườn non và khoai tây nữa. Rất vừa miệng ăn và mềm
Vì đồ ăn ở Đài Loan chả cay lắm đâu nên cứ mạnh dạn gọi Beef Noodles with Soybean sauce and Spicy nhé. Phần nhỏ thì 220 tệ, phần lớn là 250 tệ, nhưng mình khuyên bạn gọi tô nhỏ thôi. Vì tô lớn chỉ nhiều mỳ thêm chứ không nhiều thịt
Một tô mỳ cỡ nhỏ cũng khá đầy đặn, với khoảng 4-5 miếng bò gân khá to nhìn rất hấp dẫn. Cảm nhận ban đầu của mình thì nói thật là nước dùng và mỳ rất bình thường nếu không muốn nói là nhạt nhẽo. Điểm sáng duy nhất của bát mỳ chính là thịt bò mà thôi.
Thịt bò được hầm kĩ, phê nhất là mấy chú gân nhai cứ sần sật mà không cứng chút nào. Thịt bò mềm mà không bị khô xác. Khi cho lên miệng, miếng thịt bò cảm giác như tan ra phấn khích lắm. Quán lúc nào cũng đông một cách kinh dị, hai tầng nhà luôn trong tình trạng full chỗ. Được cái người Đài Loan hay kể cả khách du lịch ăn uống ở đâu cũng nhanh gọn lẹ, không con cà con kê nên tính ra cũng không phải chờ đợi quá lâu
Từ hàng mỳ bò Yongkang ra cửa rẽ tay trái, đến ngã tư trước mặt kiểu gì bạn cũng sẽ thấy một hàng người rất dài xếp hàng trước nhà hàng Việt Nam Thành Ký, để thử món pancake hành xanh nổi tiếng của Tian Jin Flaky Scallion Pancake
Tại Tian Jin Flaky Scallion Pancake bánh pancake truyền thống và nổi tiếng nhất sẽ có giá khoảng 25 tệ (khoảng 20k). Còn các loại pancake nhiều topping như thịt nguội, phô mai, hạt ngô thì có giá 40 tệ (khoảng 31k). Loại pancake thập cẩm đầy đủ các loại topping sẽ có giá 50 tệ. Mặc dù lúc nào cũng có rất đông người xếp hàng, nhưng nhân viên ở đây rất nhanh nhẹn và chuyên nghiệp. Nếu xếp hàng thứ 20 thì khoảng 15 phút sau bạn đã có thể đến lượt mua bánh rồi
Đối diện với tiệm pancake trên là quán Smoothie House cực kì nổi tiếng, được CNN bình chọn là nơi có món kem xoài đá xay ngon nhất Taipei. Lớp kem được bào mỏng mịn màng, xung quanh được phủ nhiều miếng xoài tươi, trên đỉnh là 1 viên kem vị tự chọn béo ngậy. Lúc mình tới thì có menu mới với món Bingsu thêm trân châu, ăn cũng lạ miệng. 250 tệ đã ra đi ngay vào lúc này… À nếu đi 2 người bạn chỉ nên gọi 1 phần thôi nhé, nhiều lắm để bụng mà ăn món khác nữa. Mà ta nói nếu muốn giảm cân thì đừng có đi Đài Loan, cũng đừng có ghé vào Yongkang làm gì. Phố gì mà kì quặc ghê mới đến có 1 tiếng đã phải ăn đến 3 lần rồi…
Ăn hết cả cái phố Yongkang cảm thấy có vẻ hơi khát nước, thế là quyết định đi uống trà sữa ông Trần Tam Đỉnh trứ danh, tiện thể dạo chơi ở trường Đại học quốc gia Taiwan luôn. Để di chuyển tới đây thì các bạn bắt MRT line màu xanh lá cây, đến MRT Gongguan station là được nhé.
Đại học Quốc gia Đài Loan có kiến trúc khá cũ, khuôn viên rộng và sạch sẽ. Mình thấy hầu hết các bạn sinh viên đều sử dụng xe đạp, trong sân trường lẫn kí túc xá rồi ngoài cổng trường mình nghĩ phải có đến hàng nghìn chiếc xe đạp âý
Dạo chơi trong khuôn viên trường một lúc cho tiêu hết cái đống vừa nạp ở Yongkang street thì chúng mình mới thực hiện mục đích chính, là qua ngay con ngõ đối diện cổng trường để thử hai món. Lúc sang thì lại thấy một cảnh quen thuộc với những dòng người xếp hàng dài bất tận…
Trà sữa Trần Tam Đỉnh hay còn gọi là Trà sữa ông Trần, nổi danh với món trân châu đường đen huyền thoại, nghe đồn ngày bán trên 3000 cốc là chuyện bình thường và chỉ có 1 địa chỉ duy nhất tại đây thôi.
Món ruột cuả quán là trà sữa trân châu đường đen với trân châu làm bằng đường mật rất dẻo, thơm, ngọt vừa miệng. Sữa cũng rất béo nên thực ra vị trà không còn rõ ràng lắm. Giá thì siêu rẻ 40 tệ một cốc to đùng.
Mua được trà sữa rồi thì sang hàng đối diện làm đôi chú Guabao ăn cùng nhé. Nếu đi 2 người thì nên chia ra mà xếp hàng cho đỡ phải đợi lâu vì đông vãi chưởng. Đây là hàng Lan Jia Guabao nổi nhất Đài Bắc vì từng được CNN giới thiệu nên nếu muốn thử món này cứ ra đây là ok nhất.
Guabao là tên gọi của món bánh bao kẹp thịt, với nhân bánh được làm từ thịt ba chỉ xào với tỏi, hành, đường, xì dầu và rượu gạo, sau đó hầm khoảng 2 tiếng. Ngoài thịt hầm, nhân bánh còn được cho thêm rau mùi tươi, dưa muối và rắc lạc rang giã nhỏ. Ở Lan Jia Guabao, thay vì để miếng thịt nguyên thì họ dầm nhỏ thịt ra cho dễ ăn. Giá một chú bánh là 60 tệ, khá đắt. Ăn thì cũng lạ miệng nhưng hơi ngán vì thịt mỡ lại được uớp hơi ngọt quá.
Do thuê khách sạn gần khu Ximen, nên buổi tối hôm đấy mình đi dạo ở Ximen luôn để về cho tiện. Nói thêm về khách sạn ở Đài Bắc, hầu hết đều vô cùng đắt đỏ. Một phòng nho nhỏ cho hai người đầy đủ tiện nghi ở khu trung tâm có giá khoảng 1tr-1tr5/1 đêm. Chúng mình thì đi suốt nên thuê kiểu phòng riêng nhưng dùng chung toilet, nhà tắm giá khoảng 600k/đêm. Khách sạn mình thuê là Inn Cube 3S, cách nhà ga trung tâm Đài Bắc và Ximen chỉ 5 phút đi bộ, khu sinh hoạt chung lẫn phòng tắm toilet đều cực kì sạch sẽ, nói chung quá hời với giá tiền. Đi du lịch tự túc trừ khi bạn là Rich Kid, hoặc đi cùng ông bà bố mẹ thì thôi không nói làm gì. Còn đâu mình khuyên thuê khách sạn rẻ thôi, tiền để mà ăn chơi cho sướng, chứ đi cả ngày thuê khách sạn đắt tiền có để làm gì đâu
Quay lại với Ximending. Đây lại một khu phố đi bộ cực kì sầm uất ở giữa trung tâm Đài Bắc. Tại Ximending bạn có thể tìm thấy mọi thứ mà bạn có thể nghĩ ra để mua sắm luôn. Nơi đây cũng có nhiều tổ hợp rạp phim, bar sàn này kia nên lúc nào cũng trong trạng thái đông nghịt. Đồ ăn đường phố ở đây cũng thuộc dạng phong phú gần nhất Đài Bắc luôn. Đi dạo ở Ximending thì có cảm thấy nó khá giống với khu Myeongdong ở Hàn Quốc vậy. Bạn có thể bắt gặp rất nhiều trai xinh gái đẹp ở đây, cũng như nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật được biểu diễn ngoài trời, thu hút sự quan tâm của du khách. Muốn đến Ximending thì chỉ cần tìm MRT Ximen , đi ra exit 6 sẽ thấy toà nhà HM ngay đầu đường to khủng khiếp luôn.
Một trong số những món NHẤT ĐINH phải thử ở Ximen là gà. Có hai quán gà nổi tiếng ở khu Ximen là 1973 và Hot-star, tuy nhiên mỗi quán lại có một món nổi riêng biệt nên cứ ăn thử cả hai nếu được nhé.
Gà ở 1973 được bọc bột sau đó chiên trong dầu, cuối cùng là rắc ớt bột trộn đều. Đơn giản đó thôi mà nếu nếm qua chắc chắn bạn sẽ cho mấy chú gà KFC hay Lotteria đi vào miền dĩ vãng ngay. Miếng gà mềm ẩm, lớp bột giòn mỏng, gia vị nêm nếm rất vừa miệng. Bạn nên gọi cay mà ăn nhé phê hơn nhiều mặc dù chả cay mấy.
Minh gọi một combo bao gồm gà chiên và mực chiên cay, giá đâu khoảng 240 tệ thì phải. Hàng gà 1973 này nằm đối diện với toà nhà HM luôn nên rất dễ tìm nhé.
Khu Ximending rất đông, đông nhất trong số các khu chợ mình đi ở Đài Bắc luôn nên bạn cứ xác định ăn gì làm gì cũng phải xếp hàng nhé. Sang Đài mấy hôm thì thấy chuyện xếp hàng thành chuyện thường ngày ở huyện rồi, thường thôi
Như thường lệ ăn uống no nê là phải đi đá mấy chú trà sữa. Chuyện, mình đang hít thở trên mảnh đất mệnh danh là Thiên đường trà sữa mà lại. Tối nay thì mình muốn uống thử trà sữa 50 Lan, vì nghe mọi người bảo đây là chuỗi thương hiệu trà sữa lớn nhất và uy tín nhất ở Đài Bắc. Cảm nhận đầu tiên là vị thanh mát, không quá ngọt, không bị đắng, mọi thứ vừa phải và mang lại sự tươi mát, nhẹ nhàng, đúng cảm giác của vị trà tự nhiên. Tuy nhiên, trân châu của 50 Lan khá nhỏ, nhiều người khen chứ mình thì cảm giác nhai nó không được sướng mồm lắm hi hi. Giá rổ thì rẻ thôi 50 tệ một cốc to đùng đoàng.
Có thịt bò nướng kiểu dã chiến này hầu như khu chợ đêm nào ở Đài Loan cũng có, mọi người ăn cũng đông nhưng mình thì không hứng thú lắm. Nó là kiểu thịt bò được thái thành các miếng vuông kiểu hạt lựu, xong nướng trực tiếp dưới lửa, nhìn thì hấp dẫn nhưng 100-150 tệ một phần thì thôi em xin là được quay lại mua gà rán ăn tiếp…
Sáng hôm sau, mình bắt đầu một ngày mới bằng việc tham quan Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch (Chang Kei-shek Memorial Hall). Đây là một nhân vật rất có ảnh hưởng ở cả Trung Quốc và Đài Loan và được người dân Đài Loan vô cùng tôn kính. Sau một hôm mưa gió não hết cả ruột thì hôm nay trời nắng đẹp làm tinh thần đi chơi cũng phấn chấn hơn nhiều. Xa xa góc trái là toà nhà Tapei 101 nè.
Tưởng Giới Thạch là nhà lãnh đạo quân sự và chính trị từng giữ vai trò là chủ tịch chính phủ Trung Hoa Dân quốc từ năm 1950 đến 1975. Đài tưởng niệm ông được xây dựng từ đá cẩm thạch trắng với mái ngói màu xanh trên nền màu đỏ. Ba màu này tượng trưng cho quốc kỳ dưới thời Tưởng Giới Thạch và đại diện cho các giá trị về tự do, nhân ái và bình đẳng. Ở trong cái chỗ xa xa kia có một bức tượng rất lớn của Tưởng Giới Thạch, để lên đó phải đi qua 89 bậc thang, tương đương với số tuổi khi qua đời của Tưởng Giới Thạch. Nhưng mà cũng vì lười nên em xin phép không lên ạ
Để tới được Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, bạn bắt tàu điện đi tới nhà ga MRT C.K.S Memories Hall Station. Bạn có thể đi từ trạm Taipei Main Station chọn Tamsui line (line màu đỏ) hoặc nếu đi từ trạm Ximen MRT Station thì chọn đường màu xanh (green light).
Trong khuôn viên của đài tưởng niệm còn có hai kiến trúc quan trọng khác là Nhà Hát quốc gia (National Theater) , và Trung Tâm Hòa Nhạc quốc gia (National Concert Hall). Thấy giang hồ đồn trong khu này còn có một quán trà sữa Chun Shui Tang rất ngon mà vì có kế hoạch khác nên mình không vào.
Sau khi rời khỏi quảng trường Tưởng Giới Thạch, mình bắt tàu đến toà nhà Taipei 101 với mục đích ăn Din Tai Fung ở đây. Còn mình cũng không có hứng thú bỏ 600k để lên đỉnh tháp ngắm mây ngắm trời làm gì cả. Taipei 101 đã từng là toà nhà cao nhất thế giới cho đến khi phải nhường lại danh hiệu này cho tòa nhà Burj Khalifa tại Dubai. Ở Taipei 101 hội tụ hầu hết các thương hiệu thời trang từ bình dân đến sang chảnh bậc nhất thế giới, cùng quán ăn Din Tai Fung nghe bảo đông nhất Đài Bắc, còn vi sao đông thì cũng không biết… Và đúng là nó đông thật các bạn ạ=)) Thế nên mình quyết định bỏ qua Din Tai Fung ở đây mà chọn một quán ăn khác cũng khá nổi tiếng để ăn tạm cho kịp bữa trưa là nhà hàng Hawker Chan.
Hawker Chan là nhà hàng đạt 1 sao Michelin rẻ nhất thế giới ở Singapore, sau đó thì được nhượng quyền thương hiệu ra nhiều nước khác.Món đặc sản nổi tiếng nhất của Hawker Chan là gà quay đậu nành, ngoài ra cũng có thêm thịt xá xíu các thứ. Ở thời điểm nhận được sao Michelin vào năm 2016 thì mỗi phần cơm gà ở tiệm Hawker Chan chỉ dao động khoảng 2$ Singapore mà thôi (khoảng 34k)
Ở Sing thì Hawker Chan chỉ là quán vỉa hè, còn sau khi nhượng quyền rồi thuê cửa hàng các thứ các thứ thì mình thấy cũng không còn rẻ nữa. Mình gọi thử hai combo, một mỳ thịt xá xíu và một cơm gà, thêm một đùi gà ăn ngoài hết gần 400 Đài tệ (khoảng 300k). Nói chung ăn gà ở đây cũng đặc biệt thật, khá ngon. Chắc khi nào ghé Singapore phải tìm đến quán chính gốc ăn thử xem sao.
Sau khi ăn uống no nê, ngắm nghía hàng hiệu các thứ nhưng không thèm mua gì thì quyết định rời khỏi Taipei 101. Điểm đến tiếp theo là làng Sisi Nan Cun (Sisi South Village) dịch ra là làng số 44 phía Nam. Các bạn từ Tapei 101 chỉ cần đi bộ sang đường đối diện là đến thôi. Làng này được xây dựng vào khoảng năm 1948 và là nhà cho các công nhận thuộc nhà máy quân sự số 44, sau này chuyển thành khu tham quan.
Ngôi làng này rất được khách du lịch yêu thích, bởi từ đây bạn có thể chụp ảnh lấy nguyên toà tháp Taipei 101 đằng sau. Hơn nữa kiến trúc của ngôi làng cũng rất độc đáo, mang phong cách hơi vintage một chút.
Sisi Nan Cun bây giờ còn trở thành khu phức hợp kiểu indie gồm triển lãm, quán cà phê, rồi thì chợ phiên, chợ bán đồ cũ cuối tuần… Chính vì thế nên lúc mình đến đúng ngày Chủ nhật có một cái hội chợ nho nhỏ rất là vui, nhiều đồ handmade đẹp phết.
Thay vì mất 6 loét lên Taipei 101 thì mình chọn giải pháp leo núi để ngắm nhìn thành phố lúc hoàng hôn. Gần Taipei 101 có một ngon núi tên là XiangShan (Núi con voi), bạn đi tàu điện xuống trạm Xiangshan, men theo công viên sẽ thấy lối lên. Núi này thì có bậc thang nên không khó leo lắm, nhưng để mà leo lên cũng phải 45 phút mới tới nơi đấy. Không biết có ông nào review leo nhanh lắm 15p thôi làm mình vừa leo vừa thở mãi không thấy đến. Nói chung xác định khá là mệt đấy không đùa được đâu. Leo lên đây mà muốn có con ảnh thần thánh thì bạn phải lên đến chỗ có 3 tảng đá này nhé. Đấy leo đến nơi đã mệt vãi chưởng mà còn phải đợi nhau xếp hàng rồng rắn lên mây 30 phút mới được chụp con ảnh.
Mọi người nói rằng đến Đài Loan có hai món không thể bỏ qua là Mỳ bò và Cơm thịt kho (Lu rou fan). Và sau khi “lên đỉnh” bằng chân với hành trình chinh phục Núi Voi, chúng mình quyết định tìm đến quán Jin Feng, cửa hàng đông khách và được đánh giá có món Lu rou fan ngon nổi tiếng nhất Đài Loan, xem có “lên đỉnh” bằng mồm được nữa không. Quán này thì rất dễ tìm và cũng rất là đông, vừa đông người xếp hàng vừa đông người mua về. Bạn đi MRT đến CKS Memorial Hall Station (Red/Green Line, Exit 2) rồi đi thẳng lên phía trước một đoạn phía bên tay phải là thấy nhé.
Quán ngoài món thịt kho tàu kiểu Đài Loan thì cũng có bán kèm thêm nhiều thứ khác ăn cũng hay ho như óc hầm, gà hầm… Món Lu Rou Fan đúng theo truyền thống của Đài thì phải là thịt ba chỉ được xắt nhỏ cơ, nhưng mình không quen ăn kiểu đấy nên gọi thịt nguyên miếng. Cảm nhận chung thì ăn khá giống thịt kho tàu của Hải Phòng nhưng đậm vị tương hơn. Mọi người ở đây thường ăn cơm thịt kho kèm với cải muối chua và trứng kho nên mình cũng goị thử như thế. Các phần ăn ở đây cũng rẻ, chỉ từ 50-60 tệ thôi. Quán bán đến 1h sáng nên bạn nào có lỡ đi chơi về muộn qua ăn cũng được đấy, có điều phải bắt taxi mà về thôi vì MRT chỉ hoạt động đến 12h thôi.
Ăn cơm xong thì mình ghé qua khu chợ đêm Sĩ Lâm (Shilin), một trong những chợ đêm lớn nhất Đài Bắc. Để đến đây thì bạn đi MRT line đỏ đến trạm Jiantan nhé, rồi lên mặt đất là thấy cả một biển người luôn. Chợ Sĩ Lâm khá phong phú hàng hoá, giá cả cũng rẻ hơn nhưng cảm giác đồ đạc hơi tạp nham, giống kiểu mấy chợ bên Bangkok. Thực ra mục đích chính của mình không phải đến để mua đồ, mà là đi ăn một quán sườn hầm thuốc bắc rất nổi tiếng trong chợ này thôi.
Cuốn “Cẩm nang Michelin Đài Bắc” (Taipei Michelin Guide) có giới thiệu Sườn hầm Hải Hữu (chợ Shilin) là một trong 10 món ăn đường phố tiêu biểu ở Đài Bắc. Quán có bán cả gà hầm cả sườn hầm. Lúc mình đến thấy có khoảng tầm 5 cái nồi như này đầy ắp gà, sườn luôn.
Vì ăn cơm hãy còn no, nên mình chỉ gọi thử một phần sườn hầm ăn thử thôi. Cảm giác là sườn mềm, thơm vị thuốc bắc nhưng nêm nếm gia vị vừa vặn nên rất dễ ăn. Quán còn cho thêm khá nhiều gừng sợi vào ăn xong thấy tỉnh táo hẳn, lại có sức đi ăn uống oanh tạc tiếp. Một phần ăn hết 100 tệ mà nhiều thịt lắm nhé vớt mãi không hết.
Sáng hôm sau trong lịch trình là ngày đi Cửu Phần và Thập Phần. Đáng nhẽ chuyến đi sẽ dễ dàng hơn nếu mình nhớ ra và đặt tour của Kkday, sẽ có xe đưa xe đón tận răng công trình hết có 500k. Nhưng không các bạn ạ, vì mải ăn mải uống mình quên tiệt chuyện book tour, đến tối về mới nhớ ra thì đã muộn. Không sao, người ta đi được thì mình cũng đi được. Hoá ra nhờ vậy mà mình trải qua một ngày không đến nỗi nào, đi lại vẫn ngon ơ lại thú vị hơn nhiều. Mình sẽ review một cách chi tiết cách đi lại cho bạn nào muốn tự đến hai điểm này bằng phương tiện công cộng nhé, tiện đường còn có thể ghé vào làng mèo Houtong nữa cơ (nếu đi tour Kkday không có điểm này).
Về cơ bản thì đây là lịch trình di chuyển kết hợp giữa tàu và bus để đi được 3 điểm Làng mèo Houtong, Shifen, Jiufen trong một ngày: Taipei-Ruifang-Houtong-Shifen-Ruifang-Jiufen-Taipei. Lưu ý là trước khi đi bạn nên nạp thêm tiền vào thẻ Easy Card nhé vì toàn bộ quá trình di chuyển dưới đây sẽ đều thanh toán bằng Easy Card.
1/Taipei-Ruifang: Bạn đến Taipei Main Station tìm Platform 4, Northbound (TRA) rồi lên tàu bất kì đi về hướng Ruifang. Tàu này không cần mua vé trước, bạn chỉ cần chuẩn bị sẵn thẻ Easy card thôi. Giá vé 49 tệ. Thời gian di chuyển khoảng 45 phút.
2/Đến ga Ruifang rồi, bạn đi tìm Platform 3, Pingxi Line để di chuyển tiếp đến làng mèo Houtong. Cái làng nhỏ xíu xinh xẻo lại toàn mèo là mèo này cách Ruifang có 1 bến thôi nhé.
Đến Houtong rồi bạn nhớ chụp lại cái lịch tàu chạy, vì tàu đến Shifen(cũng trên Pingxi line, sau Houtong 3 bến) hình như 1 tiếng mới có 1 chuyến thì phải, vui chơi nhớ căn lịch không lỡ tàu nhé.
Houtong trước đây nổi tiếng là một địa điểm khai thác than lớn nhất ở Đài Loan trong những năm 1970. Trong suốt những năm thịnh vượng nhất, mỏ Houtong sản xuất đến 220.000 tấn than. Điều này thu hút rất nhiều người dân di chuyển đến Houtong để làm công và dân số thị trấn bắt đầu tăng lên khoảng 900 hộ gia đình và hơn 6.000 dân sinh sống. Tuy nhiên đến đầu thế kỉ 20, việc khai thác than cạn kiệt, nhiều người trong làng bỏ đi nơi khác kiếm sống khiến ngôi làng trở nên tiêu điều và bị hoang phế nhiều năm.
Vào năm 2008, một người yêu mèo bắt đầu chiến dịch chăm sóc cho những chú mèo bị ruồng bỏ trong thị trấn. Cô đã đi tìm và tổ chức đội ngũ tình nguyện viên đăng hình những chú mèo lên mạng. Điều này đã giúp những người yêu mèo đến với ngôi làng và khiến nó trở thành một địa điểm du lịch lý thú. Ngày nay, thị trấn khai thác mỏ đổ nát trở thành ngôi nhà hạnh phúc của hơn 100 con mèo bị bỏ rơi. Mọi thứ ở ngồi làng này từ đèn đóm, toilet, cầu thang, nhà cửa… đều có bóng dáng của những chú mèo luôn.
Ghé vào làng mèo Houtong chừng 1 tiếng là chán, mình ra ga đợi tàu đi Shifen (Thập Phần). Đây là nơi cực kì nổi tiếng mà ai đến Đài Loan cũng mặc định là phải ghé qua. Ga Thập Phần cách làng mèo khoảng 2 bến nhé. Tàu đi Thập Phần đông cực kì luôn mặc dù mình đã né cuối tuần và chọn buổi sáng thứ 2 đầu tuần rồi
Ở Thập Phần thì mình thấy có hai món có vẻ ngon là Gà cuốn xôi và Mực tẩm bột chiên. Bạn cũng nhớ căn thời gian để đón tàu quay lại Ruifang nhé, lịch tàu chạy luôn được dán tại các ga tàu.
Khu phố cổ nằm ngay sát một đường ray xe lửa, trước đây được xây dựng để vận chuyển than. Hiện nay thì người dân tận dụng các khu vực ở hai bên đường ray để mở các gian hàng bán đồ lưu niệm, các loại đồ uống, thức ăn đường phố. Đặc biệt là đường ray này vẫn còn hoạt động bình thường, khoảng 1 tiếng bạn sẽ thấy có một chuyến tàu lửa chạy qua. Mình sống ở Việt Nam đứng cạnh cái tàu hoả chạy thì bình thường như cơm bữa, nhưng có vẻ bà con các nơi khác thì thích thú lắm, mỗi lần tàu đến là rối rít chụp ảnh quay clip
Tuy nhiên điều thu hút và làm nên thương hiệu cho Shifen lại chính là hoạt động thả đèn trời. Việc thả đèn trời mang ý nghĩa cầu nguyện, những điều bạn viết lên đèn sẽ được gửi tới các thần linh trên trời cao và trở thành sự thật.
Một chiếc đèn trời 1 màu thì có giá 150 tệ, 4 màu giá 200 tệ, 8 màu thì đắt hơn. Mỗi một màu sẽ tượng trưng cho một thứ như sức khoẻ, công danh, bình an…. Mình thì chỉ mua 4 màu thôi vì ngại viết nhiều
Đặc biệt là các cửa hàng bán đèn trời ở đây đều có một team chụp ảnh quay phim rất chuyên nghiệp. Khi bạn viết xong lời nguyện cầu lên đèn, họ sẽ đưa bạn ra đường tàu, châm lửa cho đèn, đồng thời giúp bạn ghi lại khoảnh khắc thả đèn luôn.
Vì đường tàu khá là đông, nên nếu bạn muốn ảnh của mình không bị vướng quá nhiều người thì nên chịu khó đi lên hẳn đoạn trên của đường ray, chỗ đó sẽ vắng hơn là đoạn gần ga tàu.
Chơi ở Thập Phần đến khoảng 3 giờ chiều thì mình lại ra ga bắt Pingxi Line (Platform 1) hướng ngược lại Ruifang. Đến Ruifang thì từ cửa chính Ruifang Station, bạn rẽ trái tầm 250m (đi qua Police Station) là thấy trạm bus đến Jiufeng. Các xe chạy đến làng gồm: 827/ 856/ 788/ 1062. Thời gian di chuyển khoảng 15 phút gì đó, trên đường xe bus đi qua mấy đèo dốc cũng đẹp lắm.
Cửu Phần (Jiufen) là một ngôi làng nho nhỏ trên ngọn núi Keelung cách Taipei khoảng 50km. Sở dĩ có cái tên Cửu Phần bắt nguồn từ việc ngôi làng cổ này trước đây chỉ có 9 hộ gia đình sinh sống, khi ra ngoài mua hàng hóa hoặc thức ăn đều phải đem đủ 9 phần về cho 9 gia đình (Thế chắc bên Thập Phần thì có 10 hộ dân sống nhỉ)
Ngay đầu ngõ Cửu Phần có một cửa hàng 7Eleven. Bến xe bus nằm ngay trước cửa 7Eleven, nên chỉ cần xuống xe, rẽ phải và đi thẳng là đặt chân lên địa phận Cửu Phần. Lúc mình đến Cửu Phần khoảng 4 rưỡi chiều thì trời mưa tầm tã, xong gió trên núi thổi mạnh bay luôn con dù mua 100 tệ ở 7/11.
Kinh Tiên Lộ và Cô Sơn là 2 con đường đông đúc và nhộn nhịp nhất Cửu Phần, hầu như các tiệm ăn, nhà hàng, bảo tàng, chùa chiền… của làng cổ đều tập trung tại đây. Con đường dài, nhỏ và hẹp, dẫn lối dần lên đỉnh núi với những nhánh nhỏ đâm bủa sang 2 bên ở khắp nơi. Nổi bật nhất và làm nên thương hiệu Cửu Phần chính là những chiếc đèn lồng đỏ treo cao giăng mắc suốt dọc lối đi. Mình đã có một suy nghĩ ngây thơ là mưa gió thế này còn đầu tuần chắc chả ai đi đến đây đâu nhỉ. Nhưng mình đã nhầm, Jiufen dù có tối mịt hay mưa dầm dề thì cũng chẳng bao giờ hết đông đúc và náo nhiệt. Thậm chí đến đây mình còn gặp được người quen ở Việt Nam cũng đi du lịch mới ảo diệu ấy.
Trời lành lạnh nên ai đi qua cái nồi trứng trà này cũng làm mấy quả. Thấy bảo thứ trà dùng để đun với trứng toàn là trà xịn kiểu Ô Long này kia, nhưng mình không hứng thú lắm nên không ăn thử.
Đông nhất Cửu Phần thì chắc chắn chính là con ngõ nhỏ đâm xuống trà quán A Mei Tea House, nơi được quảng cáo là khởi nguồn cảm xúc để Hayao Miyazaki thiết kế nên khu phố của các vị thần trong siêu phẩm hoạt hình Spirited Away. A Mei Tea House nằm dọc theo con dốc, với những hàng đèn lồng giăng ngang theo từng ô cửa sổ dài chạy ngang theo thân nhà. Khu này đông thì đừng hỏi chen vào mà chụp được kiểu ảnh cũng tắc thở luôn… Một lý do nữa mà mình khuyên các bạn nên đi Thập Phần trước vì Cửu Phần đến vào buổi tối thì nhìn mấy chú bé đèn lồng mới nổi và đẹp, đến ban ngày thì bạn còn chả nhận ra được chỗ này đâu.
Từ Jiufen về Đài Bắc đơn giản hơn việc đi từ Đài Bắc đến đây nhiều. Bạn chỉ cần bắt bus số 1062 ở chiều ngược lại rồi chạy về trạm Zhongxiao Fexing, giá vé là 100 tệ, thời gian di chuyển mất chừng 1 tiếng. Xuống bến xe thì bạn sẽ thấy trung tâm thương mại SOGO rất to ở ngay bên cạnh. Và đó là nơi mình thưởng thức bữa Din Tai Fung đầu tiên trên đất Đài Loan.
Như đã review thì mình định ăn Din Tai Fung ở Taipei 101 cho xịn, nhưng đã phải đầu hàng vì quá đông. Trong lúc từ Jiufen về mình thử search vu vơ các quán Din Tai Fung khác ở Taipei thì ai ngờ xe bus lại đưa mình về đúng chóc địa điểm luôn. Thôi chắc số trời là phải ăn rồi đành tuân theo số mệnh vậy…
Ở Đài Bắc có cả thảy 7 quán Din Tai Fung theo như mình tìm qua. Cửa hàng Din Tai gốc ở gần MRT Dongmen, còn hàng được đông đảo khách du lịch lựa chọn là ở dưới chân tháp Taipei 101 bởi nhiều review cho rằng mùi vị dimsum ở đây giống y chang những gì được làm tại quán gốc. Cửa hàng mình ăn thì nằm trong trung tâm thương mại SOGO dưới khu foodcourt.
Về đến Taipei thì cũng muộn rồi nên khi tới đây, mình không phải đợi quá lâu, chỉ khoảng…30 phút là được vào. Ấn tượng đầu tiên là nhà hàng nhìn sang chảnh, nhân viên thân thiện nhiệt tình. Áo khoác túi xách sẽ được đặt vào giỏ có khăn phủ để cạnh bàn. Ở tất cả các Din Tai Fung, bạn đều có thể quan sát thấy rõ các nhân viên trong bếp đang nặn các loại xiaolongbao qua lớp cửa kính trong suốt.
Hơn 40 năm trước thì Din Tai Fung vốn là 1 cửa hàng bán dầu ăn, nhưng ông bà chủ chả hiểu thế nào càng bán càng ế ẩm. Trong lúc bí bách, bà chủ chợt nhớ đến món xiaolongbao mình được học trước đây và bắt tay vào làm thử để bán xem sao. Trời ơi tin được không, bước ngoặt đó đã biến Din Tai Fung ngày nay trở thành một thương hiệu tầm cỡ quốc tế với hệ thống hàng trăm nhà hàng có mặt tại nhiều quốc gia như Hongkong, Singapore, Thái Lan, Mỹ, Úc…, và là 1 trong 10 nhà hàng dimsum hàng đầu thế giới do tạp chí New York times bình chọn.
Sau khi vào bàn rồi thì đồ cũng được cho lên rất nhanh thôi. Đến Din Tai Fung nhất phải gọi Xiaolongbao đầu tiên rồi. Xiaolongbao ở đây có nhiều vị như nhân thịt heo, nhân rau bằm, nhân cua, nhân tôm… Mình gọi thử nhân tôm và nhân thịt heo để ăn thì thấy quả là như lời đồn, lớp vỏ bánh nhìn mỏng manh yếu ớt nhưng lại dai vô cùng, dùng đũa chọc mạnh mới rách. Nước thịt bên trong đậm đà, nêm nếm vừa vặn lại rất nóng sốt nên bạn cẩn thận không bỏng nhé.
Ở Din Tai Fung họ có hướng dẫn cách ăn Xiaolongbao sao cho sang mồm. Bạn làm theo cũng được mà không thì cứ ăn thùng uống vại cũng không kém ngon đi đâu.
Bước 1: Rót xì dầu và dấm vào đĩa gừng thái chỉ. Tỉ lệ pha chế được khuyên dùng là 1 phần xì dầu với 3 phần dấm.
Bước 2: Chấm Xiaolongbao vào hỗn hợp trên.
Bước 3: Đặt Xiao Long Bao vào thìa, dùng đũa trổ chọc 1 lỗ nhỏ trên vỏ bánh để húp trước phần nước dùng bên trong.
Bước 4: Ăn cùng gừng thái chỉ.
Món thứ hai ăn cũng bình thường nhưng ngon mắt là Shao Mai (xíu mại). Mấy chú tôm kia nhìn trông đẹp nhưng ăn thì không được phê lắm vì hơi còi
House Special Spicy shrim and pork Wonton (Hoành thánh sa tế nhân thịt heo và tôm ) nghe bảo là món độc quyền trong menu Din Tai Fung Đài Loan, nên mình cũng gọi thử xem. Nghe tên có vẻ cay mà ăn thì mới biết là chả cay chút nào, lại còn hơi nhàn nhạt ấy. Được cái nước sốt rất ngon, mọi người nên gọi món này nhé.
Đây là cái món phí tiền nhất trong số mấy món mình được nhân viên Din Tai Fung giới thiệu. Nó là thịt gà hấp thôi nhưng mình ăn cứ có vị hơi đắng nói chung là chẳng hợp chút nào. Món này mình khuyên không nên gọi vì cũng khá đắt, hình như gần 300 tệ.
Ngoài ra thì mình có gọi thêm cơm rang hải sản và dưa chuột muối, cũng là hai món best-sellers của cửa hàng, may sao ăn cũng khá ngon miệng.
Nhìn chung menu của Din Tai Fung cũng không có quá nhiều món, hầu hết các món mà mọi người hay giới thiệu thì mình đều thử qua. Mình vốn là con nghiện dimsum chính hiệu nên rất là háo hức với Din Tai Fung. Nói chung có người khen người chê, quan điểm cá nhân của mình thì có món ngon, có món không hợp miệng lắm. Tổng chi phí cho cả bữa này cũng đắt nhất trong các bữa ăn từ hôm sang đến giờ và đến tận lúc về luôn, hẳn 1500 tệ. Tính ra cũng không phải là quá đắt khi bạn ngồi trong một nhà hàng lịch sự sang trọng, nhân viên phục vụ nhiệt tình chu đáo đâu nhờ.
Đi du lịch nhiều khi đừng nên quá tin vào review. Tự mình lần mò, tự mình trải nghiệm cũng rất thú vị. Mấy ngày ở Đài Loan mình ăn theo review cũng nhiều, nhưng hầu như ngày nào cũng “đánh liều” táp vô bất kỳ một quán nào đó ngang đường miễn thấy ưng mắt. Có quán ngon, cũng có quán dở đến không nuốt nổi, nhưng nhìn chung là đều hay ho cả. Ví dụ như cái quán mỳ ở Đài Bắc này, sáng hôm đó mình đi bộ từ khách sạn ra ngân hàng đổi tiền trông thấy tạt vào ăn thử, ai ngờ lại ngon kinh dị, ngon hơn cả mấy chỗ được review lên review xuống. Mỳ ngon, sườn ngon, chân giò ngon, đến cái dưa chuột ăn kèm cũng ngon mà lại còn rẻ ạ. Toàn có mấy 90 với 100 tệ một phần đầy thịt. Nói chung mình nhớ tất cả mọi thứ về quán trừ địa chỉ. Nên đừng bạn nào hỏi mình nhé hên xui thôi.
Chân giò con nào con nấy béo xong mềm xong thơm mùi tương ôi phê…
Đổi tiền xong có tiền rồi thì phải đi tìm chỗ mà ăn chơi. Ở Đài Loan bên cạnh Ximending thì còn có một khu Zhongxiao Dunhua cũng là nơi tập trung nhiều hàng quán cũng thú vị. Khu này dịch ra tiếng Việt nôm na là Trung Hiếu Đôn Hoa, mà mình toàn đọc nhầm thành Trung Hoà Nhân Chính. Nếu ví Ximending là Myeongdong của Hàn thì Zhongxiao Dunhua giống kiểu Insadong hay Hongdae, là nơi tập trung nhiều cửa hàng chất chất của các bạn trẻ Đài Loan mở. Có nhiều shop quần áo, cafe với lối decor siêu đẹp. Bạn nào thích ngồi cafe đẹp hay thích chụp ootd thì nhất định phải ghé qua đây nhé.
Zhongxiao Dunhua nằm gần trung tâm Đài Bắc nên việc di chuyển nhanh thôi, từ Main Taipei Station bắt MRT tới Zhongxiao Dunhua Station, exit 4 hoặc 2, sau đó thì cứ lang thang khắp các con phố con ngõ thôi. Còn thích shopping các thương hiệu nổi tiếng thì ra mặt đường nhé, các hãng bình dân hội tụ đầy đủ luôn từ Zara, H&M, Gu, Uniqlo, F21 đến mấy hiệu của Hàn như Mixxo hay H-connect…
Nếu để bình chọn khu vực nào yêu thích nhất ở Đài Bắc, em xin dành 1 vote cho Trung Hoà Nhân Chính, nhầm Trung Hiếu Đôn Hoa
Hoàng hôn ở Đạm Thuỷ
Chiều hoàng hôn buông đang dần fine…
Bến cảng Đạm Thuỷ, chỗ này chill phết
Đạm Thuỷ có một dọc phố sát biển đầy ắp hàng quán ăn uống nhé
Vài chỗ còn có biểu diễn hát live rất tình
Đặc sản ở Đạm Thuỷ là các món từ mực và hải sản
Quán này ăn ngon nhé các bạn
Ngày cuối cùng ở Đài Loan, mình quyết định dành thời gian đi một chuyến đến Đạm Thuỷ mà bỏ qua nhiều chỗ khác, với mục đích qua thăm ngôi trường Tam-kang High School. Đây là nơi Châu Kiệt Luân từng theo học hồi cấp 3, và cũng là bối cảnh chính cho bộ phim “Secret” mà anh vừa làm đạo diễn vừa đóng vai chính mình rất thích. Phải đổi mấy lần line tàu, thêm 1 chuyến taxi đắt kinh dị mới đến được cổng trường…
Vậy mà đến nơi, chú bảo vệ lại không cho vào. Hỏi ra mới biết bấy lâu nay nhiều fan kéo đến quá, ảnh hưởng đến các em học sinh, nên ban giám hiệu mới ra lệnh không cho phép khách du lịch vào trường nữa mới buồn làm sao…
Tuy vậy thì cũng vớt vát được chút xíu là đi bộ xuống dưới, tìm vào quán ăn mà các fan đồn nhau trước đây nghe bảo Châu Tổng hay ăn. Cô chủ quán đã già, nghe bập bõm Jay Chou là hớn hở lôi ảnh chụp chung ra khoe, rồi chỉ ngay vào phần ăn có tên Jay Chou đàng hoàng, gồm một bát súp hoành thánh cùng một chiếc đùi gà rán hết 177 tệ, ăn cũng tạm được…
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI ĐI ĐÀI LOAN
1. Visa
Tất nhiên rồi, điều kiện đầu tiên để đặt chân đến một đất nước ngoài Đông Nam Á đó là visa. Kể từ tháng 9/2016, Đài Loan thực hiện chính sách miễn visa có điều kiện cho công dân Việt Nam, nhờ đó mà những người có hộ khẩu ở các thành phố thuộc danh sách đen như mình (mình ở Hải Phòng) mới có cơ hội du lịch Đài Loan. Theo đó, nếu bạn đang có thẻ cư trú, visa của các nước: Mỹ, Canada, Anh, Nhật, Uc, New Zealand, Hàn Quốc, khối Shengen (hoặc nếu có nhưng hết hạn thì phải không quá 10 năm) sẽ được miễn thị thực nhập cảnh vào Đài Loan và được lưu trú trong 14 ngày (trước là 30 ngày nhưng giờ rút xuống rồi). Nếu bạn không đạt điều kiện trên, sẽ phải xin visa như bình thường và mất 50$. Mình thì có visa Hàn nên xin được visa Đài trong có mấy nốt nhạc thôi. Cách điền thông tin xin visa mời tham khảo Google rất chi tiết luôn.
2. Tiền tệ
Mình thấy nhiều bạn vẫn bị nhầm Đài Tệ của Đài Loan với Nhân Dân Tệ của Trung Quốc. Đài Tệ của Đài Loan có mệnh giá thấp hơn nhiều, đại loại 77.500k VNĐ=100 Đài Tệ, đắt hơn Bath Thái có xíu thôi. Bạn có thể đổi từ tiền Việt sang hoặc mang USD sang Đài đổi cũng được. Ra Quốc Trinh ở Hà Trung đổi là giá oke nhất.
3. Internet
Đài Loan thì internet công cộng cũng nhiều, nhưng để cho chắc chắn và có cái mà tra đường đi lối lại, bạn nên thuê cục phát wifi hoặc mua sim. Mình thấy mua sim 4g ở Đài khá đắt, gói 7 ngày khoảng gần 400k. Nhưng nếu bạn thuê cục phát wifi qua Klook hoặc Kkday thì chưa đến 40k/ngày. Mình đi 7 ngày mất có 280k tiền thuê cục phát mà 2 người dùng vô tư, mỗi người hết có 140k he he. Lưu ý là khi chọn thuê cục wifi bạn chọn nhận ở Terminal 1 sân bay Đào Viên nhé nếu bay Vietjet.
4. Thẻ Easy Card
Đây là thứ không thể thiếu khi bạn đặt chân lên Đài Loan. Thẻ Easy Card có thể thanh toán hầu hết các phương tiện di chuyển đi lại (Trừ tàu THSR), tàu TRA thì bạn có thể dùng Easy Card với loại Local Train còn lại vẫn phải mua vé như thường, mua hàng ở 7/11, mua mỹ phẩm quần áo… Dùng Easy Card một chặng tàu MRT bạn chỉ mất 16 tệ, trong khi không có thẻ là 20 tệ. Ở Đài Trung, nếu đi chặng bus dưới 10 km bạn được miễn phí. Cuối cùng là một tính năng thần thánh nhất của EC đó là cho bạn nợ tiền, ví dụ bạn đi tàu hết 16 tệ mà thẻ bạn còn có 2,3 tệ thì không sao, bạn vẫn đi được rồi nạp bù sau. Thẻ Easy Card bạn cứ mạnh dạn nạp khoảng 500 tệ vào, tiêu không hết đến lúc ra sân bay về nước có thể lấy lại được tiền nhé không mất đâu mà lo (100 tệ phí mua thẻ thì không được hoàn nhé).
5. Thời tiết
Đài Loan khí hậu khá giống miền Bắc Việt Nam, tầm này bên đó vẫn khá nóng, nhiệt độ khoảng 25-28 độ ban ngày, ban đêm thì tầm 22 độ. Mình mang theo chú áo dạ đúng là chỉ để nặng vali, buồn. Bạn nào đi tầm tháng 11 chỉ cần mang áo len cardigan hoặc áo khoác mỏng thôi được rồi. À Đài Bắc còn mưa rất nhiều luôn, đi ra ngoài nhớ check kĩ thời tiết mà mang theo ô chứ không biết đường nào mà lần đâu.
Theo Hiệp Lê
Xem thêm bài viết