Điểm đếnReviewThế GiớiVăn Hoá

Kinh nghiệm du lịch Myanmar chi tiết, lịch trình siêu chuẩn

5
(1)

Nếu đã từng đi Thánh địa Mỹ Sơn, cảm thấy tiếc hùi hụi vì những công trình kiến trúc bị phá hủy vì chiến tranh thì đến Myanmar mình đã được thỏa mãn toàn phần về mọi thứ nơi đây. Nhiều người nói Myanmar chẳng có gì ngoài chùa với chùa, trước khi đi mình cũng nghĩ vậy nhưng phải đến rồi mới thấy hoàn toàn không phải thế. Bình yên và đẹp đến nín thở, nếu có cơ hội vẫn muốn 1 lần nữa quay trở lại nơi này. Chỉ tiếc không đi đúng mùa mưa, không có khinh khí cầu ở Bagan nhưng không vì thế mà mất đi vẻ đẹp riêng.

Kinh nghiệm du lịch Myanmar chi tiết, lịch trình siêu chuẩn

Lịch trình và kinh nghiệm du lịch Myanmar: Mình chọn đi Bagan trước vì ở Bagan nhiều cái thăm thú hơn Yangon và nếu lựa chọn đi bus đêm như mình và nhiều backpackers khác thì mọi người sẽ tiết kiệm được thời gian di chuyển và chi phí ở (1 đêm 8-9 tiếng lận).

Ngày 1: Đáp chuyến bay lúc 18h đến Yangon và di chuyển ra bến xe, đi bus đêm về Bagan. Xe khởi hành 21h

Ngày 2: 7h đến Bagan check-in khách sạn, đi ăn sáng và trưa quanh khách sạn, nghỉ ngơi tới chiều thuê E-bike ngắm cảnh trên đường tới bến thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Irrawaddy

Ngày 3: Sáng sớm dậy đi ngắm bình minh rồi mới về khách sạn ăn sáng, xui là hôm đó trời nhiều mây nên Bagan ít nhiều bớt mỹ miều 8h thuê xe ngựa kèm tour giude riêng tham quan đền chùa và các nơi cả ngày

Ngày 4: Thuê E-bike và đi khám phá nốt những phần còn lại của Bagan. Ở đây rất rộng và đẹp, đi mãi không thấy chán ấy. Tối check-out khách sạn, đi bus đêm về Yangon cũng chuyến 21h nhưng xe đón tận chân khách sạn luôn không phải ra bến như ở Yangon

Ngày 5: Sáng tới Yangon vì chưa đến giờ check in nên mình gửi đồ ở sảnh và đi lang thang xung quanh đó (khu đấy như phố cổ ở HN ý, trung tâm nên nhiều hàng quán và quan sát được cả cuộc sống sinh hoạt của người dân). Chiều đi thăm biểu tượng du lịch của Myanmar – chùa vàng Shwedagon. Tối thưởng thức ẩm thực ở 19th Street và China Town

Ngày 6: Dành cả buổi sáng để mua sắm ở chợ Bogyoke – chợ đá quý lớn nhất ở Yangon. Chiều 2h check-out khách sạn.

Chuẩn bị:

Vé máy bay: Vì đặt được vé giá rẻ nên chuyến đi này được khởi hành. 3tr khứ hồi Hà Nội – Yangon nhé. Còn nếu không săn được giá rẻ thì bình thường cũng phải 2tr-2tr5/chiều đó.
Thủ tục & giấy tờ:

Myanmar cũng như các nước Asian khác, công dân Việt chỉ cần hộ chiếu là đủ, không phải xin Visa

Để chuẩn bị cho việc nhập cảnh được nhanh chóng, trên máy bay tiếp viên sẽ phát 2 loại giấy tờ là Declaration Form và Arrival Card để hành khách điền nên nhớ mang theo cây bút lên máy bay.

Trang phục: Nên mang quần áo, váy dài vì toàn đi đền chùa đặc biệt quần, váy dài qua đầu gối và áo không được hở vai nha. Nếu ai muốn mặc váy hoặc quần ngắn thì nên mang theo mảnh vải chống nắng hay dùng ở nhà mang đi cho tiện che chắn. Không nên đi giày cao gót vì đi bộ nhiều và đi vào đền chùa phải bỏ giày dép ở ngoài tháo ra tháo vào bất tiện. Ngoài ra nên mang 1 áo khoác gió hoặc 1 áo mỏng phòng buổi sáng lạnh và mặc trên bus.
Thuốc: Đặc biệt nên mang thuốc đau bụng đi nhỡ không hợp đồ ăn vì ở đây người ta ăn đồ cay nhiều món xào rất nhiều mỡ huhu. Nhớ chuẩn bị thuốc chống say với ai bị say xe vì đường đi giữa 2 tỉnh tận 600km mà lại siêu xấu.

Tiền tệ và tỷ giá: Tiền Myanmar là Kyat, gọi là Chạt, ký hiệu MMK

Nên đổi cả tiền USD và Kyats nhé, USD để trả những khoản lớn như tàu xe, khách sạn, vé tham quan cho khách quốc tế, và không mất thêm khoản phí chuyển từ USD qua Kyat nữa. Còn Kyat để trả những khoản nhỏ hơn (nhớ đổi Kyat tiền lẻ trả những khoản linh tinh)
Điểm đổi tiền: Nên lên chi phí dôi dôi ra, đổi trước USD ở Việt Nam, sang đến sân bay Uangon ở Yangon sẽ có 4-5 quầy tỷ giá khác nhau nhưng mình thấy Kbz Bank tỷ giá tốt nhất, đổi max được 2000 USD/người. Nếu tiêu hết có thể hỏi lễ tân khách sạn cây ATM hoặc nếu khách sạn có luôn thì tiện quá

1 lưu ý cực quan trọng khi đổi tiền là USD đổi sang Kyat phải là những tờ rất mới, phẳng, không bị nhàu nát, không có nét gập đôi, không được có chữ ký. Không là người ta không đổi cho đâu, sau đó bạn sẽ nhận được 1 tập Kyat nhàu nát.

Liên lạc:

Một điều tuyệt vời là Viettel roamming mạng Mytel thế giới phẳng giá cước gần như Việt Nam luôn. Mọi người ai đang dùng sim Viettel thì đăng ký roamming quốc tế, ai chưa có thì chuẩn bị 1 sim sang đó dùng. Mạng khác chi phí rất cao

Cách roamming: CVQT gửi 138. Sang đến nơi nhớ bật ‘chuyển vùng dữ liệu’ trên điện thoại để dùng được 3g nhé

Ngoài ra nên tải các ứng dụng để tiện trong việc liên lạc và di chuyển: Grab,Gg Translate, Map.me (cực nên dùng vì chính xác hơn Gg Map rất nhiều và còn có các điểm mà các khách du lịch khác recommended)

Di chuyển:

Từ sân bay ra bến Aung Mingalar: 8200kyats/xe 7 chỗ, 4 chỗ khoảng 5000kyats/xe. Mất khoảng 30’ với đường không đông tắc. Nhớ đưa cho tài xế taxi xem bạn sẽ đi nhà xe nào trước, họ sẽ đưa ra điểm chờ của nhà xe đó vì bến rất rộng và mỗi nhà xe lại có các cửa vào khác nhau

Xe bus đêm Yangon – Bagan: Nếu Việt Nam có xe giường nằm độc đáo thì ở đây Bus đêm được liệt vào 1 trong những “đặc sản” ở đây, 1 hàng chỉ có 3 ghế to như ghế hạng Business vậy. Nói về chất lượng thì như máy bay dưới đất, có tiếp viên xinh đẹp nói được tiếng Anh, màn hình nhỏ có nhạc và phim cho khách chọn, mỗi người được 1 phần bánh ngọt nhỏ và 1 ly café nóng, 1 bộ bàn chải đánh răng và khăn mặt (quý khách sẽ được dựng dậy đi đánh răng ở 1 trạm dừng chân của nhà xe trên đường lúc 12h – lúc đang say giấc nhất), đánh răng xong lại có cô tiếp viên xinh đẹp đứng xịt nước rửa tay khô trước khi lên xe. Và 1 điều nữa, trên bus auto bật điều hòa 18 độ, mặc dù có chăn bông khá dày (hơn VNA) nhưng các bạn phải mang 1 đôi tất, 1 chiếc khẩu trang, và 1 chiếc áo khoác khi lên xe, nếu không muốn bị chết cóng.

Có rất nhiều nhà xe cho các bạn tham khảo nhưng JJ Express thì chất lượng tốt nhất, được review cao nhất, và giá cũng cao nhất luôn. Mình có tham khảo 1 số group nên chọn được nhà xe Famous Traveller Express chất lượng tốt, vì nhà mình đi đông nên phải đặt trước đề phòng hết chỗ còn nếu các bạn đi 4 người đổ xuống thì không phải đặt trước đâu ra thẳng bến xe rồi mua vé cũng được, mà mùa cao điểm này cũng nên đặt trước phòng trường hợp không đi được nhà xe ưng ý còn chiều về thì khách sạn nào cũng rất sẵn dịch vụ này, có thể mua vé xe, xe ngựa, e-bike ở khách sạn luôn nhưng chi phí sẽ nhỉnh hơn 1 chút.

Di chuyển ở Bagan:
Taxi về New Bagan 8500kyats/xe
E-bike 6000kyats/ngày
20000kyats/thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Irrawaddy/1 tiếng
Xe ngựa kèm tour guide nói tiếng Anh xịn 28000kyats/ngày, 1 xe 2-3 khách. Người ta sẽ dẫn mình đi các điểm, khắp nơi, có thể dừng chân bất cứ chỗ nào mình muốn, và có thể nhờ người ta đưa đến 1 temple nào đó mà không bị cấm leo lên để ngắm hoàng hôn. Mọi người có thể search Horse Cart 114 trên Trip Advisor.

Di chuyển ở Yangon:
Thông thường, bus họ sẽ đưa mình về bến xe chung chứ ko thả mình ở khách sạn, nhưng nhớ hỏi họ có về trung tâm thành phố không, nếu ok thì tốt vì mình đỡ mất công gọi grab về khách sạn, và đỡ mất 1 khoản kha khá. Vì các điểm tham quan ở Yangon hầu hết gần nhau nên có thể đi bộ hoặc book grab chỉ mất 1500-2000kyats/chuyến giữa mỗi điểm. Có nhiều người chọn cách thuê tài xế kiêm tour guide riêng cả ngày thì thuận tiện hơn nhưng chi phí cũng sẽ đắt đỏ hơn

Lưu trú:

Lưu trú ở Bagan: ở Bagan chia ra 3 khu chính

Old Bagan: nằm trong khu đền đài tham quan chính, trong này thì toàn resort thôi siêu đẹp và cũng siêu mắc giá tầm 1x.000.000 VND mỗi đêm.

New Bagan: các khách sạn, homestay, hostel mới, sạch sẽ và các hàng quán chủ yếu tập trung khu này. Khách sạn mình ở: Crown Prince hotel ~40USD/đêm kèm ăn sáng buffet. Hầu hết các khách sạn ở đây đều cho khách check-in sớm nếu có phòng sẵn vì hiểu được khách hay đi bus đêm và đến lúc sáng sớm.

Nyaung U: khu này tập trung những khách sạn giá rẻ nhưng chất lượng không được bằng khu New Bagan nhưng có lợi thế là gần bến xe hơn.

Lưu trú ở Yangon: nên ở khu trung tâm để tiện cho việc di chuyển giữa các điểm tham quan. Có một điều là khách sạn ở Myanmar so với Việt Nam chất lượng thì không bằng nhưng giá lại cao hơn nhiều. Khách sạn mình ở: Hotel Bond ~50USD/đêm kèm ăn sáng buffet. Khách sạn này như kiểu 1 khách sạn nhỏ ở phố cổ mình.

Ăn uống

Nói chung ăn uống ở Myanmar không đặc sắc đồ cay và rất nhiều mỡ, và không ngon lắm chắc tại đồ ăn Việt ngon quá nên sang đây cảm thấy hơi thất vọng. Chỉ có 1 số món linh tinh mình thấy ngon: kẹo me ở Bagan (hỏi tamarind flake ý nhé), lassi, salad trà lá (tea leaf salad), và trà, nhất định phải uống trà sữa ở đây! Còn về ăn ở đâu thì cứ lên Trip Advisor hàng nào nhiều review cao thì vào haha giá cũng rẻ.

Các điểm tham quan

Bagan: Nằm trên bờ sông Irrawaddy cách Yangon 600km về hướng Bắc, nổi tiếng là xứ sở của đền chùa, ở đây tập trung lớn nhất và dày đặc nhất các ngôi chùa Phật giáo, bảo tháp và tàn tích trên thế giới. Đặc biệt ở chỗ không cái nào có kiến trúc giống cái nào, qua quan sát thì mình thấy đúng thiệt. Mỗi tỉnh ở Myanmar khi vào phải đóng 1 khoản phí tham quan và bảo tồn di tích 25000kyats/người/3 ngày, ngta sẽ thu trên đường vào, ngoài ra trong khu tham quan thỉnh thoảng có vài điểm check point nên lúc nào cũng phải giữ vé theo người nhé. Vì năm 2017 ở đây có 1 trận động đất lớn phá hủy 1 số đền chùa nên giờ chính quyền ngta ko cho du khách trèo lên để ngắm hoàng hôn và bình minh như trước nữa, đáng tiếc thật, nhưng các bạn có thể search trên mạng hoặc dùng app Map.me để tìm định vị 1 số secret temple mà du khách đã từng lên, các temple này thì không có tên và thường ở nơi hơi khó đi và xa đường lớn 1 chút.

Dưới này là 1 số điểm mình đã đi:

Sông Irrawaddy lúc chiều tà rất đẹp và yên bình, bên cạnh là chùa Bubaya
Ananda – Ngôi đền rộng và đẹp nhất
Thatbynnnyu
Dhammayangyi – Ngôi đền kì bí nhất. Trong tất cả các đền thì mình thấy hứng thú với nơi này nhất, khác với kiến trúc chóp nhọn stupa của các đền chùa khác thì đền này được xây dựng dạng kim tự tháp nhưng tháp tù. May mắn cho mình đi vào đền có cậu bé tầm cấp 2 đang nghỉ hè làm hướng dẫn viên cho mình. Người ta kể là người dân Myanmar vẫn truyền tai nhau, vua Narathu người cho xây dựng nên ngôi đền này rất hà khắc, ông sẵn sàng chặt tay bất cứ nhân công nào nếu công việc xây dựng đền không hoàn hảo, các viên gạch phải được đặt khít vào nhau đến mức một cây kim không thể xiên qua mà đúng là nó khít thật, không hiểu được kết dính bằng gì mà không lộ như xi măng bh ngta xây nhà đâu.

1 vài đền chùa khác, đi 1 số đền chùa lớn là đã đủ thấy kiến trúc kỳ vĩ như thế nào rồi, nhưng thích nhất vẫn là ngồi lên E-bike vi vu khắp nẻo Bagan tận hưởng không khí trong lành không có nhiều xe cộ và nhà cao tầng.

Nếu đi vào mùa khô (khoảng tháng 11 – tháng 3) thì mọi người sẽ được chứng kiến cảnh khinh khí cầu bay khi bình minh lên, phải nói là tuyệt đỉnh! Hoặc có thể book để bay nhưng giá cũng mắc ~$400/người. Mắc thế mà cũng phải book sớm mới còn slot ấy.

Yangon: Thủ đô cũ của Myammar cũng là trung tâm thương mại của cả nước. Nói chung ở Yangon thì không có gì tận hưởng được như Bagan nhưng nếu tinh ý sẽ để ý được mấy điều thú vị.

Chùa vàng Shwedagon: đã đến Miến thì không thể không đi chùa này. Chùa vàng có 4 cổng nên các bạn nhớ dặn taxi cho đến cổng mà có thang máy ấy, nếu không sẽ phải leo bộ hụt hơi như mình vì chùa nằm trên 1 quả đồi giữa thành phố mà. Phí vào cửa cho khách nước ngoài là 10000kyats/người. Vào đây sẽ được phát 1 tấm bản đồ chỉ dẫn, hay 1 cái không chỉ là bản đồ mà người ta còn thiết kế riêng ra từng khu tách biệt ABCD,… xong có lời giải thích riêng cho từng khu đấy kèm hình minh họa. Cái này là điều mà mình thấy Việt Nam là đất nước du lịch mà làm chưa được tỉ mỉ và khoa học như người ta.

Khi đến chùa này, một thứ mà bạn nên trải nghiệm: xung quanh chùa có các tượng Phật tương ứng với các ngày trong tuần (Monday, Tuesday,..) Ví dụ, mình sinh ngày 14/09/1996 năm nay 22 tuổi thì mở lại lịch sinh ngày thứ 7, thì tìm đúng chỗ tượng phật tương ứng (Saturday) ngồi lễ và đổ 22 cốc nước lên tượng phật để cầu may mắn và bình an. Mình thấy cái này hay ho nhất)

Quảng trường Mahabandoola: vì Myanmar là thuộc địa của Anh nên kiến trúc quảng trường cũng được xây dựng như vậy, nhìn giống tòa thị chính ở London thu nhỏ.

Chùa Sule

Chợ Bogyoke – Scott Market: Myanmar nổi tiếng với đá quý, nhiều, giá mềm hơn ở VN nhiều. Ai đến Yangon rồi nhớ vào chợ này mua quà cho người thân, chợ này rộng như kiểu chợ đồng xuân ấy

Phố ẩm thực 19th Street và China town: giống Tạ Hiện nhưng không ngon bằng đâu huhu

Một số tips và những điều hay ho mình được trải nghiệm:

Chào bằng tiếng Burma: Mingalarbar (người bản địa Miến thích được gọi là Burma/Burmese hơn là Myanmar vì Myanmar là đã pha tạp các chủng người khác kiểu như người Hoa,.. rồi). Người Miến rất thân thiện hiền hòa nhất là ở Bagan còn lên Yangon thành phố thì khác hẳn nhưng tựu chung thì không hung hăng như dân Việt đâu nên khá an toàn kể cả với các bạn nữ.

Mặc cả: nhớ xuống khoảng ½ giá so với giá gốc nhất là ở chợ Bogyoke, nói chung ở đâu cũng có thể làm giá nếu bạn không muốn bị mua hớ

Đàn ông hay đàn bà ở đây đều mặc 1 cái váy như cái váy chống nắng quấn quanh người của chị em Việt Nam gọi là Longyi

Ở đây vẫn giữ 1 truyền thống như dân Việt nhiều thập kỷ trước là nhai trầu! kể cả đàn ông lẫn đàn bà, ở đâu cũng thấy bán trầu, mang theo trầu, khạc đỏ đầy đường kể cả trung tâm lớn như Yangon

Đừng dại gì mà book tour đi Golden Rock gần Yangon, nhất là các bạn nữ vì Myanmar cũng là 1 nước nặng tư tưởng Á Đông trọng nam khinh nữ, chỗ này người ta cấm phụ nữ lại gần cái hòn đá đấy mặc dù nó đẹp

Tắc đường là đặc sản của giao thông của Yangon, các bạn nên căn ke giờ hợp lý để ko bị lỡ dở vì đường ở đây rất đông chắc 1km đi mất 15’.

Dù là nước nghèo nhưng Myanmar chỉ đi oto và các phương tiện công cộng như bus chứ không đi xe máy như ở Việt Nam. Và nếu quan sát bạn sẽ thấy vô lăng trên xe rất lung tung có xe thuận có xe ngược vì người ta toàn mua xe bãi từ thập cẩm tứ phương thải về, mà đường lại thuận giống mình làm mấy phen xuống xe hết hồn.

Là đất nước có nhiều quạ nhất, quạ khắp nơi, quạ bay tứ tung nhưng không ai ghét bỏ mà xua đuổi vì dân theo đạo Phật, rất sùng đạo nên không sát sinh.

Mới được Mỹ gỡ bỏ cấm vận được vài năm và hội nhập với thế giới, cộng thêm đã từng bị Anh đô hộ nên Myanmar vẫn còn chưa phát triển, nhà ở đây hầu hết được xây từ những năm 50s 60s của thế kỷ trước, mang kiến trúc Anh nên giờ đã cũ kỹ mọc rêu hết rồi. Vậy nên nhiều người mới nói Yangon là London ở Đông Nam Á.

Theo Anh Tu Nguyen

Xem thêm bài viết

Myanmar phạt khách nước ngoài một tháng tù vì bay drone
Xuất gia báo hiếu, nghi lễ quan trọng nhất đời người ở Myanmar
Vi vu khắp châu Á cùng đôi bạn thân trong phim ‘Friendzone’
Review du lịch Myanmar: BAGAN – MANDALAY – INLE LAKE – YANGON siêu chi tiết

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY

Đánh giá 5 / 5. Lượt: 1

Hotline đặt Combo – Phòng khách sạn – Tour du lịch – Vé máy bay giá siêu tốt: 0908 341 702
1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (No Ratings Yet)
Loading...
Close
Index