Điểm đếnTrải NghiệmViệt Nam

Đi tìm an yên nơi núi rừng Măng Đen – Kon Tum

5
(1)

Khi mình thèm một chút không khí Đà Lạt nhưng lại chẳng thích sự đông đúc. Các cậu nghĩ gì khi nhắc đến Kon Tum? Phải chăng là những con đường đất đỏ đầy nắng gió, những căn nhà rông đặc trưng cao vút, tiếng cồng chiêng rộn rã hay chút hương cafe thoảng trong gió?

Đi tìm an yên nơi núi rừng Măng Đen – Kon Tum

Đó cũng chính là tất cả những điều tớ đã nghĩ về Kon Tum, trước khi đặt chân đến Măng Đen – một thị trấn nhỏ với bốn bề là núi non, cây cối và hoa rừng. Người ta gọi đó là khu du lịch Măng Đen, tớ cũng chẳng hiểu, vì ở đây du lịch không thật sự phát triển, hoặc phát triển theo một cách âm thầm và lặng lẽ nào đó khiến tớ không thể nhận ra. Chỉ biết rằng, ở Măng Đen, mọi thứ đều mộc mạc, giản dị và hoang sơ, ví như Đà Lạt từ mấy chục năm về trước.

Đường đến Măng Đen

Tớ biết đến Măng Đen chỉ qua một chiếc clip được chia sẻ từ người bạn, và chỉ bằng cái nét bình dị “kỳ lạ” ấy đã khiến tớ chọn nơi đây là điểm đến tiếp theo mà không cần tìm hiểu thêm bất cứ thông tin nào. À mà cho dù có tìm thì chắc cũng chẳng có được nhiều kết quả đâu. Vậy nên, cứ đi thôi!

Quãng đường 400km trên con xe máy đi từ Huế đến Măng Đen tuy dài và khó khăn, nhưng tớ lại chẳng cảm thấy mệt chút nào, đặc biệt ngay khi rẽ vào quốc lộ 24, lại càng khiến tớ thêm phấn khích hơn nữa. Đó là khi con đường đèo uốn lượn bắt đầu hiện ra, rồi thì núi non tầng tầng lớp lớp nối nhau, thỉnh thoảng lại nghe được tiếng róc rách của những khe suối chảy dọc dưới chân núi nữa. Tớ lại càng may mắn hơn khi đi vào đúng mùa lúa đang sắp chín, à giờ tớ mới biết, hóa ra ở Tây Nguyên người ta cũng trồng ruộng bậc thang như ở Tây Bắc, chỉ là không rộng lớn bằng thôi. Thú thật, ngoài Tây Bắc ra thì chưa nơi nào khiến tớ có cảm giác “đã” như đường đến Măng Đen.

Bởi vì Măng Đen nằm ở độ cao 1200m, chỉ thấp hơn Đà Lạt một tí thôi, nên khi lên đến đèo thì dù trời nắng nhưng không khí cũng khá là lạnh, nên các cậu nhớ chuẩn bị một chiếc áo khoác nhé.

Làng Konbring

Một buổi chiều dạo quanh làng Konbring chính là điều khiến tớ quyết định “băng rừng lội suối” qua quãng đường 400 km từ Huế đến Măng Đen. Chỉ cần rẽ phải đổ xuống dốc, cảm giác yên bình đã đong đầy. Con đường làng nhỏ đưa tớ đi qua những căn nhà sàn, những ruộng lúa trổ bông vàng, lên đến một ngọn đồi thật cao. Đây là một trong bốn làng văn hóa du lịch cộng đồng của huyện Kon Plông, với hơn 90% là người dân tộc Mơ Nâm, mưu sinh chủ yếu từ việc trồng lúa.

Với tớ, điều quý giá nhất ở ngôi làng này chính là những đứa trẻ. Ở đây, tụi nhỏ thích ngồi trước sân nhà, chơi dăm ba cái trò của tuổi thơ độ mười mấy năm về trước. Mấy đứa lớn hơn thì thích thả diều, chiều về là đứa đầu làng đạp xe đến rủ đứa cuối làng ra khoảng đất trống để cùng chơi. Ở đây, trẻ con chẳng biết smart phone là gì, chỉ biết núi rừng, hoa lá, cây cỏ là bạn thôi.

Thi thoảng thấy một vài vị khách du lịch như tớ, ánh mắt tụi nhỏ sẽ trở nên rụt rè và có chút “sợ”, nhưng thật ra lại rất muốn trò chuyện cùng, vậy nên chỉ cần các cậu ngỏ lời, tụi nó sẽ cười ngay.

Hồ Đăk Ke

Măng Đen không có nhiều điểm tham quan, tập trung lại thành một cụm nên hoàn toàn có thể đi trong một buổi luôn đấy. Hồ Đak Ke là một trong những điểm tham quan hiếm hoi ở Măng Đen. Từ homestay La Maison đến hồ Đăk Ke chỉ khoảng tầm 600m thôi.

Dù xung quanh hồ đang được xây dựng để phục vụ du lịch nhưng khung cảnh vẫn giữ được nét hoang sơ. Mặt nước hồ xanh trong vắt, xung quanh là những hàng cây xanh chạy dài, thêm một vài nhà sàn cao cao cùng với chiếc cầu nhỏ bắc ngang qua hồ, khung cảnh xinh xắn và tình lắm luôn.

Cầu treo

Có lẽ cầu treo là một trong những nét đặc trưng của Măng Đen nói riêng, và Kon Tum nói chung, bởi vì tất cả những chiếc cầu mà tớ đi qua ở Măng Đen đều là cầu treo, chứ không hề thấy một chiếc cầu nào được xây bằng bê tông cốt thép như bình thường.

Tuy nhiên, hầu hết cầu treo ở Măng Đen nhỏ xíu xiu, cũng có quy định rõ ràng là xe máy chỉ được qua từng chiếc một, và nếu đi bộ thì chỉ cho phép dưới 10 người. Nhìn cầu treo cũ kĩ, rỉ màu nhìn sợ thật. Tớ đi cùng với cậu bạn mà không dám ngồi trên xe, phải để cậu bạn chạy xe qua trước rồi mới đi bộ theo sau. Và vì là cầu treo nên mỗi lần đi ngang qua đều thấy rung rung, đi lần đầu thì đúng là run cả tay chân, nhưng vài lần qua về rồi cũng quen thôi. Nhưng nhớ tuân theo quy định của cầu nhé!

Thác Pa Sỹ

Tớ đến Pa Sỹ vào một buổi chiều muộn, cảm giác như đang lạc vào khu rừng thần tiên với không gian lành lạnh, tiếng lá cây xào xạc, tiếng chim ríu rít và tiếng thác đổ càng lúc càng rõ. Sau khi đi bộ qua quãng đường tầm 500m, ngang qua rừng, xuống những bậc thang đá gập ghềnh, thác Pa Sỹ hiện ra thật nhẹ nhàng và yên bình. Tớ không dùng từ hùng vĩ ở đây, bởi vì không như các thác của Tây Nguyên (thác Dray Nur, Dray Sap…) chia thành nhiều nhánh đổ khác nhau, thác Pa Sỹ chỉ có duy nhất một nhánh đổ nước, được bao bọc bởi cả một mảng cây xanh xung quanh.

Theo tớ, thác Pa Sỹ là nơi phát triển du lịch nhất ở Măng Đen, khi từng lối đi đều được xây dựng đàng hoàng và có bảng chỉ dẫn rõ ràng. Ngoài ra khu vực xung quanh cũng đang trong quá trình khởi công để tạo thành một khu du lịch sinh thái hoàn chỉnh với quán ăn, chỗ ở, các điểm chụp hình…

Măng Đen chỉ có vậy, khí hậu mát mẻ, trong lành, những rặng thông xanh mát, làn gió se lạnh và mùi thơm nhè nhẹ của hoa rừng, của lá thông, nhưng lại khiến tớ thật sự say mê. Dù là một chút ích kỷ, nhưng tớ mong muốn Măng Đen vẫn luôn giản đơn và an yên như vậy, không bê tông hóa, không du lịch hóa, để tớ, và cả các cậu luôn có một chỗ tìm về giữa những bộn bề cuộc sống.

Theo Hoàng Linh Hà

Buôn Ma Thuột có gì mà chơi?

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT NÀY

Đánh giá 5 / 5. Lượt: 1

Hotline đặt Combo – Phòng khách sạn – Tour du lịch – Vé máy bay giá siêu tốt: 0908 341 702
1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (No Ratings Yet)
Loading...
Close
Index